Quán triệt một số quan điểm cải cách tư pháp chỉ đạo trong hoàn

Một phần của tài liệu Giải quyết việc dân sự tại Tòa án cấp sơ thẩm - Thực trạng và giải pháp (Trang 32 - 33)

3. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn

3.1. Quán triệt một số quan điểm cải cách tư pháp chỉ đạo trong hoàn

thiện pháp luật tố tụng dân sự nói chung và giải quyết việc dân sự nói riêng

Theo Nghị quyết 49, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật tố tụng nhằm hướng tới mục tiêu "xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh,

dân chủ, nghiêm minh… ". Về quan điểm chỉ đạo, "cải cách tư pháp phải đặt dưới sự lãnh đạo chặt chẽ của Đảng", "phải xuất phát từ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội". Như vậy, việc

hoàn thiện pháp luật tố tụng dân sự nói chung và giải quyết việc dân sự nói riêng không nằm ngoài mục tiêu của cải cách tư pháp, cần thiết phải phát huy sức mạnh của toàn xã hội và phải tiến hành khẩn trương, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm với những bước đi vững chắc.

Về vấn đề hoàn thiện hệ thống pháp luật và đổi mới hoạt động tư pháp, Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X có nêu: "Xây dựng hệ thống cơ

quan tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, quyền con người”. "Hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng tính cụ thể, khả thi của các quy định trong văn bản pháp luật".

Trong tình hình hiện nay, hoàn thiện hệ thống pháp luật còn là đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn. Trong cuộc sống kinh tế thị trường, thu nhập của người dân ngày càng được nâng cao, đời sống xã hội ngày càng văn minh và tiến bộ, người dân có quyền đòi hỏi những giá trị dân chủ đích thực mà trước hết là một hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, công khai và minh bạch, các quy định của pháp luật phải cụ thể, rõ ràng, có sức

mạnh, làm công cụ hữu hiệu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Sự phù hợp giữa các hệ thống pháp luật sẽ đẩy nhanh tiến trình hội nhập quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài cũng như tăng cường trao đổi thương mại quốc tế.

Sự nghiệp đổi mới đất nước đang diễn ra một cách sôi động và toàn diện, kết quả đã đạt được những thành tựu hết sức to lớn trên tất cả mọi mặt của đời sống xã hội, hướng tới mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Nền kinh tế đất nước đã tạo được đà phát triển nhanh và ổn định, các thiết chế của nền kinh tế thị trường đã được hình thành và vận hành một cách đồng bộ. Quá trình hội nhập và mở rộng giao lưu quốc tế diễn ra sâu rộng. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao. Chính vì vậy, các yêu cầu về dân sự ngày càng tăng lên với nôi dung đa dạng, phức tạp. Để nâng cao chất lượng giải quyết việc dân sự ở Tòa án cấp sơ thẩm thì cần chú trọng việc quán triệt quan điểm cải cách tư pháp chỉ đạo trong hoàn thiện pháp luật tố tụng dân sự. Theo đó cần nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực tư pháp, hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng phát huy quyền dân chủ, tăng cường pháp chế, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân. Đây là một xu thế tất yếu, phản ánh nhu cầu khách quan của sự phát triển.

Một phần của tài liệu Giải quyết việc dân sự tại Tòa án cấp sơ thẩm - Thực trạng và giải pháp (Trang 32 - 33)