Phương pháp dự báo

Một phần của tài liệu CHUYEN KHAO GIOI TINH KHI SINH_TIENG VIET (Trang 71 - 72)

10. Dự báo về sự mất cân bằng giới tính trong tương lai

10.1. Phương pháp dự báo

Trong phần này, chúng tôi xem xét hậu quả nhân khẩu học có thể xảy ra do mất cân bằng giới tính quan sát được cho đến nay và tìm hiểu các kịch bản lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới khác nhau trong tương lai. Để thực hiện điều này, chúng tôi dự báo dân số Việt Nam từ cuộc tổng điều tra dân số năm 2019 trong khoảng thời gian kéo dài đến năm 2059. Các dự báo sau khoảng thời gian này có thể không hữu ích do ước tính dài hạn về tỷ lệ sinh và tử có thể không chắc chắn. Các kịch bản được sử dụng ở đây trước hết tham khảo từ báo cáo triển vọng dân số do Liên hợp quốc đưa ra vào năm 2019 cho giai đoạn 2020–2100 United Nations, 2019). Chúng tôi đã bổ sung các kịch bản khác nhau về thay đổi TSGTKS dựa trên kinh nghiệm của các quốc gia khác bị ảnh hưởng bởi mất cân bằng giới tính khi sinh trước Việt Nam.

Dữ liệu nhân khẩu học cơ sở được sử dụng cho năm 2019 được lấy trực tiếp từ cuộc tổng điều tra dân số năm 2019; trong đó, chúng tôi sử dụng dữ liệu phân tổ theo độ tuổi và giới tính. Mức độ thiếu hụt tương đối của thanh niên được quan sát trong tháp tuổi được giữ nguyên. Tập hợp các thông số nhân khẩu học được sử dụng trong dự báo của chúng tôi dựa trên triển vọng dân số tiêu chuẩn của Liên hợp. Cụ thể, chúng tôi sẽ sử dụng các chỉ số sau từ các giả thuyết của Liên hợp quốc.

• Cải thiện tỷ lệ tử vong (tuổi thọ trung bình ở cả hai giới): 76 tuổi ở hiện tại và 81 tuổi vào năm 2059 (Thực trạng tử vong ở Đông Á)

• Mức sinh gần như ổn định (số trẻ em trên mỗi phụ nữ): 2,0 vào năm 2019 và 1,9 vào năm 2059 Chúng tôi đưa ra thêm giả thuyết về việc không có di cư quốc tế thuần (nam hoặc nữ) trong giai đoạn 2019-2059.

Để hình dung tương lai của TSGTKS ở Việt Nam, chúng tôi đã xem xét diễn biến ở các nước khác. Như đã trình bày tóm lược tại phần trên, hầu hết các quốc gia gần đây đều ghi nhận sự giảm dần về TSGTKS mà trước đấy đã tăng nhanh. Nhìn chung, biểu đồ TSGTKS thay đổi qua các năm, giống như một đường cong hình chuông, đặc trưng ban đầu là sự gia tăng liên tục cho đến khi TSGTKS đạt mức ổn định. Sau khi ổn định trong vài năm, TSGTKS bắt đầu giảm dần ở nhiều nước cho đến khi trở lại gần với mức bình thường. Đường cong hình chuông không hoàn toàn đối xứng vì mức giảm cuối cùng của tỷ lệ sinh con trai có xu hướng chậm hơn tốc độ tăng trưởng ban đầu.

Như đã lập luận tại phần trước, kinh nghiệm TSGTKS của Việt Nam phù hợp với các mô hình này. Từ năm 2005 trở đi, TSGTKS của Việt Nam tăng liên tục trong 10 năm cho đến khi đạt mức ổn định hiện tại. Tốc độ tăng trạng mất cân bằng giới tính khi sinh này đã chững lại trong vài năm qua. Nhưng câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ là liệu TSGTKS sẽ giữ ở mức cũ hay sẽ giảm và giảm với tốc độ như thế nào. Dựa trên sự không chắc chắn này, có ba kịch bản thay đổi TSGTKS như sau:

1. Không thay đổi: TSGTKS vẫn ở mức 111 trẻ em trai trên 100 trẻ em gái. 2. Thay đổi chậm: TSGTKS giảm từ mức hiện tại xuống mức 107 vào năm 2059.

3. Thay đổi nhanh chóng: TSGTKS giảm xuống 107 vào năm 2029 và trở lại mức bình thường là 105 vào năm 2039.

Ba kịch bản này hiện được kết hợp với các thông số nhân khẩu học trước đó và tạo ra một bộ các dự báo dân số trong bốn thập kỷ tới. Cần lưu ý rằng phần lớn dân số tương lai của Việt Nam đã được sinh ra và hiện diện trong cuộc tổng điều tra dân số năm 2019. Do đó, các thông số của chúng tôi sẽ không ảnh hưởng theo bất kỳ cách nào đến triển vọng dân số của tất cả đoàn hệ sinh trước năm 2019, bao gồm cả nhóm thanh niên trong hai thập kỷ tới và thậm chí cả nhóm dân số từ 40 tuổi trở lên vào năm 2059 những người đã được đếm ở năm 2019. Tuy nhiên, sự khác biệt về TSGTKS trong tương lai theo từng kịch bản gây ra sự phân hóa ngày càng rõ rệt trong các đoàn hệ sinh sau năm 2019.

Một phần của tài liệu CHUYEN KHAO GIOI TINH KHI SINH_TIENG VIET (Trang 71 - 72)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(96 trang)