II. HIỆN TRẠNG SỬ DỤNG ĐẤT VÀ BIẾN ĐỘNG CÁC LOẠI ĐẤT
2.3. Hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường, tính hợp lý của việc sử dụng đất
2.3.1. Đánh giá hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường của việc sử dụng đất
a. Hiệu quả kinh tế, xã hội
Quá trình phát triển nhanh kinh tế - xã hội của Huyện theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa trong những năm qua đã kéo theo việc thay đổi rất lớn trong bố trí sử dụng các loại đất.
- Diện tích đất nông nghiệp mặc dù giảm do chuyển sang đất phi nông nghiệp nhưng nhờ những chính sách hợp lý của các cấp, các ngành trong việc bố trí cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên và đất đai trên địa bàn Huyện nên hiệu quả sử dụng đất tăng lên đáng kể, năng suất các loại cây trồng vật nuôi và giá trị sản phẩm đều tăng, đáp ứng nhu cầu lương thực tại chỗ cho nhân dân.
- Các loại đất phi nông nghiệp tăng đáng kể đã góp phần làm cho diện mạo khu đô thị, khu dân cư ngày càng khang trang hơn, hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật, các công trình phúc lợi công cộng ngày càng hoàn thiện… Một số khu, cụm công nghiệp đã hình thành và tiếp tục được mở rộng không những góp phần tăng thu ngân sách cho địa phương mà còn thu hút một lực lượng lớn lao động dư thừa ở nông thôn.
b. Hiệu quả môi trường
- Huyện Bắc Sơn những năm gần đây quá trình phát triển kinh tế - xã hội nhanh diễn ra nhanh chóng đã dẫn đến việc khai thác sử dụng đất cho các mục đích dân sinh, kinh tế với cường độ ngày càng cao. Điều này đã tác động không nhỏ tới môi trường tự nhiên của huyện dẫn đến đất đai có xu hướng bị suy thoái, nguồn nước bị ô nhiễm… Ngoài ra, do tập quán canh tác truyền thống, chưa có biện pháp bảo vệ đất hiệu quả. Đây là nguyên nhân chính làm suy thoái tài nguyên đất trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, huyện Bắc Sơn là huyện thuần nông, nhân dân trong huyện đa số làm nghề nông nghiệp vì vậy việc sử dụng các loại thuốc hóa học như trừ sâu, diệt cỏ… đã ảnh hưởng ít nhiều đến sự ô nhiễm môi trường không khí và môi trường đất, nước.
2.3.2. Tính hợp lý của việc sử dụng đất
a) Cơ cấu sử dụng đất
Theo số liệu thống kê đất đai năm 2020, tổng diện tích đất tự nhiên trên địa bàn huyện là 69.941,36 ha, trong đó:
- Đất nông nghiệp có diện tích 55.492,39 ha, chiếm 79,34 % tổng diện tích đất tự nhiên.
- Đất phi nông nghiệp có diện tích 3.226,43 ha, chiếm 4,61 % tổng diện tích đất tự nhiên.
- Đất chưa sử dụng có diện tích là 11.222,54 ha, chiếm 16,05 % tổng diện tích đất tự nhiên.
Qua số liệu hiện trạng cho thấy cơ cấu đất đai trên địa bàn huyện được bố trí tương đối hợp lý, thuận lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và các ngành kinh tế - xã hội, phù hợp với quá trình phát triển.
b) Mức độ thích hợp của từng loại đất so với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội
- Đất nông nghiệp: Trong những năm qua, cùng với việc thực hiện việc giao đất nông nghiệp ổn định đến người dân và chính sách đẩy mạnh sản xuất hàng hóa đã làm cho nông dân năng động hơn trong việc phát triển nông nghiệp. Diện tích đất nông nghiệp được bố trí cây trồng, vật nuôi khá hợp lý, phù hợp với điều kiện tự nhiên và đất đai trên địa bàn huyện, góp phần tăng hệ số sử dụng đất. Vì vậy, mặc dù đất nông nghiệp có xu hướng giảm nhưng hiệu quả sử dụng đất đã tăng đáng kể, đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ.
- Đất phi nông nghiệp: Trong cơ cấu kinh tế của huyện, sản xuất nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng cao, việc chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế mới chỉ ở giai đoạn bước đầu. Để đạt được cơ cấu kinh tế như phương hướng đề ra thì các lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ cần phải có quỹ đất tương đối lớn để xây dựng các cơ sở sản xuất và phục vụ sản xuất. Mặc dù, một phần sử dụng các cơ sở sản xuất và hạ tầng cũ, nhưng để cải tạo mở rộng thì vẫn không tránh khỏi chuyển đổi từ đất nông nghiệp. Do đó, việc xây dựng và phát triển các công trình mới phải hết sức tiết kiệm theo hướng sử dụng triệt để không gian và hạn chế lấy vào đất nông nghiệp có chất lượng tốt.
- Đất chưa sử dụng: Hiện tại diện tích đất chưa sử dụng của Huyện vẫn còn chiếm 3,33% tổng diện tích tự nhiên, trong khi nhu cầu mở rộng diện tích đất của các ngành, lĩnh vực ngày càng lớn, do đó cần có các biện pháp cải tạo để tiếp tục khai thác, chuyển diện tích đất này vào sử dụng cho các mục đích phát triển kinh tế, xã hội.
c) Tình hình đầu tư về vốn, vật tư, khoa học kỹ thuật trong sử dụng đất tại cấp lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
Hiện nay, trên địa bàn huyện đã thực hiện nhiều chính sách, giải pháp tương đối toàn diện liên quan đến vấn đề đầu tư vốn, vật tư, khoa học kỹ thuật trong sử dụng đất. Mọi đối tượng sử dụng đất và chủ sử dụng đất đều có cơ hội nhận được sự đầu tư và có thể đầu tư đất đai theo năng lực của mình. Các hình thức khuyến khích cụ thể như sau:
- Đầu tư vốn bằng tiền, cho vay trực tiếp đến người sử dụng đất theo các chương trình dự án và thông qua hệ thống các ngân hàng, quỹ tín dụng.
- Đầu tư ứng trước các loại vật tư nông nghiệp, con giống, cung cấp các dịch vụ khoa học kỹ thuật tới từng địa phương, từng hộ gia đình cá nhân.
- Chuyển giao khoa học công nghệ, nhất là công nghệ sinh học, đưa giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất đi đôi với tiến bộ kỹ thuật canh tác được xác định là khâu đột phá, thúc đẩy nhanh tốc độ phát triển sản xuất nông nghiệp.