Xây dựng phòng TT-GDSK

Một phần của tài liệu TVLA TRANTHINGA (Trang 122 - 125)

Trong quyết định số 26/2005/QĐ-BYT đã quy định về các khoa, phòng chuyên môn của Trung tâm y tế dự phòng huyện (nay là trung tâm y tế huyện), trong đó có Phòng TT-GDSK. Tuy nhiên kết quả điều tra thực trạng hoạt động TT-GDSK ở 55 huyện của chúng tôi cho thấy hiện vẫn còn 34,5% huyện chưa có biên chế cán bộ cho phòng TT-GDSK. 52,7% phòng TT-GDSK huyện chỉ có 1-2 biên chế (bảng 3.3). Như vậy các TTYT huyện chưa bố trí nhân lực cho Phòng TT-GDSK hoặc có nhưng chưa đủ số lượng cán bộ theo quy định. Để có thể thực hiện tốt hoạt động TT-GDSK tại tuyến cơ sở cần thiết phải bố trí đủ nhân lực cho Phòng TT-GDSK.

TTYT huyện Bình Lục là một trong những đơn vị chưa thành lập Phòng TT-GDSK. Căn cứ theo quyết định số 26/2005/QĐ-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế và quyết định số 127/QĐ-SYT của Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hà Nam, TTYT huyện Bình Lục đã ra quyết định 65/QĐ-TTYT về việc thành lập phòng TT-GDSK thuộc TTYT huyện Bình Lục. Phòng TT-GDSK huyện Bình Lục được thành lập và đi vào hoạt động là điều kiện tiên quyết và là bước đầu thành công trong xây dựng mô hình phòng TT-GDSK. Nhưng huyện Bình Lục cũng giống như ở nhiều huyện khác mà chúng tôi điều tra, phòng TT- GDSK còn gặp rất nhiều khó khăn trong thực hiện chức năng nhiệm vụ mới. Khó khăn trước tiên là năng lực chỉ đạo thực hiện hoạt động TT-GDSK của chính cán bộ phòng TT-GDSK còn hạn chế. Như kết quả điều tra thực trạng đã cho thấy hầu như các cán bộ của phòng TT-GDSK huyện đều chưa được đào tạo nên còn thiếu kiến thức và kỹ năng thực hiện TT-GDSK, vì thế họ rất khó để có thể chỉ đạo tuyến xã/thôn trong huyện đẩy mạnh hoạt động TT- GDSK.

Mặt khác phòng TT-GDSK là tổ chức mới được thành lập, hầu như chưa có kinh nghiệm trong đảm nhiệm chức năng làm đầu mối quản lý công tác TT-GDSK trong huyện. Với thực trạng như vậy, vấn đề được quan tâm đầu tiên trong xây dựng mô hình phòng TT-GDSK ở huyện Bình Lục là cần đào tạo cho các cán bộ của phòng TT-GDSK, đồng thời đào tạo cho các trưởng TYT xã. Chính vì vậy ngay sau khi phòng TT-GDSK được thành lập nhóm nghiên cứu chúng tôi đã tổ chức các khóa tập huấn về 2 chủ đề: tập huấn kiến thức, kỹ năng TT-GDSK và tập huấn về lập kế hoạch, theo dõi, giám sát hoạt động/chương trình y tế cho cán bộ phòng TT-GDSK, cán bộ liên quan tới hoạt động TT-GDSK của trung tâm y tế và các trạm trưởng trạm y tế xã. Hai nội dung tập huấn được xác định thông qua khảo sát thực trạng cán bộ. Tác động đầu tiên của việc đào tạo là nâng cao rõ rệt kiến thức và kỹ năng TT-GDSK cho các cán bộ của phòng TT-GDSK, một số cán bộ liên quan của trung tâm y tế huyện và các trưởng trạm y tế xã của huyện Bình Lục. Mặc dù phòng TT- GDSK có ba nhiệm vụ đã được quy định trong quyết định 26/QĐ-BYT, nhưng việc cụ thể hoá các nhiệm vụ của phòng TT-GDSK là cần thiết để làm cơ sở cho các cán bộ của phòng TT-GDSK nhìn nhận rõ hơn nhiệm vụ và xây dựng kế hoạch hoạt động phù hợp với nhiệm vụ. Trên cơ sở ba nhiệm vụ đã được quy định, với sự chỉ đạo của ban giám đốc TTYT huyện, các cán bộ của phòng TT-GDSK đã thảo luận và xây dựng chức năng nhiệm vụ của phòng TT-GDSK và được giám đốc TTYT huyện phê duyệt. Trong bản quy định về chức năng nhiệm vụ có thể thấy rõ vai trò quản lý các hoạt động TT-GDSK của phòng TT-GDSK.

Qua một năm hoạt động, phòng TT-GDSK huyện Bình Lục về cơ bản đã thực hiện các hoạt động theo chức năng nhiệm vụ được xây dựng. Nhưng đáng chú ý là nhiệm vụ được phòng TT-GDSK huyện chú trọng quan tâm là hoạt động quản lý. Đây là điểm mới với tuyến huyện vì từ trước đến nay chưa có tổ chức chính thức làm đầu mối quản lý các hoạt động TT-GDSK ở tuyến

huyện. Công tác quản lý có tác động lớn đến cả số lượng và chất lượng các hoạt động TT-GDSK. Khi mới thành lập phòng TT-GDSK, cán bộ lãnh đạo của trung tâm y tế huyện quan tâm đến công tác quản lý để đưa các hoạt động TT-GDSK đi vào nề nếp là việc làm cần thiết. Cán bộ của phòng TT-GDSK tiếp cận với cách làm việc khoa học, xây dựng mục tiêu, kế hoạch hoạt động sẽ tạo ra ảnh hưởng lâu dài, giúp các cán bộ phòng TT-GDSK có thể chủ động trong mọi hoạt động và sử dụng hợp lý các nguồn lực có hạn để đạt được kết quả tốt nhất. Phòng TT-GDSK thuộc TTYT huyện Bình Lục đã thực sự là tổ chức đầu mối quản lý các hoạt động TT-GDSK ở huyện Bình Lục, góp phần đẩy mạnh công tác CSSKBĐ, nhất là công tác TT-GDSK trong huyện.

CSSKBĐ là nhiệm vụ trọng tâm của tuyến y tế cơ sở, TT-GDSK là nội dung đầu tiên của CSSKBĐ và cũng là nội dung đầu tiên trong chuẩn Quốc gia về y tế xã [114]. Nhiều hoạt động của tuyến y tế cơ sở gắn với TT-GDSK. Việc quy định trưởng các TYT xã trực tiếp phụ trách công tác TT-GDSK ở xã và đưa nội dung TT-GDSK vào giao ban hàng tháng với các trưởng TYT xã trong huyện và các cán bộ TTYT huyện là hoàn toàn phù hợp với yêu cầu thực tế và chỉ thị 08 ngày 01/9/2008 của Bộ Trưởng Bộ Y tế về đẩy mạnh công tác TT-GDSK và chiến lược CSSKBĐ của ngành y tế.

Một trong những điểm nhấn quan trọng của mô hình phòng TT-GDSK huyện Bình Lục là đẩy mạnh thực hiện các hoạt động TT-GDSK trực tiếp. Để đẩy mạnh hoạt động TT-GDSK trực tiếp thì các cán bộ cần được đào tạo về các kỹ năng truyền thông, kỹ năng giao tiếp. Trong nghiên cứu của chúng tôi khi thiết kế các hoạt động can thiệp xây dựng phòng TT-GDSK đã chú trọng đào tạo cho các cán bộ phòng TT-GDSK và các trưởng TYT xã về kiến thức, kỹ năng TT-GDSK. Sau đào tạo các trưởng TYT xã đã tổ chức các hoạt động TT-GDSK trực tiếp tại xã của mình, đặc biệt là đã thống nhất hướng dẫn các cán bộ TYT xã thực hiện lồng ghép tư vấn thường xuyên cho người dân đến TYT xã khám, chữa bệnh hoặc nhận các dịch vụ CSSK khác.

Một phần của tài liệu TVLA TRANTHINGA (Trang 122 - 125)