Hiệu quả phân bổ là một trong những khái niệm hiệu quả quan trọng của Kinh tế học. Tuy nhiên cũng có nhiều cách xem xét khái niệm này. Theo Nguyễn Văn Ngọc (2006), hiệu quả phân bổ là “Khái niệm nhấn mạnh một phương diện hoạt động của thị trường là phân bổ tối ưu nguồn lực khan hiếm cho các mục đích sử dụng khác nhau, nhằm sản xuất ra cơ cấu hàng hóa và dịch vụ phù hợp nhất với nhu cầu tiêu dùng. Hiệu quả phân bổ đạt được khi tất cả các loại giá thị trường và lợi nhuận đều phù hợp với chi phí nguồn lực thực tế cho việc cung ứng hàng hóa và dịch vụ. Cụ thể, phúc lợi của người tiêu dùng đạt mức tối ưu khi đối với mọi sản phẩm, giá cả đều bằng chi phí nguồn lực thực tế thấp nhất của chúng, bao gồm cả lợi nhuận bình thường thưởng cho người sản xuất. Những giá cả như vậy chỉ tồn tại trong thị trường canh tranh hoàn hảo. Vì vậy, tất cả những cấu trúc thị trường khác, chẳng hạn như thị trường độc quyền, đều được coi là không đạt được hiệu quả phân bổ.”
Theo lý thuyết kinh tế căn bản thì hiệu quả phân bổ sẽ xảy ra sau khi các nguồn lực đã được phân bổ. Bất cứ một sự thay đổi nào về sản lượng sản xuất hay chủng loại
hàng hóa sản xuất, nếu sự phân bổ làm cho một cá nhân nào đó khá hơn thì sẽ dẫn đến một cá nhân khác chịu thiệt thòi hơn. Đôi khi hiệu quả phân bổ còn được gọi là “hiệu quả Pareto”. Đây là khái niệm do nhà kinh tế học người Italia là Vilfredo Pareto đưa ra trong cuốn cẩm nang về kinh tế chính trị học được xuất bản năm 1909.
Còn theo Farrell and Pearson (1957), hiệu quả phân bổ có thể được diễn tả như một độ đo khả năng doanh nghiệp kết hợp tối ưu giữa các yếu tố đầu vào với giá của chúng và hiệu quả phân bổ còn được gọi là hiệu quả về giá. Trong khi đó, Chukwuji và cộng sự (2006) định nghĩa hiệu quả phân bổ như tỷ số của tổng chi phí sản xuất một đơn vị của một đầu ra với tổng chi phí sản xuất đơn vị đầu ra giống như thế, trong khi sử dụng tối ưu các cách kết hợp các nhân tố đạt hiệu quả kỹ thuật.
Chính vì có nhiều khái niệm về hiệu quả phân bổ khác nhau dẫn đến có nhiều thước đo khái niệm này. Trong nội dung luận án, tác giả sẽ sử dụng hai thước đo khác nhau tương ứng để đo lường hiệu quả phân bổ của doanh nghiệp và hiệu quả phân bổ ngành - vùng.