Tạo thuận lợi thương mại cho doanh nghiệp

Một phần của tài liệu DB1672020 (Trang 26 - 29)

Khi các cơ quan nhà nước thực hiện các giải pháp nhằm tạo thuận lợi thương mại sẽ giúp DN tăng sức cạnh tranh hơn trên thị trường trong nước và thế giới.

Việc tạo thuận lợi về thương mại không chỉ góp phần giúp các DN hưởng lợi mà về lâu dài, sẽ có tác động tích cực đến cải cách thể chế, tăng cường sức hút của môi trường đầu tư, kinh doanh của đất nước.

* Tăng cường tạo thuận lợi cho DN

Một trong những đơn vị có nhiều dấu ấn trong việc tạo thuận lợi thương mại cho DN là Cục Hải quan Đồng Nai. Trong thời điểm giãn cách xã hội việc giải quyết thủ tục xuất, nhập khẩu và thông quan hàng hóa cho DN tại Cục Hải quan Đồng Nai vẫn diễn ra bình thường nhờ đơn vị chủ động thực hiện những giải pháp công nghệ thông tin.

Cục Hải quan Đồng Nai đang vận hành hệ thống DNa-Info, triển khai nội bộ và mở rộng tới DN nhằm thực hiện cung cấp, tiếp nhận và xử lý thông tin liên quan đến các hoạt động nghiệp vụ của cơ quan hải quan và hoạt động kinh doanh xuất, nhập khẩu của DN. Hệ thống này hoạt động trên cơ sở phối hợp giữa cơ quan hải quan và DN trong việc trao đổi thông tin qua lại hai chiều một cách nhanh chóng, chính xác, giảm thiểu tiếp xúc giữa công chức Hải quan và DN để hạn chế phát sinh tiêu cực.

Ngoài việc triển khai các hệ thống do đơn vị đầu tư, xây dựng như trên, Cục Hải quan Đồng Nai cũng vận hành hiệu quả các chương trình hiện đại hóa của ngành như: VNACCS/VCIS, VASSCM, hệ thống dịch vụ công trực tuyến. Hiện đơn vị đã triển khai 100% thủ tục hành chính qua các hệ thống của ngành và hệ thống dịch vụ công trực tuyến với 105 thủ tục, trong đó có 102 thủ tục hành chính mức độ 4 và chỉ còn 3 thủ tục hành chính mức độ 3… Tạo thuận lợi thương mại cho DN không chỉ đến từ cơ quan hải quan để phục vụ xuất, nhập khẩu mà đối với thị trường trong nước, việc đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng nội địa cũng là giải pháp được triển khai một cách mạnh mẽ.

Hiện nay, cả nước đang thực hiện Tháng Khuyến mại tập trung nhằm kích cầu thị trường nội địa. Ngành Công thương tỉnh khuyến khích các trung tâm thương mại, siêu thị, các DN thực hiện các chương trình khuyến mại để kích cầu tiêu dùng. Nhiều hội nghị, hội thảo và chương trình xúc tiến thương mại cũng đã được đơn vị và các DN trên địa bàn tỉnh tham gia tại TP.HCM cũng như địa phương lân cận. Riêng việc tổ chức các chương trình, hội nghị kết nối giao thương nhằm đưa hàng hóa vào chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây cũng như các hệ thống siêu thị trong tỉnh và cả nước sẽ được Trung tâm Xúc tiến thương mại tăng cường thực hiện trong những tháng cuối năm.

Mới đây, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quốc Hùng đã làm việc với Văn phòng Dự án hỗ trợ kỹ thuật tạo thuận lợi thương mại (TFP) nhằm đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ DN trong thời gian tới.

TFP được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 623/QĐ-TTg ngày 24-5-2019. Mục tiêu tổng thể của TFP là cải cách, chuẩn hóa, hài hòa và đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu phù hợp với các chuẩn mực quốc tế, nhằm thực hiện hiệp định tạo thuận lợi thương mại của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO TFA) và chủ trương của Chính phủ về cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Ông Trần Thoang, Phó giám đốc TFP cho hay, Đồng Nai là một trong 6 địa phương đầu tiên của cả nước được áp dụng. Do vậy, TFP đề xuất thành lập Ban tạo thuận lợi thương mại cấp tỉnh nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác giữa hải quan với DN và các cơ quan khác, đồng thời trao đổi những khó khăn trở ngại trong hoạt động… Đề xuất nói trên được lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành đánh giá cao và đang nghiên cứu giải pháp để thực hiện.

Đối với các DN nhỏ và vừa, thời gian qua, Chính phủ cũng như địa phương đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ DN trong sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên trên thực tế, việc thực thi chính sách đến với DN lại chưa được như mong muốn. Với khoảng 97% DN nội thuộc cấp độ nhỏ và vừa, thậm chí siêu nhỏ, thì nhiều quy định để “với” tới các khoản hỗ trợ về tài chính, mặt bằng sản xuất… là hầu như không thể. Vì vậy, việc xây dựng chính sách hỗ trợ trong thời gian tới cần thực tế hơn, cộng đồng DN kiến nghị tỉnh nên thành lập một cơ quan đầu mối có đủ chức năng, thẩm quyền để cung cấp thông tin; đồng thời tiếp nhận, xử lý những khó khăn, vướng mắc trong suốt quá trình sản xuất, kinh doanh của DN.

“Vốn, mặt bằng sản xuất và nhân sự là ba yếu tố mà các DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn. Hiện có nhiều chương trình hỗ trợ nhưng mỗi cơ quan, đơn vị phụ trách từng mảng. Tỉnh nên thành lập trung tâm hỗ trợ DN nhỏ và vừa một cách tập trung, gom các ban lại. Trung tâm như một đầu mối có đủ thẩm quyền để triển khai chính sách hỗ trợ một cách nhanh nhất cho DN” - ông Đặng Quốc Nghi, Giám đốc Công ty TNHH MTV Rồng Nam Việt chuyên ngành vận tải, logistics đề xuất.

Vương Thế

Nguồn: http://www.baodongnai.com.vn/tieu-diem/202007/tao-thuan-loi- thuong-mai-cho-doanh-nghiep-3012841/

Một phần của tài liệu DB1672020 (Trang 26 - 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(45 trang)