7. Cấu trúc luận án
3.1.3. Thơ tự do đua nhau khoe diện mạo
Thơ tự do - thể thơ xuất hiện trong giai đoạn hiện đại hóa nền văn học Việt Nam đầu thế kỷ hai mươi vẫn là thể loại chủ đạo trong sân thơ Việt Nam hiện nay. Khái niệm “thơ tự do” xuất hiện ở Việt Nam những thập kỷ đầu của thế kỷ hai mươi (còn có tên gọi khác là “Thơ mới”) nhằm xác lập sự đối lập về nguyên tắc thẩm mỹ và bút pháp nghệ thuật với thơ trung đại. Thơ “tự do” không bị câu thúc bởi niêm luật, số lượng dài ngắn của bài thơ và câu thơ, đặc biệt, đề cao cái “tôi” bản ngã của chủ thể trữ tình. Có thể lấy mốc về sự công bố “Thi nhân Việt Nam” năm 1942 của Hoài Thanh, Hoài Chân để khẳng định sự “toàn thắng” của thơ tự do trước thơ niêm luật. Từ bấy đến nay, thơ tự do đã trở thành thể thơ thuần Việt, góp phần hiện đại hóa thơ Việt Nam, đồng thời cũng là thể thơ chủ đạo dẫn dắt nền thơ Việt. Thể thơ tự do đơn giản trong việc sáng tác và cũng là một thể thơ dễ dàng nhận biết nhất, bởi số câu, số chữ trong bài thơ, câu thơ, dòng thơ không hạn chế, có thể dài ngắn linh hoạt. Thêm nữa, cách gieo vần cũng có nhiều cách không bị câu thúc bởi bất cứ một công thức hay quy định nào.
Tuy nhiên, “thơ tự do” không hoàn toàn cắt đứt với thơ truyền thống mà vẫn tận dụng/ kế thừa truyền thống, điều mà Hoài Thanh đã tổng kết và chỉ ra từ năm 1941: “Không có thơ mới. Có điều các anh gọi là thơ mới, hơn ngàn năm trước đã có rồi” [130; tr. 51]. Cơ sở để tác giả Thi nhân Việt Nam nhận định điều ấy, bởi, các nhà “Thơ mới” vẫn sử dụng “các lối thơ xưa”, song đã “biến thể ít nhiều”, “cái hôm nay đã phôi thai từ hôm qua và trong cái mới vẫn còn rớt lại ít nhiều cái cũ. Các thời đại vẫn liên tiếp cùng nhau” [130; tr. 51]. Người đọc vẫn thấy những “chiến tướng” của Thơ mới sử dụng thất ngôn và ngũ ngôn “rất thịnh”, thể Đường luật mặc dù “đụng vào đã tan” (từ dùng của Hoài Thanh) song tinh thần của Đường thi vẫn được khai thác để tạo vần, tạo nhịp, tạo hình ảnh. Thậm chí “luật đổi thanh trong thơ Việt vẫn chi phối hết thảy các thể thơ” (Hoài Thanh). Đúng như tác giả Thi nhân Việt Nam đã đánh giá về Thơ mới hồi ấy: “Chưa bao giờ họ thấy cần phải tìm về dĩ vãng để vịn vào những gì bất diệt đủ đảm bảo cho ngày mai” [130; tr. 54].
Tuy nhiên, có thể nhận thấy, thơ tự do bây giờ đã khác xa với thơ tự do trước 1945 - chặng đầu của giai đoạn hiện đại hóa. Thơ tự do ở chặng đầu này lấy vần và cảm xúc của cái “tôi cá thể” để tạo nên cấu trúc bài thơ. Thơ tự do hiện nay đã khác, với nhu cầu cách tân, nó thay đổi đến mức khó mà xác định được các dạng thức của thể loại này, thậm chí có những quan điểm về “tự do” một cách cực đoan - tự do tuyệt đối. Luận án sẽ trình bày cụ thể sự biến đổi của dạng thức của thơ tự do ở mục (3.2) dưới đây.