1. Dự thảo báo cáo tự đánh giá được công bố công khai trong thời gian 15 ngày làm việc tại cơ sở giáo dục phổ thông để lấy ý kiến góp ý. Hội đồng tự đánh giá thu thập, xử lý các ý kiến thu được và hoàn thiện báo cáo. Các thành viên trong Hội đồng tự đánh giá ký xác nhận vào bản báo cáo tự đánh giá; hiệu trưởng hoặc giám đốc của cơ sở giáo dục phổ thông ký tên, đóng dấu.
2. Công bố công khai báo cáo tự đánh giá; các thông tin và minh chứng phục vụ tự đánh giá được lưu trữ đầy đủ trong một chu kỳ kiểm định chất lượng giáo dục.
Sau khi hoàn thành báo cáo tự đánh giá và cơ sở giáo dục phổ thông đủ điều kiện theo Điều 7 quy định tại Quyết định 83/2008/QĐ-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc Quy định về quy trình và chu kỳ kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục phổ thông, thì cơ sở giáo dục phổ thông sẽ đăng ký kiểm định chất lượng giáo dục theo quy định tại Chương III của Quyết định 83/2008/QĐ-BGDĐT ngày 31/12/2009.
Đối với các cơ sở giáo dục phổ thông chưa đủ điều kiện theo Điều 7 của Quyết định 83/2008/QĐ-BGDĐT, thì gửi báo cáo tự đánh giá cho cơ quan chủ quản để báo cáo và có kế hoạch cam kết phấn đấu không ngừng nâng cao chất lượng theo tiêu chuẩn đánh giá chất lượng để được dăng ký kiểm định chất lượng giáo dục.
B. CẤU TRÚC BÁO CÁO TỰ ĐÁNH GIÁ
Cấu trúc báo cáo tự đánh giá được trình bày theo thứ tự sau: - Trang bìa chính;
- Trang bìa phụ;
- Danh sách và chữ ký thành viên Hội đồng tự đánh giá; - Mục lục;
- Danh mục các chữ viết tắt (nếu có);
- Bản tổng hợp kết quả đánh giá chất lượng giáo dục trường phổ thông theo từng tiêu chí.
Nội dung chính của báo cáo tự đánh giá gồm: 1. Phần I. Cơ sở dữ liệu của nhà trường
a) Thông tin chung của nhà trường; b) Cơ sở vật chất, thư viện, tài chính.
2. Phần 2. Tự đánh giá
Phần này nhằm mô tả hiện trạng, so sánh, đánh giá, phân tích các mặt hoạt động giáo dục của nhà trường theo tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành để chỉ ra những điểm mạnh, điểm yếu, nguyên nhân, kế hoạch cải tiến chất lượng. Nội dung được trình bày theo cấu trúc sau:
ĐẶT VẤN ĐỀ
Mô tả văn tắt mục đích, lý do tự đánh giá chất lượng giáo dục của nhà trường theo các tiêu chuẩn của từng cấp học; quy trình tự đánh giá, phương pháp và công cụ đánh giá để cung cấp thông tin về bối cảnh của tự đánh giá, nhằm giúp người đọc hiểu rõ nội dung của bản báo cáo (không quá 2 trang A4).
TỔNG QUAN CHUNG
Đây là phần tóm tắt giúp người đọc có cái nhìn tổng thể về trường trước khi đọc báo cáo chi tiết (không quá 8 trang A4). Phần tổng quan cần thể hiện rõ:
- Mô tả sự tham gia của các thành viên trong trường, cách thức tổ chức tự đánh giá, mục đích tự đánh giá, những lợi ích mà nhà trường sẽ thu được.
- Bối cảnh chung của trường như thông tin về cơ sở vật chất, vấn đề quản lý chất lượng giáo dục, tài chính,...ảnh hưởng đến tình hình chung của toàn trường.
- Những phát hiện chính trong quá trình triển khai tự đánh giá. Phần này không cần đề cập lần lượt và cụ thể đến từng tiêu chí, nhưng phải chỉ ra những phát hiện đó liên quan đến tiêu chí nào.
- Cần nêu các chủ đề và các ý kiến quan trọng của báo cáo tự đánh giá, qua đó thấy được trường đã sử dụng tự đánh giá như một công cụ để cải tiến chất lượng giáo dục.
TỰ ĐÁNH GIÁ
Phần này mô tả chi tiết kết quả tự đánh giá của nhà trường, lần lượt xem xét tất cả các tiêu chí. Cần dựa vào các chỉ số để mô tả và đánh giá các tiêu chí.
Việc đánh giá các tiêu chí trong tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường phổ thông của từng cấp học do Bộ giáo dục và Đào tạo ban hành, gồm các mục sau đây: