Theo phân loại của Medina, tổn thương chỗ chia nhánh ĐMV gồm [40]: - Típ 1.1.1: tổn thương ở PMV, DMV và SB. - Típ 1.1.0: tổn thương ở PMV và DMV. - Típ 1.0.1: tổn thương ở PMV và SB. - Típ 0.1.1: tổn thương ở DMV và SB. - Típ 1.0.0: tổn thương chỉ ở PMV. - Típ 0.1.0: tổn thương chỉ ở DMV. - Típ 0.0.1: tổn thương chỉ ở SB.
Bên cạnh ứng dụng phân loại tổn thương theo Medina, còn có phân loại: “tổn thương thực thụ chỗ chia nhánh ĐMV” (true bifurcation) và “tổn thương liên quan chỗ chia nhánh ĐMV” (nontrue bifurcation). Tổn thương được coi là tổn thương thực thụ chỗ chia nhánh ĐMV khi cả MV và SB đều tổn thương đáng kể (hẹp ≥ 50% đường kính lòng mạch), còn tổn thương liên quan chỗ chia nhánh ĐMV thì tổn thương chỉ ở một nhánh (MV hoặc SB) [33], [42]. Như vậy, tổn thương thực thụ chỗ chia nhánh ĐMV sẽ bao gồm các tổn thương: típ 1.1.1; típ 1.0.1 và típ 0.1.1 theo phân loại của Medina.
Cùng với đặc điểm phân bố của mảng xơ vữa, một số yếu tố cũng góp phần quan trọng trong việc quyết định lựa chọn chiến lược can thiệp chỗ chia nhánh ĐMV đó là tương quan đường kính của PMV, DMV và SB, mức độ vôi hoá của ĐMV và đặc biệt là góc phân nhánh được tạo bởi DMV và SB [33].
1.2.4. Can thiệp đặt stent tổn thương chỗ chia nhánh động mạch vành
1.2.4.1. Sơ lược lịch sử can thiệp động mạch vành
Năm 1977, Andreas Gruntzig (Zurich – Thụy Sỹ) lần đầu tiên can thiệp ĐMV thành công trên người bằng nong bóng [43].
Năm 1986, Jaques Puel (Toulouse – Pháp) và Ulrich Sigwart (Lausanne – Thụy Sỹ) lần đầu tiên đặt stent ĐMV thành công trên người [44].
Stent kim loại thường ban đầu được chế tạo bằng thép không gỉ và thiết kế tự nở (self-expandable). Tiếp theo là các loại stent được thiết kế nở bằng bơm bóng thay thế cho stent tự nở. Hạn chế của stent kim loại thường là tỷ lệ tái hẹp cao [43].
Stent ĐMV phủ thuốc (Drug Eluting Stent: DES) thế hệ thứ nhất ra đời giúp giảm được tỷ lệ tái hẹp [45], [46], [47], [48], tuy nhiên tỷ lệ huyết khối bán cấp và huyết khối muộn trong stent cao hơn stent kim loại thường [49].
DES thế hệ thứ hai ra đời với nhiều cải tiến như là thay đổi về thuốc chống phân bào gắn trên khung stent, cải tiến về chất liệu cấu tạo khung stent và lớp polymer… đã giúp khắc phục được nhược điểm của DES thế hệ thứ nhất [50], [51], [52], [53].
1.2.4.2. Cấu tạo stent động mạch vành có phủ thuốc: thông thường gồm 3 thành phần chính
Khung stent bằng kim loại