f. Tác động đến xã hội và sức khỏe cộng đồng
3.1. Kinh nghiệm của nhóm nước phát triển
a) Về chính sách chung:
Nhiều nước phát triển đã lồng ghép các vấn đề ứng phó với BĐKH vào chính sách, kế hoạch phát triển KT-XH quốc gia. Công tác ứng phó với BĐKH ở nhóm các nước này tập trung chủ yếu vào hợp phần “Giảm nhẹ”. Chiến lược quốc gia về BĐKH đã được nhiều quốc gia xây dựng làm cơ sở cho các hoạt động ứng phó với BĐKH. Ở Anh, để đạt được mục tiêu giảm phát thải KNK tới 34% vào năm 2020 và 80% vào năm 2050 so với mức phát thải năm 1990, Luật BĐKH đã được Chính phủ Anh thông qua vào năm 2008, làm cơ sở cho quản lý việc triển khai, thực hiện các hành động ứng phó với BĐKH. Bên cạnh đó, Chính phủ nước này cũng không ngừng nỗ lực tìm kiếm những giải pháp mới, hiệu quả, tiết kiệm, lồng ghép các hợp phần của ứng phó với BĐKH vào chính sách, văn bản pháp luật ban hành. Bằng việc tiếp cận với giải pháp MAG-tích hợp đồng thời các nội dung giảm nhẹ, thích ứng và địa kỹ thuật vào một chính sách tổng hợp để giải quyết các vấn đề quốc gia và quốc tế của Anh về BĐKH. Cụ thể:
- Giảm nhẹ: Tập trung giảm phát thải KNK trong tất cả các lĩnh vực của xã hội, như sản xuất năng lượng, giao thông vận tải và môi trường xây dựng.
- Thích ứng: Đảm bảo thích nghi và bảo vệ tài sản quan trọng như các nhà máy điện, mạng lưới giao thông vận tải, khu dân cư trước lũ lụt, nhiệt độ tăng và NBD.
- Địa kỹ thuật: Sử dụng công nghệ để làm chậm sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu bằng cách loại bỏ CO2 trực tiếp từ khí quyển hoặc phản chiếu bức xạ mặt trời trở lại không gian.
Hướng tiếp cận này giúp Chính phủ Anh có thể hoàn thành mục tiêu cắt giảm 80% lượng phát thải KNK trước năm 2050, đồng thời chuyển sang nền kinh tế các-bon thấp, thích ứng kịp với những tác động của BĐKH. Việc áp dụng các công nghệ địa kỹ thuật sẽ được giảm dần theo thời gian nếu các chính sách giảm nhẹ mang lại các kết quả tích cực ban đầu. Mặt khác, các công nghệ loại bỏ CO2 có thể được duy trì lâu hơn thời gian cần thiết để giảm lượng CO2 lịch sử đã có trong bầu khí quyển.
Cộng hòa liên bang Đức là một trong những nước phát triển rất tích cực tham gia cam kết cắt giảm phát thải KNK năm 2009 đã giảm được 26% lượng phát thải KNK (so với năm 1990) vào. Chính phủ Đức đã tiến hành cải tiến Khung quy chế về BĐKH nhằm hạn chế sự chồng chéo trong các văn bản pháp luật, cải thiện quy trình ra quyết định và đánh giá các vấn đề liên quan đến BĐKH. Nước Đức cũng tăng cường lồng ghép các vấn đề
thị trường vào những chính sách về BĐKH thông qua việc áp dụng hệ thống thu phí phát thải trong ngành công nghiệp và tham gia tích cực vào Hệ thống kinh doanh phát thải của châu Âu. Để tạo thêm tăng trưởng từ những mục tiêu về giảm nhẹ BĐKH, Chính phủ nước này cũng cam kết hỗ trợ, đầu tư cho lĩnh vực năng lượng, các sáng kiến cải thiện môi trường bằng việc tăng giá năng lượng và thu phí ô nhiễm, thắt chặt các quy định môi trường nhằm thúc đẩy nhu cầu phải có các sản phẩm và công nghệ xanh.
b) Về cơ cấu thể chế, tổ chức
Đối với các quốc gia phát triển, phần lớn thuộc Phụ lục I của UNFCCC (42 quốc gia) và có trách nhiệm giảm nhẹ phát thải KNK, cơ cấu tổ chức về ứng phó với BĐKH được xây dựng theo hai hình thức phổ biến:
- Cơ quan cấp Bộ về BĐKH: Đan Mạch, Úc, Hy Lạp, Anh là những quốc gia triển khai theo mô hình tổ chức này. Việc hình thành cơ quan cấp Bộ về BĐKH nhằm các mục đích: (i) đảm bảo thực hiện cam kết trong phạm vi Công ước hoặc Nghị định thư Kyoto về giảm nhẹ phát thải KNK; (ii) tăng cường vai trò, vị thế quốc gia trong các vấn đề về BĐKH cấp khu vực và toàn cầu thông qua các hoạt động về chuyển giao công nghệ, hỗ trợ kỹ thuật, tài chính và nâng cao năng lực cho các quốc gia đang phát triển và kém phát triển; (iii) đảm bảo thích ứng hiệu quả với tác động của BĐKH ở cấp quốc gia và tại các nước khác có ảnh hưởng tới nền kinh tế của quốc gia đó.
Cơ cấu tổ chức của cơ quan cấp Bộ về BĐKH được xây dựng dưới hình thức là cơ quan điều phối chung, có trách nhiệm xây dựng chính sách và tham vấn cho Chính phủ về các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch. Các cơ quan cấp Bộ về BĐKH như vậy không có trách nhiệm thực hiện các hoạt động cụ thể về ứng phó với BĐKH nhưng có vai trò xây dựng kế hoạch, điều phối, theo dõi và giám sát các hoạt động ứng phó với BĐKH tại các cơ quan, tổ chức trực thuộc Chính phủ hoặc các tổ chức phi chính phủ khác.
- Ủy ban trực thuộc Chính phủ về BĐKH: Hà Lan, Thụy Điển, Na Uy, xây dựng một Ủy ban trực thuộc Chính phủ (Ủy ban quốc gia) về BĐKH nhằm các mục đích chính là đảm bảo thực hiện cam kết trong phạm vi Công ước hoặc Nghị định thư Kyoto về giảm nhẹ phát thải KNK và đảm bảo thích ứng hiệu quả với tác động của BĐKH ở cấp quốc gia và tại các nước khác có ảnh hưởng tới nền kinh tế của quốc gia đó. Các quốc gia này thường có ít hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật và nâng cao năng lực cho các quốc gia kém phát triển hoặc đang phát triển so với các quốc gia phát triển lớn khác hoặc các quốc gia này không tham gia Nghị định thư Kyoto (ví dụ như Hoa Kỳ).
Trách nhiệm chính của Ủy ban quốc gia về BĐKH là xây dựng các chiến lược, chính sách và tham vấn cho Chính phủ về các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch ứng phó với BĐKH. Chính phủ sẽ căn cứ trên các tham vấn của Ủy ban quốc gia về BĐKH chỉ đạo các cơ quan cấp Bộ xây dựng và thực hiện các hoạt động cụ thể về ứng phó với BĐKH
đồng thời theo dõi, giám sát và đánh giá các hoạt động ứng phó với BĐKH của các cơ quan, tổ chức trực thuộc Chính phủ hoặc các tổ chức phi chính phủ khác.
c) Về vấn đề nguồn lực tài chính
Hiện nay, các quốc gia phát triển đã tiến hành thể chế hóa nguồn kinh phí cho sự nghiệp BVMT tính theo tỷ lệ GDP hoặc tổng thu NSNN nhằm đảm bảo mục tiêu PTBV. Tuy nhiên, nguồn ngân sách quốc gia cho lĩnh vực này nhìn chung còn thấp so với yêu cầu thực tế và vấn đề ưu tiên phân bổ cũng rất khác nhau giữa các lĩnh vực như rác thải, nước thải, không khí. Nguồn lực đầu tư cho các hoạt động ứng phó với BĐKH, bao gồm cả thích ứng và giảm nhẹ phát thải KNK được huy động từ doanh nghiệp và cộng đồng. Các quốc gia phát triển như Hàn Quốc đã có những cơ chế, chính sách về thuế, thu phí, trợ giá phù hợp nhằm thúc đẩy phát triển công nghệ mới thân thiện với môi trường, khí hậu, phát thải các-bon thấp, năng lượng mới, năng lượng tái tạo, tái chế chất thải, bỏ trợ giá năng lượng hóa thạch; đẩy mạnh tiêu dùng và sản xuất bền vững, thúc đẩy lối sống xanh, TTX, phát triển kinh tế xanh, phát thải các-bon thấp. Để thực hiện được mục tiêu đó, nhiều quốc gia đã tiến hành nghiên cứu, đánh giá tiềm năng, từ đó xây dựng những mục tiêu và lộ trình cắt giảm phát thải cụ thể cho từng giai đoạn.