Không chỉ là tiết kiệm

Một phần của tài liệu tin CCHC so 09 (Trang 41 - 43)

Khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia đã trở thành sự kiện được dư luận rất quan tâm. Theo tính toán sơ bộ, việc ứng dụng Trục liên thông văn bản quốc gia, mỗi năm tiết kiệm được trên 1.200 tỷ đồng. Trong điều kiện ngân sách nhà nước eo hẹp, số tiền tiết kiệm này là rất đáng quý. Nhiều ý kiến cho rằng, lợi ích của việc thực hiện trục liên thông này còn nhiều hơn thế. Đó là góp phần minh bạch hóa hoạt động của cơ quan công quyền, tạo điều kiện để người dân thực hiện quyền giám sát tốt hơn đối với cán bộ, công chức trong thực thi công vụ.

Trục liên thông văn bản quốc gia là giải pháp kỹ thuật, công nghệ được triển khai từ Văn phòng Chính phủ tới các bộ, ngành, địa phương để kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử. Với giải pháp công nghệ này, không chỉ tiết kiệm chi phí hành chính, giảm thời gian xử lý văn bản mà còn góp phần loại bỏ tình trạng “ngâm hồ sơ”. Ngoài ra, giúp lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương biết được tình trạng xử lý văn bản, hồ sơ, công việc trên hệ thống, từ đó có sự chỉ đạo kịp thời nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả chỉ đạo, điều hành của chính quyền các

cấp. Đây cũng là căn cứ để đánh giá chất lượng hoạt động của từng cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức một cách chính xác nhất.

Việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp bị chậm trễ còn có nguyên nhân từ việc hội họp quá nhiều. Có chuyên gia đã ví von hài hước nền hành chính của chúng ta là “nền hành chính họp”. Thực tế chúng ta đã dành một khoản lớn thời gian, chi phí cho việc hội, họp mà hiệu quả mang lại không cao. Trong khi, chỉ cần văn bản điện tử là có thể truyền tải được hết yêu cầu chỉ đạo của người có thẩm quyền đến từng cấp, từng ngành, từng cơ quan đơn vị, cán bộ, công chức để triển khai thực hiện mà không cần tổ chức bất kỳ cuộc hội, họp nào. Do đó, việc ra đời của trục thông tin văn bản quốc gia là điều mà người dân và doanh nghiệp chờ đợi đã lâu.

Nhưng, công nghệ hiện đại chỉ thực sự phát huy tác dụng khi đi kèm với nó là trình độ nhân lực tương xứng. Đây là một thách thức lớn đối với chúng ta, bởi trong bộ máy công quyền vẫn còn còn nhiều cán bộ, công chức vẫn muốn giữ thói quen làm việc giấy tờ chứ không sử dụng, ứng dụng công nghệ thông tin. Bởi họ không muốn từ bỏ đặc quyền, quyền lợi của mình từ việc thiếu minh bạch. Không ít trường hợp cán bộ, công chức cố tình trì hoãn trong áp dụng công nghệ hiện đại để tránh bị kiểm soát, giám sát. Đây chính là một trong những vướng mắc, rào cản tồn tại lâu nay cần phải xóa bỏ.

Nhiều ý kiến cho rằng, Chính phủ 4.0 không thể thiếu cán bộ trình độ 4.0. Để đáp

ứng được yêu cầu này, đòi hỏi mỗi cán bộ, công chức phải tự đổi mới, trau dồi kiến thức mới đảm đương được vị trí. Việc liên thông văn bản quốc gia sẽ được triển khai đồng bộ từ trên xuống dưới, nếu ở đâu bị ách tắc, sẽ tắc cả một quá trình. Do đó, dù không muốn thì cán bộ, công chức cũng phải thay đổi, nếu không đáp ứng được yêu cầu mới trong công việc sẽ buộc phải rời khỏi bộ máy.

Không chỉ cán bộ, công chức thay đổi mà người dân, doanh nghiệp cũng phải thay đổi tư duy, từ hồ sơ giấy sang ứng dụng công nghệ trong thực hiện các thủ tục một cách tối đa. Cùng với đó, phát huy sức mạnh của người đứng đầu. Quá trình thực hiện cải cách cho thấy, cùng là quy trình, cùng là thủ tục nhưng nơi nào người đứng đầu quyết liệt, xắn tay vào cuộc thì cải cách hành chính rất thông. Nhưng ở nơi người đứng đầu thờ ơ, cấn cá với cải cách thì người dân, doanh nghiệp vẫn bị làm khó. Như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc từng nhấn mạnh: phải đặc biệt nhấn mạnh vai trò nêu gương và sự quyết tâm, sát sao trong chỉ đạo điều hành của người đứng đầu các bộ, ngành và chính quyền các cấp để tạo chuyển biến thực sự về phương thức, về lề lối làm việc theo xu hướng mới, tiên tiến nhằm gỡ bỏ mọi rào cản cả vô hình và hữu hình từ chính những người làm việc tại cơ quan hành chính có tâm lý ngại thay đổi, do sợ phải minh bạch, công khai công việc.

Theo: daibieunhandan.vn

Một phần của tài liệu tin CCHC so 09 (Trang 41 - 43)