Ông Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp), đã nêu vấn đề như vậy tại Hội thảo “Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước - khung chính sách, pháp luật và tổ chức thực hiện” diễn ra sáng ngày 22/02/2017.
Góp ý tại Hội thảo, ông Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp), cho rằng hiện nay tên gọi và số lượng cấp vụ thay đổi khá tùy tiện qua mỗi đời bộ trưởng. Ông Lê Hồng Sơn nhận định các quy định liên quan của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cấp vụ “khá định tính, mềm dẻo” do đó dẫn đến việc áp dụng tùy tiện.
“Mỗi nhiệm kỳ, mỗi đời bộ trưởng lại có một sự thay đổi về số lượng, tên gọi các vụ. Sự thay đổi này chủ yếu theo hướng tăng thêm, chia nhỏ chức năng. Cá biệt có lãnh đạo quan niệm rằng bộ có nhiều đầu mối, nhiều đơn vị cấp dưới mới oai, mới thể hiện vị thế của bộ, ngành mình” - ông Sơn nói.
Liên quan đến tình trạng “bộ máy phình to, biên chế tăng nhanh”, ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, so sánh trong khi Quốc hội, Chính phủ thực hiện giảm bớt số lượng các bộ thì tổ chức bên trong các bộ lại phình ra. Trong khi đó bộ máy Chính phủ còn ôm đồm nhiều việc, phương thức điều hành còn cũ, vẫn điều hành trực tiếp làm cho chính quyền địa phương ỷ lại, chờ trung ương chỉ đạo, do đó còn giữ bộ máy lớn.
Theo ông Thang Văn Phúc, nguyên nhân của tình trạng này là do các bộ, ngành, địa phương vẫn mang nặng tư tưởng bao cấp, xin cho, không tách bạch giữa quản lý nhà nước với sản xuất kinh doanh…
“Thực tế các bộ còn dành bộ máy khá lớn để thực hiện quyền sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước thuộc ngành, lĩnh vực. Như thế thì khó tinh giản được bộ máy Chính phủ theo yêu cầu cải cách” - ông Thang Văn Phúc nói.
Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, đến nay có đến 20/22 bộ, ngành (trừ Bộ Quốc phòng và Bộ Công an) đồng thời đề nghị tăng biên chế và tổ chức bên trong. Chỉ có hai bộ Nội vụ và Công Thương xin giảm cơ cấu tổ chức bên trong, trong đó Bộ Công Thương đề nghị giải tán một tổng cục để cơ cấu lại thành vụ. Còn tại các địa phương, từ năm 2016 đến nay đã tăng thêm 13 sở Du lịch, xuất phát đầu tiên từ thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quảng Ninh...
Cũng theo Bộ Nội vụ, thực hiện Nghị định 108/2014 của Chính phủ về tinh giản biên chế, đến nay trên toàn quốc đã giảm được hơn 22.300 người. Trong đó khối đảng đoàn thể hơn 900 người, khối hành chính (đến cấp huyện) là hơn 2.700 người, khối sự nghiệp (đến cấp xã) là hơn 14.500 người (trong đó ngành giáo dục là 9.600, y tế là 2.300).