Công tác quan trọng nhất trong chăm sóc, quản lý heo nái mang thai đó là phòng ngừa sảy thai, nghĩa là công tác bảo vệ bào thai để thai sinh trưởng,
phát dục bình thường, tránh các tác động từ ngoại lực gây đẻ non, sảy thai, nhất là trong giai đoạn mang thai thứ II.
Nguyên nhân sảy thai chủ yếu do nền chuồng hay sân chơi mấp mô, gồ ghề làm cho heo trượt ngã, cửa ra vào nhỏ heo phải chen lấn, xô đẩy nhau, đánh đập heo, tắm nước lạnh đột ngột.
Trong điều kiện chăn nuôi có bãi chăn thả thì đối với heo nái mang thai trong giai đoạn I cần chú ý cho vận động nhất là đối với heo nái có thể trạng béo. Đối với những cơ sở chăn nuôi có điều kiện tài chính khó khăn tiêu chuẩn và khẩu phần ăn cho heo nái còn thấp nhưng cho chăn thả, vận động hợp lý kết hợp với thức ăn mà heo kiếm được từ chăn thả thì heo nái vẫn khỏe mạnh, thai sinh trưởng, phát dục tốt, heo con có sức sống cao.
Thời gian vận động trong khoảng 1 - 2 lần/ngày, mỗi lần 60 - 90 phút/lần. Heo nái mang thai kỳ II hạn chế cho vận động, lúc gần đẻ một tuần thì chỉ cho đi lại quanh sân.
Chú ý: khi thời tiết xấu hay nơi chăn thả không bằng phẳng, có nhiều rãnh thì không cho vận động. Trước khi cho vận động thì cho uống đủ nước để heo nái không uống nước bẩn bên ngoài.
Tắm chải
Tắm chải cho heo nái là rất cần thiết, vệ sinh sạch sẽ lông da của heo, giúp tăng cường trao đổi chất, tuần hoàn, heo nái cảm thấy thoải mái, kích thích thèm ăn, phòng các loại bệnh ngoài da. Việc tắm chải cho heo nái nên thực hiện đặc biệt là trong mùa hè, ngoài loại bỏ kí sinh trùng thì còn chống nóng cho heo nái.
Chuồng trại
Chuồng trại khi xây dựng phải đảm bảo đúng quy định để nuôi heo nái mang thai. Có chế độ nuôi nhốt phù hợp theo từng giai đoạn, tại trại quy mô công nghiệp thì ngay từ khi nhập heo hậu bị người ta đã tiến hành nhốt mỗi ô 16 - 20 con, đến giai đoạn lên giống và mang thai của heo sẽ được di chuyển lên chuồng bầu nuôi mỗi con một ô khung cũi riêng để có thể dễ dàng chăm sóc theo dõi, heo nái sẽ được nuôi theo từng khu theo từng giai đoạn mang thai. Chuồng nuôi phải luôn được vệ sinh sạch sẽ, nhiệt độ phù hợp theo từng mùa, khô ráo thoáng mát. Trước khi heo đẻ theo lịch dự kiến một 1 tuần thì cho heo nái sang chuồng đẻ.
Chuồng nuôi phải đảm bảo yên tĩnh, thoải mái cho heo nái trong giai đoạn thai kỳ, tránh tạo ra những tiếng động mạnh, đột ngột, ảnh hưởng không tốt tới heo nái.
Mỗi nái mang thai đều được gắn thẻ mang mã số riêng từng con, thẻ ghi thông tin về ngày phối, ngày đẻ dự kiến, ngày đẻ thực tế, lứa đẻ, số con đẻ ra, số con chết, số con hiện nuôi, số con cai sữa hay sự cố sảy ra như sảy thai, không đậu thai, chết thai để có biện pháp xử lý.