7. Kết cấu của luận văn
1.3.5. Pháp luật lao động và các chính sách, quy định của Nhà nước
Pháp luật lao động và các quy định của Chính phủ có ảnh hưởng lớn đến chính sách đãi ngộ trên thị trường, bởi các quy định này mang tính pháp lý, buộc doanh nghiệp phải thi hành như các quy định về tiền lương tối thiểu, trả lương làm thêm, làm đêm, chi trả các khoản trợ cấp, phụ cấp, Bảo hiểm xã hội,... cho NLĐ.
Các chính sách pháp luật của Nhà nước tạo ra khung hành lang pháp lý để cho các tổ chức có thể thực hiện chi trả đãi ngộ tài chính cho NLĐ một cách hợp lý. Bên cạnh đó, pháp luật lao động còn là phương tiện thực hiện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho cả doanh nghiệp và NLĐ. Đồng thời đảm bảo doanh nghiệp và NLĐ thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ đối với Nhà nước và bên còn lại trong quan hệ lao động nói chung và trong chi trả đãi ngộ tài chính nói riêng.
Những quy định, chính sách của Nhà nước cũng là cơ sở để xây dựng hệ thống đãi ngộ của tổ chức; xây dựng kế hoạch lương, thưởng, phúc lợi; xây dựng quỹ lương, thưởng cho doanh nghiệp và là căn cứ chi trả đãi ngộ tài chính cho NLĐ. Do đó, việc xây dựng hệ thống đãi ngộ tài chính cần phải dựa trên những quy định của Nhà nước, đồng thời có thể vận dụng linh hoạt để phù hợp với tính chất, đặc điểm sản xuất kinh doanh của từng doanh nghiệp.
Khi chính sách liên quan đến tiền lương, phụ cấp lương, tiền thưởng, phúc lợi của Nhà nước được sửa đổi, cải cách với các quy định mới thì chính sách đãi ngộ tài chính của mỗi doanh nghiệp cũng phải được chỉnh sửa, thay đổi để phù hợp với các quy định này. Sự thay đổi trong quy định của Nhà nước về mức lương tối thiểu qua các thời kỳ hay những thay đổi trong quy định về quản lý tiền lương và thu nhập, thay đổi mức đóng Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho NLĐ,… đòi hỏi các đơn vị phải tuân thủ một cách linh hoạt nhằm bảo vệ, đáp ứng kịp thời quyền lợi của NLĐ, từ đó giúp NLĐ yên tâm công tác và gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.
Vì vậy, các doanh nghiệp cần theo dõi và cập nhật thường xuyên, kịp thời các quy định mang tính pháp lý của Nhà nước liên quan đến vấn đề lương, phụ cấp lương, thưởng, các chế độ phúc lợi cho NLĐ để từ đó có định hướng trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống đãi ngộ tài chính đảm bảo phù hợp và đúng với quy định của pháp luật.