Theo Tô Minh Châu và cs (2001) [2] cho biết về các bệnh ký sinh trùng như sau:
Bệnh giun móc
Bệnh giun móc chó phân bố rộng ở khắp nơi trên thế giới. Bệnh ở chó gây ra do giun móc với các dấu hiệu đặc trưng: viêm ruột và chảy máu ruột làm chó chết nhiều.
Ở nước ta, bệnh có ở chó khắp các tỉnh từ Bắc đến Nam. Nguyên nhân
Giun móc là loài giun rất nhỏ, chỉ dài 8 - 12mm ký sinh ở ruột non chó. Giun móc có 3 cặp răng sắc nhọn, bám vào thành ruột non chó để hút máu gây ra các tổn thương, từ đó vi khuẩn xâm nhập vào ruột gây viêm ruột chảy máu.
Giun sống ở ruột non, đẻ trứng ở đó. Trứng theo phân ra ngoài nở thành ấu trùng khi gặp điều kiện thuận lợi. Chó nuốt phải ấu trùng có trong thức ăn, nước uống, ấu trùng vào ruột sẽ phát triển thành giun trưởng thành, gây ra bệnh giun móc ở chó.
Triệu chứng
Chó bị giun móc ở hai thể:
Thể bệnh cấp tính: thường gặp ở chó non từ 1 - 4 tháng tuổi. Chó nôn mửa liên tục do ấu trùng móc răng vào ruột để hút máu, chó ăn kém hoặc bỏ ăn, sau đó ỉa chảy, phân lỏng lẫn máu màu như bã cà phê và có mùi tanh. Vi khuẩn có sẵn trong ruột xâm nhập vào chỗ tổn thương do giun móc làm cho viêm ruột nặng hơn. Bệnh tiến triển nhanh, chó bệnh chết sau 3 - 4 ngày với tỷ lệ cao (70 - 100% chó bệnh).
Thể bệnh mãn tính: thường gặp ở chó từ 6 tháng tuổi đến trưởng thành. Các triệu chứng bệnh giống như chó bị bệnh cấp tính, nhưng nhẹ hơn và kéo dài. Chó bị nôn mửa, ỉa chảy phân có máu từng đợt 4 - 5 ngày, sau đó trở lại bình thường. Ít lâu sau, hiện tượng nôn mửa, ỉa chảy lại tái phát, làm cho chó gầy yếu, thiếu máu kéo dài. Chó sẽ chết do kiệt sức sau 2 - 3 tháng bị bệnh.
Điều trị
Điều trị bằng cách tẩy giun với 1 trong 2 hoá dược sau:
Mebendazole (Vermox, Mebenvét): dùng liều 100mg/kg thể trọng, liều thuốc chia làm 2 lần, cho chó uống vào 2 buổi sáng trước khi cho ăn.
Lopatol: dùng liều 50mg/kg thể trọng, cho chó uống vào buổi sáng trước khi cho ăn.
Cần phối hợp điều trị hiện tượng ỉa chảy và chảy máu ruột: Bisepton: dùng liều 50mg/kg thể trọng, dùng liên tục 3 - 4 ngày.
Vitamin K, vitamin C: tiêm cho chó liên tục 3 - 4 ngày.
Bệnh mò bao lông (Demodex)
Bệnh mò bao lông hay còn gọi là bệnh ghẻ ở chó do ký sinh trùng Demodex canis gây ra, Demodex canis sống trong nang lông chó. Bệnh biểu hiện bên ngoài viêm da, sừng hoá và suy mòn cơ thể con vật.
Hình dạng: Demodex canis có cơ thể hình giun, màu sáng xám với các vân ngang và ở phần sau có dạng hình nón, thân dài 0,25 mm. Vòng đời: Giai đoạn phát triển của Demodex gồm có 4 giai đoạn: Trứng - ấu trùng - tiền thiếu trùng - trưởng thành. Ghẻ đẻ trứng trong bao lông, nở thành ấu trùng, phát triển thành ghẻ trưởng thành. Thời gian để hoàn thành vòng đời khoảng 20 - 30 ngày.
Tác hại: Mò phát triển rất nhanh ở nang lông và các tuyến bã nhờn của da, cuối cùng làm các tổ chức này bị teo đi, đồng thời gây rối loạn các chức năng hoạt động sinh lý của da. Bên cạnh đó nước bọt và chất thải của mò sinh ra làm cho cơ thể vật nuôi nhiễm độc, ngoài ra mò còn mở đường cho các vi sinh vật sinh mủ xâm nhập.
Triệu chứng: Bệnh ghẻ do mò bao lông thường phát sinh ở phía trước mắt, hoặc khuỷu chân. Bệnh thể hiện ở nhiều mức độ từ thể nhẹ đến nặng.
+ Thể nhẹ: Xuất hiện các hạt viêm hình tròn đường kính 2 - 10 mm ở một khu vực tách biệt như chó bị rụng lông ở mặt, quanh mắt, hay chân trước, hoặc cả 4 chân.
+ Thể nặng: Chó ngứa ngáy nhiều, da viêm đỏ, có mụn mủ, có máu và dịch vàng rỉ ra từ những vùng nhiễm bệnh, lâu ngày chó có mùi rất hôi, cũng có những con chó bị nhiễm trùng kế phát làm thành lớp nhầy màu hơi vàng ở ngoài da, dần dần không đóng vẩy. Chó rụng lông theo vết mò phát triển, giảm ăn, không ngủ được, lâu ngày suy mòn rồi chết. Để chẩn đoán chính xác bệnh cần đưa chó bệnh đến bệnh xá thú y nơi gần nhất, lấy mẫu bệnh phẩm.
Điều trị bệnh: Nên dùng kết hợp các thuốc sau để điều trị: Tiêm vimectin 0,1%: 1 ml/4 - 5 kg thể trọng/lần/ngày, 1 tuần sau nên tiêm lại 1 - 2 lần để tăng kết quả điều trị. Bôi thuốc mỡ ghẻ diptivet lên những vùng da bị lở loét. Tiêm vitamin ADE: 1ml/10kg thể trọng và vitamin C: 500 mg/10kg thể trọng để tăng sức đề kháng và mau phục hồi chỗ lông rụng. Tắm Vime - Shampo mỗi tuần.
Trường hợp chỗ ghẻ bị viêm nhiễm nặng, phải tiêm kháng sinh chống bội nhiễm: Amicin: 1ml/5 kg thể trọng trong 3 - 5 ngày liên tục. Kết hợp với thuốc kháng viêm diclofen: 1 ml/15 kg thể trọng/ngày.
Bệnh Ghẻ ngầm (Sarcoptes)
Theo Nguyễn Thị Kim Lan và cs (2016) [6], do các loại kí sinh trùng kí sinh trên da như ghẻ Sarcoptes, ghẻ Demodex… tấn công vào gây ngứa ngáy, khó chịu, rụng lông, mụn mủ …
Đây là một bệnh nhiễm ký sinh trên da gây ngứa dữ dội, có thể lây lan giữa người và động vật do Sarcoptes scabiei var canis.
Triệu chứng
Có 3 biểu hiện chính:
Ngứa: Do ghẻ đào hang, tiết ra độc tố, nước bọt và các chất bài tiết làm cho con vật bị ngứa, khi trời nóng hay thú vận động thì ngứa càng nhiều. Chó bị ghẻ hay gãi, nhây, cắn chổ ngứa. Đôi khi chó cọ sát lưng vào tường hay nằm lăn qua lại dưới đất
Rụng lông: Ấu trùng chui vào nang bao lông gây viêm bao lông cùng với việc cọ sát gây rụng lông, rụng thành từng đám càng về sau càng lan rộng cùng với sự sinh sản của ghẻ cái thích đi xa để thành lập những quần thể mới.
Da đóng vảy: Chổ ngứa nổi những mụn nước bằng đầu kim, do cọ sát nên mụn vỡ, chảy tương dịch rồi khô đi tạo vảy dính chặt vào lông và da, tiếp tục lan rộng sau 5 - 6 tháng da hoàn toàn trơ trụi, đóng vảy dày và nhăn nheo như da voi, bóc mùi hôi thối.
Bệnh làm cản trở chức năng da, con vật bị ngứa liên tục, mất ngủ chổ gãi bị nhiễm trùng, viêm tạo ung nhọt.
Điều trị: Trường hợp chó bị nhiễm Sarcoptes. Dùng thuốc hanmectin 25%.
+ Phòng bệnh: Tiêm dưới da 1ml/ 6 kg thể trọng, 2 tháng 1 lần. + Trị bệnh: Tiêm dưới da 1ml/ 4 kg thể trọng, 2 tháng 1 lần.
Trong thời gian điều trị cần nhốt thú nơi khô ráo, sạch sẽ, tránh phụ nhiễm. Kết hợp với tắm nước lá chè xanh hoặc dầu tắm đặc trị ghẻ.
Sát trùng nơi nhốt chó bằng một trong số các loại thuốc sát trùng chuồng trại.