Lấy mẫu là một vấn đề rất quan trọng và phong phú trong nghiên cứu thống kê. Ngoài các phương pháp lấy mẫu chung dùng trong khoa học thống kê, đối với mỗi lĩnh vực riêng biệt lại có những phương pháp lấy mẫu mang đặc thù riêng.
Trong thống kê xã hội, đối tượng điều tra thường rất lớn, chúng ta không có đủ điều kiện thời gian, tài chính để điều tra hết, vì vậy vấn đề đặt ra là chọn đối tượng nào để điều tra và cách chọn như thế nào. Có ba cách chọn mẫu như sau:
- Chọn mẫu với xác suất đều;
- Chọn mẫu với xác suất không đều; - Chọn mẫu theo nhóm trội.
* Chọn mẫu với xác suất đều:
Ứng với mỗi đơn vị điều tra có một hay nhiều tiêu thức điều tra. Người ta thường phân loại các tiêu thức điều tra và giải quyết các vấn đề chọn mẫu theo hai cách sau:
- Tiêu thức về kết cấu xã hội của các cá nhân thuộc tổng thể điều tra như tuổi, giới tính, nghề nghiệp, địa vị, trình độ văn hóa… được chọn làm tiêu thức nghiên cứu. Người ta chọn mẫu sao cho cơ cấu theo các tiêu thức này tính trên mẫu chọn trùng với cơ cấu của chúng đã biết trên tổng thể;
- Tiêu thức về các đặc tính riêng cần điều tra được chọn làm tiêu thức nghiên cứu. Tính đại diện thể hiện ở chỗ tiêu thức nghiên cứu đo lường trên mẫu có thể suy rộng cho tổng thể, cũng như phân phối của nó trên mẫu có thể suy ra phân phối của tiêu thức đó trên tổng thể với độ tin cậy nào đó. Mẫu đại diện là hình ảnh thu nhỏ của tổng thể chung một cách tương đối trung thực.
* Chọn mẫu với xác suất không đều:
Trên các lĩnh vực xã hội, sự không đồng đều về quy mô của hiện tượng là phổ biến, do đó việc thu thập thông tin dựa vào các mẫu đồng loạt sẽ hạn chế tính đại diện, chẳng hạn các hiện tượng xã hội, văn hóa, tinh thần không xuất hiện đồng đều theo thời gian mà thường rộ lên ở một số thời điểm nhất định. Chọn mẫu theo thời gian với xác suất không đều tùy theo quy mô xuất hiện các hiện tượng cho các mẫu đại diện tốt hơn các mẫu chọn theo xác suất đều. Ví dụ: nhu cầu sử dụng điều hòa tăng cao vào các tháng hè…
* Điều tra nhóm trội:
Điều tra nhóm trội là một dạng điều tra trọng điểm, nhưng với những điều kiện nhất định có khả năng suy rộng cho toàn bộ tổng thể. Chẳng hạn, nghiên cứu quỹ thời gian rỗi của nhóm người có điều kiện sống cao, có giao lưu văn hóa mạnh, có trình độ văn hóa nhất định… ta có thể suy rộng (có điều chỉnh) ra cho toàn bộ dân cư với khoảng thời gian đủ dài để nâng cao mức sống vật chất và tinh thần của toàn thể lên mức hiện tại của nhóm trội.