9/14 xã và thị trấn của huyện Quế Phong là vùng đệm của KBTTN Pù Hoạt, bao gồm: Tiền Phong, Thông Thụ, Đồng Văn, Hạch Dịch, Nậm Dải, Tri Lễ, Cắm Muộn, Châu Thôn và Nậm Nhông. Trong đó, có ít nhất 2 xã đã và đang tiếp nhận các thôn, làng tái định cư và hai xã (Đồng Văn và Thông Thụ) đang được lựa chọn là trọng điểm phát triển vùng sắn nguyên liệu của huyện. Đây sẽ trở thành sức ép lớn đến tài nguyên rừng và đất rừng trong phạm vi quản lý của KBTTN Pù Hoạt.
Trường hợp tại ba xã Hạch Dịch, Đồng Văn và Tiền Phong, 150 hộ dân người Thái tái định cư trên địa bàn 03 xã này từ năm 2011. Về mặt pháp lý, thủy điện Hủa Na và UBND các xã sẽ phải chuẩn bị quỹ đất sản xuất cho dân. Tuy nhiên, trong 03 năm vừa qua, các hộ gia đình này vẫn không có đất sản xuất. Họ vẫn phải sống phụ thuộc vào nguồn hỗ trợ của công ty thủy điện. Thực tế, khả năng sắp xếp quỹ đất cho các hộ gia đình này khá khó khăn khi hầu hết quỹ đất sản xuất nông nghiệp của các xã đã hết, các diện tích xung quanh lại thuộc trong ranh giới của KBTTN Pù Hoạt. Thậm chí, như xã Tiền Phong, dù thiếu đất sản xuất cho dân nhưng vẫn phải dành 1800 ha cho quy hoạch trồng cao su của tỉnh (?!). Dưới sức ép khan hiếm đất sản xuất tại địa phương, KBTTN Pù Hoạt đã và sẽ phải cắt trả lại cho các xã xung quanh khoảng 6000 ha rừng và đất lâm nghiệp trong giai đoạn 2013 - 2020 để phục vụ cho nhu cầu đất sản xuất của người dân địa phương. Với một khu rừng đặc dụng thì diện tích chuyển đổi này không phải là con số nhỏ và cũng không phải là chuyện dễ dàng. Chính vì vậy, thay vì chờ đợi quyết định chuyển đổi hợp pháp, các hộ gia đình không còn lựa chọn nào khác là xâm canh (bất hợp pháp) vào ranh giới của KBT.
12 2
Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông, với diện tích 25.468,5 ha, chính thức thành lập từ năm 2001 trên địa bàn hai huyện Tánh Linh và Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Trong những năm gần đây, khu bảo tồn (KBT) này được coi là một trong những điểm nóng về quản lý, bảo vệ rừng trong hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam bởi những sức ép rất lớn lên rừng. Trong giai đoạn 2003 – 2014, 2.218,73 ha đất lâm nghiệp trong ranh giới KBT, thuộc địa phận huyện Tánh Linh, đã bị phá và biến mất. Nguyên nhân chính được cho là tình trạng chuyển đổi, xâm lấn, xâm canh đất rừng để lấy đất sản xuất phát triển các loại cây hàng hóa trọng điểm như cao su và sắn tại địa phương. Hầu hết các diện tích chuyển đổi trái phép này, hiện tại, đều không thể xử lý bởi không xác định được đối tượng vi phạm do đất đã bị sang nhượng nhiều lần. Nghiên cứu này tìm hiểu vai trò tiên phong của sắn trong quá trình xâm lấn, xâm canh và chuyển đổi đất rừng để mở đường cho sự phát triển các loại cây công nghiệp khác; đồng thời cũng nhấn mạnh vào những lỗ hổng trong việc phối hợp quản lý giữa Ban quản lý KBT Núi Ông, Ủy ban nhân dân các xã vùng đệm quanh KBT và cơ quan phát triển nông nghiệp tại địa phương.