Nhân tố thuộc về cơ chế chính sách

Một phần của tài liệu NguyenThiThanhHuyen3A (Trang 46 - 47)

Cơ chế chính sách là hệ thống pháp luật Việt Nam quy định về việc làm, chính sách lao động việc làm, các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước trong tạo việc làm cho người lao động, chính sách của chính quyền địa phương và quy định của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn. Đây là một nhân tố quan trọng có ảnh hưởng rất lớn đến tạo việc làm cho người lao động.

Các chính sách vĩ mô của Nhà nước có vai trò to lớn trong việc tạo việc làm, đồng thời điều chỉnh việc làm phù hợp với mục tiêu, trình độ phát triển của nền kinh tế trong từng thời kỳ.

Có rất nhiều chính sách tác động đến việc làm như chính sách tạo vốn, chính sách đất đai, chính sách thuế, chính sách đào tạo nghề...hợp thành một hệ thống chính sách hoàn chỉnh có quan hệ qua lại, bổ sung cho nhau hướng vào phát triển cả cung và cầu về lao động, đồng thời làm cho cung và cầu phù hợp với nhau. Thực chất là tạo ra sự phù hợp giữa cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động.

Khi các chính sách vĩ mô của Nhà nước đúng đắn và thích hợp sẽ tạo ra nhân tố, môi trường, động lực khuyến khích các chủ doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động mở rộng đầu tư nhằm thu lợi nhuận, tạo việc làm, khai thác tối ưu mọi nguồn lực vào mục tiêu phát triển sản xuất kinh doanh. Ngược lại, khi các chính sách vĩ mô của Nhà nước không phù hợp, nó sẽ kìm hãm và tạo nên tâm lý chán nản trong đầu tư kinh doanh, quy mô sản xuất thu hẹp dẫn đến việc làm giảm sút.

Vì vậy, số lượng, chất lượng việc làm, khả năng tạo việc làm chính là một trong những thước đo quan trọng biểu hiện trình độ hoạch định và tính khả thi của hệ thống các chính sách vĩ mô của Nhà nước trong quản lý, điều hành kinh tế - xã hội.

Tạo việc làm cho người lao động là chính sách xã hội cơ bản, là hướng ưu tiên trong toàn bộ các chính sách xã hội của Đảng và Nhà nước ta.

Trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng ta, vấn đề giải quyết việc làm được đặt biệt nhấn mạnh:

“Phương hướng quan trọng nhất là Nhà nước cùng toàn thể nhân dân ra sức đầu tư phát triển, thực hiện tốt kế hoạch và các chương trình kinh tế - xã hội. Khuyến khích mọi thành phần kinh tế, mọi công dân, mọi nhà đầu tư mở mang ngành nghề, tạo nhiều việc làm cho người lao động. Mọi công dân đều được tự do hành nghề, thuê mướn nhân công theo pháp luật. Phát triển dịch vụ việc làm. Tiếp tục phân bố lại dân cư và lao động trên địa bàn cả nước, tăng dân cư trên các địa bàn có tính chiến lược về kinh tế, an ninh - quốc phòng. Mở rộng kinh tế đối ngoại, đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động. Giảm đáng kể tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị và thiếu việc làm ở nông thôn”

Với quan điểm nhất quán về giải quyết việc làm, trong văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, một lần nữa Đảng ta khẳng định: "Giải quyết việc làm là một chính sách xã hội cơ bản".

Từ quan điểm và định hướng trên đây, Nhà nước ta đã có các chính sách kinh tế - xã hội chủ yếu tác động tới phát triển nguồn nhân lực và giải quyết việc làm như: Chính sách phát triển kinh tế nhiều thành phần; chính sách khuyến khích sản xuất hàng hóa xuất khẩu; chính sách tín dụng ưu đãi để các doanh nghiệp đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ; chính sách khuyến khích tìm kiếm thị trường xuất khẩu lao động, chính sách giáo dục đào tạo nghề cho lao động; chính sách khuyến khích đầu tư trong và ngoài nước thông qua chính sách đất đai, thuế, đầu tư...

Một phần của tài liệu NguyenThiThanhHuyen3A (Trang 46 - 47)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(131 trang)
w