Cơ quan đầu tiên xây dựng và ban hành hệ thống chuẩn mực kế toán quốc tế chính là Ủy ban chuẩn mực kế toán quốc tế (IASC). Đây là một tổ chức độc lập thành lập năm 1973, bao gồm đại diện của 13 nước thành viên trực thuộc Liên đoàn kế toán quốc tế (IFAC), đại diện của 03 tập đoàn kinh tế lớn và một số quan sát viên
độc lập đến từ Ủy Ban Châu Âu, Trung Quốc, Ủy Ban Chứng Khoán Quốc Tế (IOSCO), Ủy Ban Chuẩn Mực Kế Toán Tài Chính Hoa Kỳ (FASB). Nhiệm vụ của cơ quan này là:
- Xây dựng và ban hành các chuẩn mực kế toán quốc tế và thực hiện mục tiêu để các chuẩn mực này được chấp nhận rộng rãi trên thế giới.
- Cập nhật, cải tiến và thay đổi phù hợp các quy định về kế toán, chuẩn mực kế toán và các thủ tục trình bày báo cáo tài chính.
- Phát huy tối đa tính hiệu quả, hiệu lực của chuẩn mực kế toán quốc gia và quốc tế để tiến đến xu thế hội nhập các hệ thống kế toán (theo cuộc họp tổ chức tại Edinburgh, Scotland ngày 24/05/2000).
Đến năm 1977, IASC nhận thấy xu thế hội nhập của nền kinh tế thế giới đòi hỏi cần phải tập trung sức mạnh từ các hệ thống kế toán quốc gia để xây dựng một hệ thống chuẩn mực kế toán quốc tế hoàn thiện hơn. Do đó, IASC quyết định cơ cấu lại tổ chức của mình. Tháng 12/1999, IASC đã chỉ định một ủy ban lựa chọn và thành lập Hội đồng thành viên (Trustees) gồm 22 thành viên đến từ các khu vực địa lý, lĩnh vực chuyên môn khác nhau. Trong đó có 06 người đến từ Bắc Mỹ, 06 người đến từ Châu Âu, 06 người đến từ khu vực Châu Á Thái Bình Dương (APA) và 04 người còn lại đến từ các quốc gia, khu vực khác. Nhiệm vụ của Trustees là bổ nhiệm các thành viên IASB, Hội đồng cố vấn chuẩn mực SAC và Ủy ban hướng dẫn các chuẩn mực báo cáo tài chính (IFRIC), giám sát hiệu quả hoạt động của IASC, tìm kiếm, phê duyệt và soát xét nguồn tài chính của IASC.
Để thực hiện chức năng của mình, vào tháng 02/2001, Hội đồng thành viên (Trustees) đã thiết lập nên Ủy ban sáng lập chuẩn mực kế toán quốc tế (IASC Foundation). Ủy ban này bao gồm ba tổ chức chính là Ủy Ban Chuẩn Mực Kế Toán Quốc Tế (IASB), Hội đồng cố vấn chuẩn mực (SAC) và Ủy ban hướng dẫn các chuẩn mực báo cáo tài chính (IFRIC).
IASB - Ủy ban chuẩn mực kế toán quốc tế - là một tổ chức độc lập thuộc khu vực tư nhân bắt đầu hoạt động vào ngày 01/04/2001 dưới sự giám sát của IASC
Foundation, bao gồm 14 thành viên trong đó có 12 thành viên chuyên trách. Mục tiêu hoạt động chính của IASB là:
o Phát triển các chuẩn mực kế toán có chất lượng cao, thống nhất, dễ hiểu và có tính chất khả thi cao cho toàn thế giới trên quan điểm phục vụ lợi ích của công chúng. o Tăng cường tính minh bạch, có thể so sánh được của thông tin trong BCTC và các báo cáo liên quan đến tài chính, kế toán khác, giúp những thành viên tham gia thị trường vốn thế giới và những người sử dụng BCTC đưa ra các quyết định kinh tế. o Xúc tiến việc sử dụng và ứng dụng nghiêm ngặt các IASs.
o Đem đến những giải pháp có chất lượng cao cho sự hòa hợp giữa hệ thống chuẩn mực kế toán quốc gia và các chuẩn mực kế toán quốc tế.
Một chuẩn mực chỉ được IASB ban hành khi có tối thiểu 8 thành viên đồng ý. IASB vẫn kế thừa các chuẩn mực kế toán quốc tế do IASC ban hành trước đây và tiếp tục xây dựng, ban hành và phát triển các chuẩn mực kế toán mới với tên gọi là chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế IFRSs.
Hội đồng cố vấn chuẩn mực (SAC) bao gồm các nhóm cá nhân có nguồn gốc chức năng và khu vực địa lý khác nhau nhằm cố vấn cho IASB và đôi khi, cho các ủy thác viên.
Các thành viên của IFRIC đến từ các khu vực địa lý rộng rãi, có nền kinh tế phát triển, đại diện của kế toán viên trong các ngành nghề và người sử dụng BCTC. Bên cạnh đó, tất cả thành viên của IASB có trách nhiệm liên hệ với các nhà thiết lập chuẩn mực quốc gia không có thành viên của IASB trong tổ chức lập quy của họ. Ngoài ra, nhiều quốc gia này cũng có mặt trong Hội đồng cố vấn chuẩn mực.
Hình 2.1 : Sơ đồ cơ cấu tổ chức của Ủy ban sáng lập chuẩn mực kế toán quốc tế (IASC Foundation)