1. Thành tựu
- Ngành Y tế thành phố đã hoàn thành xuất sắc 03 nhiệm vụ chính trị của ngành. Các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch đều đạt kết quả tốt. Đã triển khai tốt công tác phòng chống dịch bệnh, ngăn chặn có hiệu quả các dịch bệnh mới nổi: Ebola, Cúm A (H7N9), Mers-CoV,... xâm nhập trên địa bàn thành phố. Kịp thời khống chế không để dịch tay chân miệng, sốt xuất huyết, Sởi bùng phát, hạn chế đến mức thấp nhất số ca mắc và không có tử vong do dịch bệnh.
- Các chương trình mục tiêu Quốc gia được triển khai đầy đủ, đồng bộ và có hiệu quả, các chỉ tiêu thiên niên kỷ của đà Nẵng đều đạt và vượt xa so với toàn quốc (phụ lục 01); đảm bảo quy mô dân số ổn định, giảm tỷ xuất sinh còn 0,20‰ (vượt chỉ tiêu: 0,05‰), chất lượng dân số ngày một nâng cao. Thực hiện tốt mục tiêu ba không về HIV/AIDS. Ngăn chặn không để các vụ ngộ độc thực phẩm hàng loạt xảy ra trên địa bàn thành phố.
- Số giường bệnh/10.000 dân đạt 66,15; Số bác sỹ/10.000 dân đạt 15,18. - Nhiều năm liền không có tử vong mẹ.
- Chất lượng khám chữa bệnh ngày một nâng cao, tinh thần trách nhiệm và thái độ phục vụ của cán bộ y tế không ngừng được nâng lên. Tiếp tục duy trì và mở rộng bảo hiểm y tế toàn dân với tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 95,0 % (tăng 2,5 % so với cuối năm 2014).
Tuy nhiên, ngành Y tế thành phố Đà Nẵng vẫn còn không ít khó khăn, đó là:
1. Công tác y tế dự phòng và phòng chống dịch
- Hiện nay tình hình dịch sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm, mặc dù Sở Y tế đã huy động nhiều nguồn lực của ngành để triển khai, như đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, tăng cường giám sát, xử lý các ổ dịch, xử lý phun hóa chất diện rộng, phối hợp chính quyền địa phương tổng dọn vệ sinh... Qua quá trình tổ chức thực hiện phòng chống dịch, cho thấy vẫn còn thiếu sự quyết liệt vào cuộc của một số địa phương, ban ngành. Chỉ số về bọ gậy, cung quăn vẫn còn rất cao ở một số xã, phường, nhất là ở các khu nhà trọ, các khu đất trống đang quy hoạch xây dựng, và ngay cả ở nhiều nhà dân… đã tạo điều kiện cho sự duy trì và gia tăng của dịch sốt xuất huyết.
- Công tác tiêm chủng mở rộng tại các Trạm Y tế còn gặp nhiều khó khăn, còn tình trạng trẻ bỏ tiêm chủng của Chương trình tiêm chủng mở rộng và chờ vắc xin dịch vụ, dễ tạo điều kiện cho một số bệnh nguy hiểm xuất hiện như Ho gà, Bạch hầu…
- Công tác an toàn thực phẩm: Do chỉnh trang đô thị đường phố mở nhiều nên phát sinh nhiều cơ sở thức ăn đường phố, không cố định, tập trung bán vào ban đêm nên công tác quản lý và kiểm tra gặp nhiều khó khăn.
2. Nhân lực ngành y tế
- Đội ngũ bác sĩ tại tuyến y tế cơ sở, nhất là tại tuyến y tế xã, phường vẫn còn thiếu nhiều (hiện chỉ có 20 bác sĩ /56 Trạm Y tế).
- Tại các bệnh viện thiếu bác sỹ chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh nên gặp khó khăn trong việc đọc kết quả xét nghiệm và thanh toán BHYT…
3. Công tác khám chữa bệnh
Chưa phát triển hệ thống bệnh viện vệ tinh các chuyên ngành theo hệ thống bệnh viện vệ tinh của Bộ Y tế.
4. Ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành y tế
Theo Công văn số 8623/BYT-BH ngày 09/11/2015 của Bộ Y tế về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám chữa bệnh và thanh toán BHYT theo Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử. Theo đó các cơ sở khám chữa bệnh cần có một phần mềm thống nhất để triển khai; nhưng thực tế hiện nay chưa có sự thống nhất giữa các bệnh viện tại thành phố.
Cơ sở hạ tầng của một số Bệnh viện, trung tâm y tế, Trung tâm Y tế quận, huyện chưa hoàn thiện, một số còn xuống cấp, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển y tế chuyên sâu, cũng như nhu cầu phát triển kinh tế xã hội tại thành phố; đồng thời lộ trình thực hiện cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ còn rất ít, nếu không có sự đầu tư hoàn thiện đồng bộ cho hoạt động chuyên môn là rất khó khăn.