Theo quy định mới ban hành của Liên minh châu Âu (EU), tất cả các lô hàng chè nhập vào đây phải đảm bảo dư lượng thuốc trừ sâu không quá 0,01 ppm (ppm: phần triệu) thay vì 0,1 ppm như trước đây. Giới hạn dư lượng ethion mà EU quy định 3 ppm trong năm 2002 và 2 ppm trong năm 2003 thì nay cũng được hạ xuống còn 0,01 ppm như tất cả các loại thuốc trừ sâu khác. Đơn vị xuất khẩu phải gửi mẫu chè cho đối tác nhập khẩu để xét nghiệm, nhằm xác định liệu dư lượng thuốc trừ sâu có nằm trong giới hạn cho phép hay không .. Đây là khó khăn đối với các nhà xuất khẩu chè trên thế giới nói chung và ngành chè Việt Nam khi thâm nhập thị trường này.
Đối với Nga, chiến lược là nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của người tiêu dùng trong nước, do Nga chỉ sản xuất đủ đáp ứng 1% nhu cầu và dự trữ quốc gia đề phòng chiến tranh và thiên tai; cung cấp nguyên liệu cho các công ty nội địa chế biến đóng gói chè đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng trong nước. Chính sách nhập khẩu chè là khuyến khích nhập khẩu, không
áp dụng biện pháp hạn chế toàn phần và từng phần, hỗ trơ các nhà máy chế biến đóng gói chè nội địa để khuyến khích nhập chè rời, hạn chế nhập chè gói; …
Đối với Mỹ, chè thuộc trong số nhóm mặt hàng khó nhập khẩu vào nước này và phải chịu sự kiểm soát chặt chẽ của Cơ quan quản lý an toàn thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA). Theo luật Mỹ, chè không đủ độ tinh khiết, không đạt chất lượng và không phù hợp cho tiêu dùng theo các tiêu chuẩn thống nhất sẽ không được phép nhập khẩu. Người nhập khẩu hoặc nhận hàng có trách nhiệm cung cấp mẫu đại diện cho từng loại chè có ghi trong hóa đơn giao hàng để FDA kiểm tra đối chiếu với mẫu chè chuẩn. Nếu kết quả kiểm tra lại vẫn không đạt so với mẫu chuẩn thì người nhập khẩu phải tái xuất toàn bộ lô hàng trong vòng 6 tháng kể từ ngày có kết quả kiểm tra cuối cùng. Nếu hết 6 tháng hàng chưa được tái xuất thì sẽ bị tiêu hủy.