1. KẾT LUẬN
Qua việc nghiên cứu, tìm tòi và vận dụng một số biện pháp giúp học sinh lớp 2 học tốt phân môn Tập đọc, tôi thấy để các em học tập đọc tốt hơn, chất lượng đọc của các em ngày càng được nâng cao thì vai trò quan trọng nhất vẫn là giáo viên. Để có kết quả và chất lượng học sinh thay đổi khả quan thì người giáo viên phải có lòng nhiệt huyết, yêu nghề - mến trẻ. Người giáo viên cần có trình độ và thái độ cầu thị tự học để nâng cao trình độ thì mới thực hiện hết vai trò và sứ mạng của mình trong sự nghiệp trồng người cao quí. Trong việc rèn đọc giáo viên phải tự rèn luyện để mình có giọng đọc tốt, truyền cảm, có sức lôi cuốn học sinh. Phải trau dồi năng lực cảm thụ văn học để truyền thụ kiến thức cho học sinh một cách mạch lạc, dễ hiểu. Cần có những biện pháp cụ thể để rèn đọc và tìm hiểu bài cho từng đối tượng học sinh, có phương pháp và hình thức tổ chức dạy học tập đọc đối với từng đoạn, bài cụ thể. Các biện pháp cụ thể là:
- Ngay từ đầu năm học, giáo viên cần khảo sát, tìm hiểu khả năng của từng em để phát hiện lỗi sai.
- Lựa chọn phương pháp và hình thức dạy học phù hợp với đối tượng học sinh, với bài học. Đặc biệt quan tâm chú ý sửa ngọng cho các em.
- Vận dụng quan điểm tích hợp khi dạy học tập đọc.
- Hướng dẫn học sinh cách chuẩn bị bài trước mỗi bài học.
- Trong giờ học luôn lấy học sinh làm trung tâm của mọi hoạt động, giáo viên chỉ là người tổ chức, hướng dẫn.
- Quan tâm tới học sinh đọc yếu, luôn động viên, khuyến khích kịp thời để tạo hứng thú học tập. Nâng niu sự tiến bộ của từng học sinh dù là nhỏ nhất.
- Rèn cho học sinh thói quen chú ý lắng nghe bạn đọc để đánh giá cách đọc của bạn và sửa lỗi cho mình, đồng thời hiểu bài, rút ra cách đọc đúng.
- Hướng dẫn học sinh hiểu từ, câu.
- Hướng dẫn và luyện cho học sinh kĩ năng đọc thầm, kĩ năng tìm ý trả lời, kĩ năng trả lời câu hỏi đủ ý, cách trả lời câu hỏi.
- Giáo viên tự bồi dưỡng chuyên môn qua sách báo, tài liệu tham khảo, học hỏi đồng nghiệp …
- Xây dựng phiếu bài tập giúp học sinh làm bài tập thi đọc dưới dạng phiếu học tập - qua tiết hoạt động tập thể hoặc giờ hướng dẫn học.
- Giáo viên cần tìm hiểu qua sách tham khảo, thông tin trên mạng internet để tìm những trò chơi phù hợp với lớp và tổ chức cho các em chơi trò chơi trong giờ Tập đọc, có như thế thì giờ học mới sinh động hơn, hiệu quả hơn.
2. KHUYẾN NGHỊ
2.1. Đối với các cấp quản lí
- Cung cấp thêm tài liệu tham khảo về môn Tập đọc.
- Trang bị cho lớp học máy tính, máy projector, máy chiếu đa vật thể.
2.2. Đối với nhà trường
- Duy trì thực hiện tốt việc đổi mới phương pháp dạy học.
- Phát huy xây dựng kế hoạch hoạt động riêng cho nội dung đổi mới phương pháp dạy học.
- Tiếp tục đầu tư hợp lí cho việc mua sắm phương tiện dạy học và các tài liệu chuyên môn phục vụ cho dạy và học.
2.3. Đối với phụ huynh
Qua thực tế giảng dạy, tôi thấy bên cạnh sự nhiệt tình, trình độ của giáo viên, sự cố gắng nỗ lực của học sinh, để nâng cao chất lượng dạy học cần có sự quan tâm
của phụ huynh. Đó là sự phối kết hợp của phụ huynh đến việc giáo dục ý thức tự giác học tập cho con em cần đúng mực hơn.
2.4. Đối với giáo viên
- Cần có nhận thức đúng về đổi mới phương pháp dạy học vì giáo viên là chủ thể trực tiếp đổi mới phương pháp dạy học, không ai làm thay được.
- Tìm hiểu, nắm vững đối tượng học sinh. Cần nắm vững nội dung chương trình, mức độ yêu cầu của môn Tiếng Việt và đặc biệt là phân môn Tập đọc, xác định được vị trí, vai trò của môn học. Nắm vững phương pháp và hình thức tổ chức dạy học. Biết vận dụng, phối hợp linh hoạt các hình thức tổ chức dạy học. Thuộc các bước lên lớp của một giờ tập đọc. Soạn được hệ thống câu hỏi tìm hiểu bài. Có kĩ năng xây dựng giáo án cho một bài dạy tập đọc.
- Chuẩn bị tốt bài dạy trước khi lên lớp, chú trọng thiết kế bài dạy theo hướng tích cực hoá hoạt động của giáo viên. Luôn tích luỹ những kinh nghiệm quý báu để thực hiện tốt việc đổi mới phương pháp dạy học.
- Cần phải biết tạo ra không khí học tập thoải mái, tự nhiên, tránh gây căng thẳng, đơn điệu. Biết trân trọng những phát hiện, tiến bộ của các em dù là nhỏ nhất để các em tự tin vào bản thân. Giáo viên cần quan tâm đến mọi đối tượng học sinh, phát huy khả năng và sở trường của các em. Biết tạo ra môi trường học tập tích cực để các em có cơ hội bộc lộ khả năng của cá nhân, biết trình bày quan điểm, ý kiến của mình trước tập thể, biết tự đánh giá kết quả học tập, biết học hỏi lẫn nhau trong quá trình học tập.
Trong đề tài này, tôi đã bước đầu đưa ra một số ý kiến của mình trên sự tham khảo của nhiều chương trình nghiên cứu về dạy tập đọc. Tuy vậy do hạn chế về khả năng, kinh nghiệm nên bài nghiên cứu của tôi không thể tránh khỏi những thiếu sót. Việc nêu ra các lỗi khi học và một số biện pháp giúp học sinh học tốt phân môn Tập đọc mới chỉ là bắt đầu. Với những biện pháp trên tôi nhận thấy: Nếu như công việc này được tiến hành thường xuyên và liên tục thì sẽ giúp học sinh chắc chắn sẽ có kĩ năng đọc, kĩ năng tìm hiểu bài tốt. Rèn được ở người học nếp học tập tốt. Người học sẽ chủ động, tự tin hơn trong quá trình học, tiếp thu kiến thức.
Trên đây là một số vấn đề tôi đã suy nghĩ, học hỏi và vận dụng vào giảng dạy phân môn Tập đọc tại lớp mình, chắc chắn không tránh khỏi hạn chế.
Tôi rất mong nhận được những ý kiến đóng góp của Ban Giám hiệu nhà trường, của các bạn đồng nghiệp cùng ý kiến của các đồng chí lãnh đạo, giúp tôi ngày càng vững vàng hơn trong giảng dạy, để đề tài của tôi trở nên hoàn thiện hơn.
Tôi xin chân thành cảm ơn !
Hà Nội, ngày 15 tháng 04 năm 2017
Tôi xin cam đoan đây là sáng kiến kinh nghiệm của mình viết, không sao chép nội dung của người khác.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Chương trình tiểu học. NXB GD, (2002)
2. SGK, SGV Tiếng Việt lớp 2. NXB GD, (2002)
3. Hướng dẫn thực hiện chuẩn kiến thức, kĩ năng các môn học ở tiểu học lớp 2.
NXB GD, (2009)
4. Nguyễn Thị Hạnh. (2002) Dạy học đọc hiểu ở tiểu học. NXB ĐHQG Hà Nội 5. Vũ Bá Hùng. (1993) Chuẩn mực ngữ âm và vấn đề dạy tiếng Việt trong nhà
trường. Trong “Giáo dục ngôn ngữ”, Viện Ngôn ngữ học
6. Vũ Nho. (1999) Nghệ thuật đọc diễn cảm. NXB Thanh niên 7. Lê Phương Nga. (2001) Dạy học tập đọc ở tiểu học. NXBGD
8. Lê Phương Nga, Nguyễn Trí. (1999), Phương pháp dạy học Tiếng Việt Tiểu
học 2, NXB Giáo dục
9. GS.TS Lê Phương Nga. (2008), Phương pháp dạy học Tiếng Việt Tiểu học, NXB Đại học Sư Phạm
10. TS. Nguyễn Trọng Toàn (chủ biên), Nguyễn Thị Hương. (2011), Rèn kĩ năng
tập đọc cho học sinh lớp 2, NXB Giáo dục Việt Nam
11. Trần Mạnh Hưởng, Lê Hữu Tỉnh. Giải đáp 88 câu hỏi về giảng dạy Tiếng
Việt ở Tiểu học