Ðộ nửa tháng sau bà huyện Minh lại đến thăm bà Án Qúy. Nhưng lần này bà không đem quà cáp gì. Có lẽ bà nghĩ bốn thoi vàng lần trước cũng đã quá đủ. Bà Án tiếp bà Huyện không được tự nhiên như lần trước, bà thấy lúng túng khó ăn khó nói, trong khi ấy thì bà huyện có vẻ hoạt bát tự tin hơn.
Thấy bà Án không đã động gì đến món quà hôm trước, bà huyện nhắc khéo:
- Bẩm bà lớn, hôm nay vợ chồng chúng tôi cũng định đem đến biếu bà lớn ít lon trà, thứ hảo hạng như lần trước, nhưng sợ bà lớn quở trách nên không dám. Dạ, thứ trà ấy chúng tôi gởi mua từ kinh đô, chứ ở đây không có bán. Không biết quan lớn, bà lớn, dùng có thấy ... mùi vị đặc biệt không?
Bà Án hơi đỏ mặt, ngượng ngịu khó trả lời cho xuôi. Bà thấy xấu hổ, tủi nhục để cho con mẹ dưới tay mình khinh rẻ. Nếu trong trường hợp khác thì bà đem bốn lon trà và số vàng còn nguyên vẹn trả lại cho hắn, mắng cho một trận và còn dọa bỏ tù cả vợ chồng hắn vì tội hối lộ nữa. Bà bực tức cho hoàn cảnh oái ăm của mình: số vàng ấy bà đã lỡ tiêu mất một thoi. Nguyên mấy ngày trước đây, bà được tin quê nhà mình bị trận bão lớn. Ðứa cháu trai gọi bà bằng cô từ quê ra cho hay nhà cửa của cha mẹ bà bị sập cả, tình cảnh thực là nguy ngập; nếu bà không giúp đỡ được thì chắc song thân cũng như bà con họ hàng khó tránh được nạn đói khó. Bà suy tới tính lui không biết tìm đâu ra tiền để giúp đỡ mẹ cha trong cơn túng thiếu. Cuối cùng bà buộc lòng mượn đỡ một trong bốn thoi vàng mà bà huyện đem biếu, gởi về cho song thân. Bà tự bảo gặp biến thì phải tòng quyền, mượn để rồi rồi sẽ tính sau. Bà hoàn toàn giấu kín việc làm của mình, không cho quan Án biết. Bà hy vọng, nếu vụ án không có gì gay cấn, khó khăn, có thể châm chước một đôi chút thì bà sẽ dùng ba tấc lưỡi để thuyết phục chồng và giữ luôn mấy thoi vàng làm của. Nếu sự việc quá khó khăn , thì bà sẽ đi vay mượn chỗ khác trả lại đủ số vàng cho bà huyện. Nhưng ở đời, sự việc xảy đến không phải như ý mình muốn. Có những điều khi nhúng tay vào, mới thấy phức tạp khó khăn. Như trường hợp hôm nay chẳng hạn: Bà có ngờ đâu rằng khi thấy mình có những triệu chứng đồng lõa trong vụ hối lộ này, thì con mẹ huyện lại tỏ ra vẻ ngang bạc, khinh dể, xấc xược với mình. Nếu mình trả ngay vàng lại cho nó, thì bây giờ nó đã như chó cụp tai, đau dám bô bô ăn nói ra vẻ trịch thượng như vậy? Nhất là bà vẫn phải làm sao trả lời cho xuôi câu hỏi bóng gió của bà huyện: "Quan lớn, bà lớn dùng trà có thấy mùi vị đặc biệt không"? Bà nghĩ mà thương cho chồng mình, vì quan Án đâu có biết ất giáp gì trong vụ này mà cũng bị mụ huyện lôi vào? Bà trả lời nửa úp nửa mở:
- Vâng, trà có mùi vị đặc biệt lắm, nhưng chỉ chỉ có mình tôi thưởng thức, còn ông nhà tôi chỉ dùng thứ trà quen thuộc thường ngày thôi.
Câu trả lời làm cho bà huyện giật mình, tư lự, chứ không có vẻ tự đắc như trước nữa. Bà Án đoán được tâm lý lo lắng của bà huyện, bồi thêm:
- Vì ông nhà tôi không quen dùng thứ trà ấy, nên tôi định khi bà trở lại đây sẽ gởi trả lại bà. Còn tôi thì dùng trà gì cũng được, có thì dùng, không thì thôi.
Bà nói rồi, làm ra vẻ như sắp đứng dậy đi lấy trà trả lại cho bà huyện. Tuy làm ra vẻ cứng nhưng bà Án vẫn nơm nớp lo sợ, nếu bà huyện không có phản ứng, cứ để cho mình đi lấy bốn lon trà ra trả, thì thật là nguy, vì làm gì còn đủ cả 4 thoi vàng mà trả? May cho bà, là bà huyện tỏ vẻ hốt hoảng khi thấy bà đứng lên. Bà huyện nắm tay bà Án, như van nài bà ngồi xuống và nói:
- Xin bà lớn cứ để đó mà dùng. Bà lớn làm như vậy phụ lòng vợ chồng chúng con lắm. Bà lớn đừng ngại gì cả. Xin bà lớn cứ xem vợ chồng chúng con như người nhà. Vợ chồng chúng con còn nhờ ơn quan bà lớn nhiều.
Bà Án thở ra, nghe nhẹ nhõm trong người và ngồi xuống. Nhưng rồi bà vẫn thấy lấn cấn khó nói năng. Một lát sau bà mới nói được một câu:
- Vụ án chánh tổng Hàm, tôi đã có hỏi ông nhà tôi, ông dạy đang điều tra lại, vì còn nhiều điều ám muội ở trong.
- Dạ thưa, vợ chồng chúng tôi vẫn biết thế, nên mới ... cầu cứu đến quan lớn. Nếu bà lớn thương tình vợ chồng con mà nói vào một tiếng với quan lớn, chắc quan lớn cũng không nỡ hành động một cách ... nghiêm khắc.
- Nhà con bảo trong vụ án này chỉ là nghi vấn, chứ không có bằng cớ gì xác thực là chánh Hàm đã bắt giữ hay thủ tiêu Thị Nguyệt. Nếu quan lớn phê cho một câu: "Xếp vụ án lại, vì không đủ bằng cớ buộc tôi bị can, là yên". Con nghĩ quan lớn, bà lớn không có gì đáng e ngại, vì vụ này nhà con cũng đã trình với cụ Tổng Trấn và cụ cũng đã thông cảm rồi. Nhà con với cụ Tổng Trấn cũng là người nhà, đã từng quen biết nhau từ thuở nhỏ.
Bà huyện cố ngầm cho bà Án biết là vợ chồng hắn có thế lực, được quan tổng Trấn bảo bọc và cũng đã vận động lo lót về vụ án này rồi.
Bà Án nghe bà huyện nói trong lòng đỡ được nhiều phần lo lắng. Bà thấy công việc bà huyện nhờ mình làm không đến nổi khó khăn như bà tưởng lúc đầu. Nói một tiếng với chồng mà được bốn thoi vàng, đáng giá bằng cả một gia tài, thì là một việc không nên bỏ qua. Thời vận đến mà không nắm lấy thì thật là khờ dại. Những ý nghĩ lạc quan ấy làm bà Án vui vẻ tự nhiên trở lại. Bà mời bà huyện ăn trầu, uống nước và trước khi đưa khách ra cửa, bà còn hứa sẽ cố gắng thuyết phục chồng để cho vụ án được trót lọt.