VẤN ĐỀ với TRƯỜNG HỌC

Một phần của tài liệu CHỨNG TỰ KỶ TUỔI THIẾU NIÊN VÀ TRƯỞNG THÀNH (Trang 27 - 32)

Một cuộc thăm dò gần đây thấy rằng gần phân nửa phụ huynh có con tự kỷ nói họ gặp trục trặc với hệ thống giáo dục. Cha mẹ cho là thầy cô lớp bình thường mà có trẻ tự kỷ hay Asperger học chung, không biết cách hướng dẫn em, một phần vì họ không được huấn luyện và phần khác là họ không hiểu biết về bệnh. Trường cần thông cảm với sự khó khăn mà cha mẹ trẻ tự kỷ gặp phải, đổi lại cha mẹ cũng cần nhớ là thầy cô phải gắng sức rất nhiều để giúp trẻ tự kỷ hội nhập vào lớp bình thường. Cách tốt nhất để hai bên hiểu nhau là gặp gỡ, trao đổi ý kiến để đánh tan ngộ nhận, bên này hiểu bên kia nghĩ sao và chữa lại hiểu lầm. Cha mẹ cũng nên chuẩn bị là sẽ gặp những cha mẹ khác không muốn có trẻ tự kỷ trong lớp của con họ, vì thầy cô phải bỏ nhiều thì giờ lo cho trẻ tự kỷ và không thể chú ý đến học sinh khác; hoặc họ không muốn con chơi với trẻ tự kỷ để con không bắt chước tật của trẻ, vì trẻ tự kỷ không 'bình thường'.

Vậy chuyện bạn có thể làm là khiến trường, thầy cô, học sinh trong lớp ý thức về tình trạng của con; hãy giúp thầy cô bằng cách soạn một hay hai trang giấy về những đặc điểm cần chú ý của con, tật hay gặp cùng cách đối phó ở nhà, cho họ biết vài điều như:

− Trẻ tự kỷ yếu kém về mặt giao tế, không có kỹ năng tương tác, không hiểu qui luật xã giao và không biết mình phải theo những qui luật đó.

− Thầy cô cần nói chỉ dẫn rõ ràng, kiểm lại là em hiểu nó và biết mình phải làm gì. Nên bắt đầu bằng tên em, nếu không em có thể không biết là thầy cô đang nói với mình. Kế đó thầy cô có thể nghĩ là điểm chính của bài học thật hiển nhiên, dầu vậy không chừng trẻ lại chú tâm vào một điều khác hẳn.

− Trẻ tự kỷ hay thích chuyện gì quen thuộc và không muốn đổi sang chuyện xa lạ em chưa biết.

− Buổi họp toàn trường có thể gây khó khăn cho trẻ tự kỷ, vì có đông người trong phòng họp, khung cảnh ồn ào; nếu được thì xin cho con ngồi ở bìa cho thoải mái hơn, thay vì giữa hàng ghế, và nếu có bạn ngồi cạnh để trông chừng thì càng tốt. Dùng máy tính giờ (timer) để giúp em có ý niệm về thời gian, giải thích buổi họp sẽ kéo dài bao lâu.

− Quan sát thấy rằng giờ ra chơi gây nhiều khó khăn cho trẻ tự kỷ vì nó không có thứ tự, khuôn khổ trong khi trẻ rất cần trật tự, sắp xếp rõ ràng. Khi em không biết chắc

phải làm gì, em có thể có hành vi không thích hợp hoặc tách xa bạn bè và bị cô lập. Để tránh chuyện này bạn có thể khuyến khích con gia nhập một nhóm họp lúc ra chơi, thí dụ nhóm chơi cờ (chess), nhóm điện toán v.v. ; hỏi xem con có thể ngồi trong thư viện; nếu con thích ngồi một mình thì tìm xem trường có chỗ thích hợp cho em. Nếu con muốn dự trò chơi với các bạn mà không biết cách, hãy dạy con vài câu mở lời sao cho bạn không nghĩ là em mát dây, ngớ ngẩn.

− Giờ ăn trưa là thời điểm khó khăn nữa và em cần có phương thức đối phó để giảm bớt căng thẳng. Bạn có thể cho nhân viên phòng ăn biết về đặc điểm của con và xếp đặt sẵn cho trẻ.

− Khi đưa con tới trường, tìm cách thả con xuống cùng một chỗ mỗi ngày, và khi đón thì cũng nên xếp đặt để đón y chỗ mỗi buổi. Có sẵn nước uống và món ăn chơi khi tới đón sau giờ học, giúp con xả hơi; và khi về nhà thì có chỗ dành riêng cho con xả căng thẳng.

− Chót hết, ngày nào có trục trặc làm trẻ bối rối, lo lắng như mất đồ chơi quen thuộc, áo ưa thích chưa giặt và không được mặc hôm nay thí dụ vậy, bạn cần cho thầy cô biết ngay từ đầu để hiểu và nhân nhượng với thay đổi về hành vi ở lớp. Không được báo trước thì thầy cô ngỡ ngàng với sự đổi tánh, và ai nấy đều bực bội không vui, cả lớp cũng như con bạn.

● Vấn Đề về Cảm Quan.

Đa số học sinh tự kỷ bị trục trặc về cảm quan, muốn cho em thành công ở trường thì điều quan hệ là học sinh không cảm thấy bị rối loạn nhiều về cảm quan, và bậc trung học là lúc thiếu niên cần bắt đầu học cách nhận biết khi nào mình bị ảnh hưởng do các tật về cảm quan, như cảm thấy khó chịu, bối rối, nóng nẩy. Các em có thể học cách diễn đạt để báo động cho người chung quanh hay là em phải rời khung cảnh làm em bất an, hoặc học cách phản ứng thích hợp. Đó có thể rất giản dị như là tấm thẻ em đưa cho thầy cô ghi lý do em muốn rời lớp và nhờ giúp đỡ, việc có thể tỏ ý cho người khác hay về vấn đề mà cảm quan gây ra là bước đầu tiên dẫn đến việc học cách đối phó với chúng.

Chuyên viên về cơ năng trị liệu (occupational therapist) được huấn luyện về hòa hợp cảm quan, và có kinh nghiệm với những vấn đề của tuổi thiếu niên, môi trường của bậc trung học sẽ có thể chỉ dạy học sinh những sinh hoạt hữu ích về cảm quan, giúp cho em không bị xáo trộn quá đáng. Vấn đề có thể liên hệ đến ánh sáng, âm thanh, mùi hương v.v. nên cha mẹ cần chú ý để xác định rồi hoặc tự giải quyết, hoặc trình bầy với trường để gia đình và trường hợp tác đối phó. Một thí dụ của sự hợp tác là cho em ngồi nơi thuận tiện trong lớp không bị nắng chói, đèn thay bóng để ánh sáng không làm em nhức mắt và đau đầu nếu đó là vấn đề; về phần gia đình thì cha mẹ có thể cho con luyện thính giác để quen với các loại âm thanh khác nhau, giúp cho em không còn gặp khó khăn với một số âm thanh trong môi trường hằng ngày. Tại những nước tây phương cha mẹ có thể liên lạc với hội về chứng tự kỷ để xin chi tiết nơi trị liệu bằng âm thanh. Nói chung thì ta cần tìm sự quân bình giữa việc làm giảm sự nhậy cảm nơi người tự kỷ và việc tập thích ứng với khung cảnh họ sinh sống. Sau đây là vài thí dụ:

○ Nếu có âm thanh gây cho em khó chịu thì bạn có thể cho em dùng nút bịt tai (earplug), nó hữu ích trong việc giảm sự nhậy cảm với âm thanh; điều lưu tâm là đặt nút bịt tai sao cho em vẫn nghe được người khác nói chuyện với em để không làm ngơ khi thầy cô gọi và em cần trả lời, hoặc nghe tiếng chuông reo đổi giờ học. Khi cần tập trung tư tưởng làm bài em có thể được phép đeo headphone nghe nhạc vặn nhỏ, cách này có sự hữu ích của nó nhưng không nên kéo dài, vì mục tiêu nhắm tới là tập làm giảm sự nhậy cảm và ta chỉ đạt tới điều ấy khi ở trong môi trường có tiếng ồn mà không phải nhờ xa lánh nó. Mặt khác, thiếu niên cần quen với tiếng động trong cuộc sống hàng ngày thay vì cô lập mình, bởi đó là thực tế và ta thay đổi mình cho quen thì dễ hơn là đòi hỏi khung cảnh thay đổi cho hợp ý ta.

○ Đối với ánh sáng, nếu bị chói mắt em có thể xin phép được mang kính mầu trong lớp; khi khác thì đội mũ có vành de ra sẽ giúp chặn ánh sáng nhấp nháy của đèn huỳnh quang. Cha mẹ nên cẩn thận trong việc trị liệu về sự nhậy cảm của mắt. Thị giác là cảm quan hết sức mỏng manh lẫn vô giá, cần được bảo vệ rất kỹ để tránh rủi ro có hại; nó có nghĩa khi muốn có trị liệu về thị giác cha mẹ cần biết phương pháp có căn bản khoa học ra sao, hỏi xem sách vở hay tài liệu nào hỗ trợ cho trị liệu, yêu cầu được đọc các bài này và xem chắc là có ai đã được chữa thành công hay có cải thiện đáng kể nhờ trị liệu. Bạn cần phải có chứng cớ rõ ràng trước khi đóng tiền cho con chữa bệnh, để tránh việc tiền mất tật mang hoặc tệ hơn nữa là mắt bị ảnh hưởng do trị liệu sai lầm.

○ Sang xúc giác nếu thiếu niên bị khó chịu khi có đụng chạm thì những ai chung quanh em hằng ngày cần biết là em không muốn bị đụng chạm. Người tự kỷ có khi thích có cảm giác về áp lực sâu, nếu con bạn ưa thích như vậy thì một giải pháp là cho em đeo túi đeo lưng nặng, túi đeo vai, hoặc may túi lót bên trong áo len, áo khoác có chứa vật nặng để tạo áp lực. Em khác có thể muốn lúc nào cũng có cảm giác nhai, bạn hãy dặn con luôn luôn mang kẹo cao su trong túi.

○ Em nào nhậy cảm về mùi thì cho em mang khăn tay có tẩm mùi ưa thích để em có thể ngửi mùi này, khi khung cảnh có những mùi khác làm em thấy ngộp. Với em không biết nói thì vấn đề có thể trở nên trầm trọng, nhưng may mắn là cách giải quyết lại rất giản dị, chỉ cần bạn tinh ý một chút; thí dụ có em đang ngoan nay bỗng trở chứng la hét. Người ta truy được nguyên nhân là tật bắt đầu có khi cô giáo thay đổi nước hoa, học sinh không chịu được mùi của nước hoa mới nên đâm ra náo động trong lớp, việc học hóa ra chậm lại.

● Hành Vi Trục Trặc.

Như đã có trình bầy trong các sách về tự kỷ, hành vi là một hình thức liên lạc tỏ ý, và có thể có nhiều lý do khác nhau cho cùng một hành vi mà do nhiều người làm. Ở trường, khi hành vi của thiếu niên trở thành mối quan tâm lớn thì học sinh có thể được thẩm định, để tìm nguyên do, hệ quả và cách đối phó. Nó xét tới những gì xẩy ra trước khi có hành vi, hành vi thực sự và hệ quả của hành vi. Dụng ý của việc thẩm định là để có hiểu biết rõ hơn về hành vi và các yếu tố chi phối nó; chuyên viên giỏi dang khi phân tích hành vi có thể ấn định rõ ràng những lực gì nằm sau và thúc đẩy nó. Xin đọc thêm chương bốn về cách giải quyết một số hành vi.

Đây là vấn đề lớn cho cha mẹ, chẳng những việc bắt nạt xẩy ra tại nhiều trường mà người tự kỷ và Asperger còn là nạn nhân tuyệt hảo. Bắt nạt diễn ra dưới nhiều hình thức, bằng lời nói trêu chọc, khiêu khích cho đến việc dùng vũ lực; bởi nó sinh ra ảnh hưởng nặng nề cho nạn nhân, trường và cha mẹ cần hợp lực ngăn ngừa và có biện pháp đối phó. Người tự kỷ dễ bị bắt nạt vì không thể suy ra ý người khác dựa vào thái độ và hành vi dễ đoán; có khi thiếu niên bị nhắm tới mà khi khác thì em ngay tình vướng vào hoàn cảnh không an toàn và vào lúc này, bắt nạt có thể diễn ra ở trường lẫn trên internet và điện thoại di động.

Em bị tấn công còn do cách xử sự, điệu bộ khác người, không hòa với chúng bạn. Trong khi những học sinh khác muốn tỏ ra độc lập bằng cách phá luật nào có thể phá ở trường thì thiếu niên tự kỷ răm rắm tuân theo luật, và có thể phản đối lớn tiếng trong lớp khi có ai phá luật, do đó em không được các bạn ưa chuộng. Lý do khác làm em bị ăn hiếp còn là vì giọng nói, y phục, đầu tóc của học sinh gây hiểu lầm cho người khác. Người tự kỷ thường có giọng đơn điệu không thay đổi, không biết ăn nói cho hợp với người đối diện (nói với bạn bè cùng tuổi hoặc thầy cô đều cùng một cách thức) nên ai tiếp xúc dễ có cảm tưởng sai lạc là em thô lỗ, trịch thượng, chế nhạo họ.

Tật của chứng tự kỷ còn gây ấn tượng bất lợi cho thiếu niên, thí dụ em không nhìn vào mắt, giọng phẳng lì, đứng nhúc nhích không yên làm người khác tin là em có điều muốn che dấu, không thật lòng. Em không có ý niệm về tôn ti, kính nể người có thẩm quyền nên mạnh dạn sửa lỗi thầy cô, gây phật ý. Chuyện hóa tệ hơn cho trẻ Asperger nào giỏi ăn nói, em thao thao khiến mọi người tin rằng em hiểu biết nhiều, hiểu ý họ nên khó tha thứ khi em tỏ ra không hiểu nghĩa bóng, không cư xử theo luật bất thành văn trong lúc giao tiếp.

Ngoài việc gặp nhiều rủi ro hơn trẻ khác về chuyện bị bắt nạt, trẻ tự kỷ còn có thể không nói được cho bạn nghe chuyện gì xẩy tới cho em. Khi khác trẻ tự kỷ muốn được hòa vào nhóm và sẽ làm những gì mà kẻ bắt nạt đòi hỏi, thường khi đó là những việc có thể gây hại cho trẻ, hoặc làm em bị rắc rối với nhà trường, thí dụ em gái cởi y phục trong sân chơi. Trẻ tự kỷ còn là mục tiêu dễ nhắm trong sân trường vì các em hay chơi một mình, không có ai hỗ trợ chung quanh.

Cha mẹ cần cho con và trường hay rằng bắt nạt là điều không thể được khoan thứ, và dàn xếp với trường để có một nhân viên mà thiếu niên có thể tiếp xúc để được giúp đỡ, khi em cảm thấy không an toàn. Trong gia đình cha mẹ có thể dạy con có lòng tự tin, biết giá trị của mình; từ ý niệm này em sẽ cảm thấy bị xúc phạm khi có bắt nạt, và mạnh dạn phản đối hoặc kể lại chuyện cho thầy cô hay cha mẹ biết để mau lẹ đối phó. Tới đây bạn thấy việc dạy con biết tự biện hộ, lên tiếng bảo vệ quyền lợi của mình có ứng dụng tốt đẹp ra sao.

○ Bắt nạt là sao.

Bắt nạt được định nghĩa là:

- Cố ý gây tổn thương tình cảm hoặc thể chất,

- Sự việc tái đi tái lại trong một khoảng thời gian, và - Nạn nhân khó mà bảo vệ mình với việc ấy.

Bắt nạt chia làm ba loại:

- Thể chất, như đánh, đá, lấy đi đồ vật.

- Lời nói như gọi tên bậy bạ, xúc phạm, phê bình chọc giận.

- Gián tiếp như tung lời đồn đãi, nói chuyện xấu về nạn nhân, tẩy chay không cho nhập vào nhóm bạn bè, gửi email hoặc gửi text có ác ý bằng điện thoại di động.

Ngoài việc bắt nạt trong trường, nay những cách liên lạc mới như internet và điện thoại di động cho phép kẻ bắt nạt trêu chọc người ta bằng những cách khác và ngoài giờ học. Nó có nghĩa sau khi tan trường, học sinh vẫn có thể bị chọc phá vào buổi tối và luôn cả cuối tuần. Bắt nạt lối mới gồm có việc gửi text bằng điện thoại di động, emails, chuyện gẫu trên internet (chat forums), các trang web. Kẻ bắt nạt có thể khuyến khích bạn cùng lớp gửi cho nhau những lời gây tổn thương cho một em nào. Cách khác là dùng điện thoại di động chụp hình, quay video người bị đánh hoặc bị chọc phá rồi gửi đi cho bạn bè xem.

Thường thường, 1/3 nạn nhân bị bắt nạt không hề cho ai hay. Trẻ có khuyết tật dễ bị bắt nạt gấp ba lần trẻ bình thường, mà một số em cũng dễ chính mình thành kẻ bắt nạt người khác. Chót hết, bắt nạt xảy ra ở trường bình thường lẫn trường đặc biệt.

○ Dấu hiệu.

Khó khăn cho cha mẹ là không dễ biết con mình bị bắt nạt hay không, nhất là khi trẻ không biết nói, hoặc không nghĩ mình bị bắt nạt để cho cha mẹ hay. Chẳng hạn có trẻ được bạn đổi hai đồng 25 xu để lấy đồng cắc một đồng. Hai đổi lấy một nhưng là 50 xu đổi được một đồng, và trẻ tự kỷ nghĩ mình có bạn tốt. Vậy bạn cần tìm những dấu hiệu khác để xem con có thể bị bắt nạt khi nghi ngờ. Chúng có thể là:

Một phần của tài liệu CHỨNG TỰ KỶ TUỔI THIẾU NIÊN VÀ TRƯỞNG THÀNH (Trang 27 - 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(193 trang)