I. ĐỊNH HƯỚNG SỬ DỤNG ĐẤT
1.3. Định hướng sử dụng đất theo khu chức năng
1.3.1. Định hướng sử dụng đất khu vực nông - lâm nghiệp
Quy hoạch phát triển sản xuất nông lâm nghiệp của huyện Bắc Sơn nằm trong chiến lược phát triển sản xuất nông nghiệp - lâm nghiệp của tỉnh Lạng Sơn và phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của huyện đến năm 2030. Trong giai đoạn tới, huyện thực hiện quy hoạch các vùng trồng cây ăn quả và chăn nuôi thành vùng hàng hóa tập trung với quy mô lớn, trang trại, gia trại, mở rộng diện tích sản xuất theo hướng GAP để tạo khối lượng sản phẩm lớn, có năng suất, chất lượng tốt phục vụ tiêu dùng trong nước và phục vụ chế biến, xuất khẩu.
- Phát triển cây quế, hồi, cây gỗ lớn, trà hoa vàng và một số loại cây ăn quả đặc trưng và ứng ứng dụng công nghệ chế biến chưng cất tinh dầu hồi, quế thành các sản phẩm hàng hóa đặc thù của huyện.
- Xây dựng được chiến lược phát triển kinh tế nông lâm nghiệp của huyện theo hướng sản xuất hàng hóa trên cơ sở khai thác tiềm năng lợi thế sẵn có gồm: Chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, cây trồng, vật nuôi gắn với ứng dụng khoa học công nghệ; liên kết giữ sản xuất, chế biến và tiêu thụ.
1.3.2. Định hướng sử dụng đất khu vực công nghiệp, cụm công nghiệp
Ưu tiên đầu tư phát triển các ngành công nghiệp có thế mạnh như: khai thác; chế biến nông lâm sản,… chú trọng công nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp phục vụ phát triển nông nghiệp và nông thôn.
Khuyến khích phát triển công nghiệp vừa và nhỏ, công nghiệp thu hút nhiều lao động. Đổi mới, chuyển giao công nghệ sản xuất đối với các dự án công nghiệp nhằm đảm bảo môi trường; đối với các dự án mới chỉ triển khai các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường.
Đến năm 2030 dự kiến quy hoạch hai cụm công nghiệp với quy mô 46,50 ha tại xã Chiến Thắng, cụm công nghiệp Bắc Sơn 1 là 21,50 ha, Cụm công nghiệp Bắc Sơn 2 là 25,0 ha.
1.3.3. Định hướng sử dụng đất khu dân cư nông thôn
Phát triển nông thôn trên cơ sở sản xuất nông, lâm nghiệp kết hợp theo quan điểm sinh thái bền vững và từng bước phát triển công nghiệp, đặc biệt công nghiệp chế biến và tiểu thủ công nghiệp gắn với mở mang dịch vụ, thực hiện xoá đói giảm nghèo.
Đưa nhanh các thành tựu của khoa học công nghệ vào nông nghiệp và nông thôn. Đa dạng hoá trồng trọt và chăn nuôi gắn với phát triển các ngành nghề trong nông thôn. Thực hiện điện khí hoá, cơ khí hoá, thuỷ lợi hoá. Tạo điều kiện giúp nông dân làm nông nghiệp theo phương pháp và quy trình công nghệ hiện đại, tiên tiến.
Thúc đẩy hợp lý quá trình tích tụ ruộng đất, tích tụ vốn và quá trình chuyển đổi một số lao động nông nghiệp sang làm tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ trong nông thôn ở các trung tâm, các thị tứ.
Xây dựng các chính sách tạo môi trường thuận lợi cho công nghiệp hoá và hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn. Các chính sách cần được tạo thành một hệ thống đồng bộ với chính sách sử dụng đất, tổ chức sản xuất tiêu thụ sản phẩm, trợ giá, bảo hiểm sản xuất...
Xây dựng các khu dân cư mới cần bố trí tập trung nhằm xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, cải tạo chỉnh trang các khu dân cư hiện có từng bước đạt tiêu trí nông thôn mới.