1. Kết luận
Trên cơ sở khái niệm nghiện internet và công tác xã hội, chúng tôi quan niệm CTXH với học sinh nghiện internet là tập hợp các hoạt động được thực hiện bởi nhân viên XH nhằm hướng đến hỗ trợ HS nghiện nâng cao kiến thức, năng lực bản thân để giảm thiểu hành vi nghiện internet, từ đó giúp các em thực hiện tốt các chức năng xã hội và phát triển lành mạnh như những học sinh bình thường khác trong trường học.
Về kết quả thực tiễn, các hoạt động CTXH bước đầu cho thấy những kết quả nhất định. Trong đó, các hoạt động “Truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức” và “Giáo dục các kỹ năng sống cho học sinh nghiện internet” là hai hoạt động có ĐTB cao nhất so với các hoạt động. Các hoạt động còn lại như: tham vấn, tư vấn cho học sinh nghiện internet; hỗ trợ chăm sóc sức khỏe thể chất và tâm thần; kết nối gia đình và các bên có liên quan chỉ thực hiện ở mức trung bình. Về thực trạng các yếu tố ảnh hưởng đến CTXH đối với HS nghiện internet, kết quả khảo sát cho thấy trong 6 nhóm yếu tố được khảo sát thì chỉ có yếu tố liên quan đến hệ thống luật pháp chính sách là không có sự ảnh hưởng. Trong những yếu tố có ảnh hưởng theo mô hình hồi quy thì yếu tố thuộc Nhận thức, thái độ, hoàn cảnh của học sinh nghiện internet và Sự quan tâm, phối hợp của gia đình có ảnh hưởng mạnh nhất.
Để nâng cao hiệu quả các hoạt động CTXH đối với HS nghiện internet nghiên cứu đã thực nghiệm phương pháp CTXH cá nhân với một trường hợp HS chẩn đoán bị nghiện internet mức nặng. Tiến trình bao gồm bảy bước cơ bản, với nhiều hoạt động như Giúp TC xóa bỏ suy nghĩ, cảm xúc tiêu cực; nhận thức đúng đắn về hậu quả của nghiện internet; cùng thiết lập các hành vi mới; Làm việc với gia đình, thảo luận thiết lập mục tiêu, kế hoạch cá nhân; Giúp thân chủ thực hành một số kỹ năng nhằm đối phó cảm xúc tiêu cực và cắt cơn cai nghiện, đã cho thấy mức độ nghiện được giảm thiểu, các ảnh hưởng tiêu cực về sức khỏe, học tập, hành vi, sinh hoạt của thân chủ được cải thiện tích cực. Để có biện pháp nâng cao hiệu quả công tác xã hội đối với học sinh nghiện internet, nghiên cứu đề xuất sáu nhóm giải pháp
cơ bản từ cải thiện luật pháp, chính sách về nghề CTXH trong trường học; các giải pháp liên quan đến giáo viên, nhà trường, bản thân học sinh và cộng đồng xã hội. Các biện pháp đó cần thực hiện đồng bộ với nhau và cân nhắc để phù hợp với điều kiện của mỗi trường để mang lại hiệu quả thiết thực.
Kết quả khảo sát từ thực tiễn nghiên cứu đã góp phần trả lời được các câu hỏi nghiên cứu của luận án đặt ra đó là: (1) Các hoạt động CTXH đối với học sinh nghiện internet ở các trường THCS tại tỉnh Bình Định đã được tổ chức ở những mức độ, hình thức khác nhau nhằm hướng đến phòng ngừa và trị liệu nhằm trợ giúp HS giảm thiểu hành vi nghiện internet. Trong đó hoạt động, “Truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức” và hoạt động “Giáo dục kỹ năng tâm lý – xã hội” được thực hiện ở mức cao nhất. (2) Có một số yếu tố đã ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động CTXH đối với HS nghiện internet dưới những mức độ khác nhau, trong đó ảnh hưởng lớn nhất là yếu tố liên quan đến HS nghiện internet. (3) Kết quả thử nghiệm cho thấy những tác động của phương pháp công tác xã hội cá nhân có những hiệu quả tích cực trong xóa bỏ những cảm xúc tiêu cực; hình thành những kỹ năng cần thiết cho HS giảm thiểu việc lạm dụng internet.