- Về tác động từ những biện pháp đáp trả của Trung Quốc đối với Mỹ
Những tín hiệu lẫn lộn phủ bóng đen hội nghị G
TTXVN (washingtonpost.com) - Ngày 25/8, Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) diễn ra tại thành phố cảng Biarritz của Pháp đã chứng kiến một cảnh tượng khó hiểu khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tỏ ý hối tiếc về cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, nhưng vài giờ sau đó Nhà Trắng đã đảo ngược tuyên bố này của ông.
Đó là một trong vô số bất ngờ vào một ngày mà một số quan chức hy vọng có sự rõ ràng hoặc đồng thuận. Các nhà lãnh đạo tiếp tục tranh cãi về việc liệu Tổng thống Nga Vladimir Putin có tham dự một hội nghị thượng đỉnh trong tương lai hay không và các quan chức Pháp đã gây ngạc nhiên khi mời Ngoại trưởng Iran đến Biarritz, một động thái bất thường tại một hội nghị thượng đỉnh quy tụ các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới với chương trình làm việc dày đặc.
Các nhà lãnh đạo vốn đang hy vọng rằng căng thẳng toàn cầu trong các vấn đề thương mại, Triều Tiên và Trung Quốc có thể được xoa dịu trong ngày họp thứ hai của hội nghị, đã phải thất vọng trong một ngày có nhiều tín hiệu lẫn lộn. Một số quan chức châu Âu cho biết họ bắt đầu lo ngại rằng không thể hoàn thành gần như là bất cứ chương trình hợp tác quan trọng nào với Mỹ trong kỷ nguyên Donald Trump.
Trump hầu như chưa làm gì gây kích động căng thẳng với các nhà lãnh đạo khác như ông đã làm trong các hội nghị thượng đỉnh lần trước, nơi ông đã có những tuyên bố xúc phạm hoặc đe dọa rút khỏi các tổ chức quốc tế. Nhưng tại hội nghị G7 lần này, Trump cũng đã làm rất ít để xoa dịu những mối lo ngại rằng Mỹ sẽ tiếp tục hành động đơn phương, đặc biệt liên quan đến vấn đề thuế quan, bất kể tác động kinh tế ra sao.
Sáng 25/8, trong khi dùng bữa sáng với Thủ tướng Anh Boris Johnson, một phóng viên đã hỏi Tổng thống Trump rằng ông có suy nghĩ kỹ về sự leo thang gần đây của cuộc chiến thương mại với Trung Quốc hay không. Trump lần đầu tiên dường như đã thừa nhận hối tiếc về cách thức giải quyết các vấn đề trong thời gian qua khi đáp rằng: “Vâng, chắc chắn rồi. Tại sao không chứ. Có thể lắm chứ. Tôi đã suy nghĩ lại tất cả mọi việc”.
Những bình luận của Tổng thống Mỹ đã xuất hiện trong các bản tin chính của truyền thống quốc tế. Vài giờ sau, Thư ký báo chí Nhà Trắng Stephanie Grisham đã cố gắng sửa lại những bình luận này, cho rằng chúng đã bị cắt gọt và không được đặt trong bối cảnh của vấn đề.
Bà Grisham tuyên bố: “Tổng thống đã được hỏi liệu ông “có suy nghĩ kỹ về việc leo thang chiến tranh thương mại với Trung Quốc không’, câu trả lời của ông ấy đã bị hiểu sai. Tổng thống Trump đã trả lời “có” - bởi ông ấy tiếc là không tăng thuế cao hơn”.
Cố vấn kinh tế hàng đầu của Trump, Larry Kudlow, sau đó đã nói với các phóng viên rằng Trump gặp khó khăn khi nghe câu hỏi.
Đây không phải là lần đầu tiên trong tuần qua Nhà Trắng đưa ra một tuyên bố đảo ngược như vậy, liên quan đến các vấn đề như chính sách thuế, đề xuất mua đảo Greenland của Tổng thống Trump và - đáng chú ý nhất là Trung Quốc.
Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Lawrence Summers, một quan chức kỳ cựu trong các chính quyền của Tổng thống Clinton và Obama, bình luận các tuyên bố mâu thuẫn của Nhà Trắng chỉ là những động thái mới nhất trong một loạt thông điệp lẫn lộn khiến mọi người không thể hiểu được chương trình nghị sự của chính phủ Mỹ đương nhiệm.
Ông Summers nói trong một cuộc phỏng vấn: “Chính sách và chiến lược sai lầm sâu sắc đã được thực thi trong một thời gian bởi các chiến thuật đàm phán mơ hồ, không đáng tin cậy, với những cam kết không được giữ và những lời đe dọa không được thực hiện một cách thường xuyên. Hiện chúng ta đang ở một giai đoạn mới với một Tổng thống có hành vi thất thường, không đáng tin cậy và thường xuyên phủ nhận thực tế rõ ràng. Theo tôi biết, đây là điều chưa từng có tiền lệ trong lịch sử nước Mỹ”.
Hội nghị thượng đỉnh G7 là một cuộc họp của các cường quốc kinh tế được tổ chức hàng năm nhằm thu hút các nhà lãnh đạo ngồi lại với nhau để có thể cố gắng giải quyết những vấn đề căng thẳng toàn cầu. Tuy nhiên, hội nghị thượng đỉnh này đã không thành công trong việc vượt qua những bất đồng trong Chính quyền Trump.
Tại hội nghị thượng đỉnh năm 2018 diễn ra ở Canada, Tổng thống Trump đã tuyên bố rút khỏi một thỏa thuận cuối cùng vì ông cảm thấy bị Thủ tướng Canada Justin Trudeau xúc phạm. Cũng tại hội nghị thượng đỉnh đó, ông Trump đã ném 2 viên kẹo về phía Thủ tướng Đức Angela Merkel và nói với bà: “Đừng nói rằng tôi chưa bao giờ tặng bà bất cứ thứ gì”.
Trước thềm hội nghị thượng đỉnh lần này, các quan chức châu Âu đã đưa ra tín hiệu rằng họ có kế hoạch thận trọng với Tổng thống Trump và tránh đối đầu.
Trong bữa sáng 25/8, Thủ tướng Anh Johnson - được coi là đồng minh chủ chốt của Nhà Trắng - là nhà lãnh đạo đầu tiên tại hội nghị thượng đỉnh lần này công khai, mặc dù rất thận trọng, đặt câu hỏi về cách tiếp cận của ông Trump trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, mà một số ý kiến cho là đang ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu.
Thủ tướng Anh nhấn mạnh: “Chỉ cần đơn giản ghi nhớ rằng quan điểm của Anh về cuộc chiến thương mại là chúng tôi ủng hộ quan hệ thương mại yên ổn bằng mọi giá. Chúng tôi nghĩ rằng, về tổng thể, Anh đã được hưởng lợi lớn trong 200 năm qua nhờ thương mại tự do”.
Sau đó, đến lượt Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Một phóng viên đã hỏi ông Trump rằng ông có lo ngại về vụ phóng tên lửa gần đây của Triều Tiên hay không. Trump đáp: “Chúng ta đang sống trong thế giới của tên lửa, dù các bạn có thích hay không”, và nói thêm rằng ông có thể hiểu tại sao Abe không hài lòng với vụ thử tên lửa này.
Thủ tướng Abe nói rõ rằng ông coi động thái của Triều Tiên là “hành vi nghiêm trọng phá vỡ những kỳ vọng của cộng đồng quốc tế” đối với quốc gia bất hảo này. Ông nhấn mạnh: “Lập trường của chúng tôi rất rõ ràng: rằng vụ phóng tên lửa đạn đạo tầm
ngắn của Triều Tiên rõ ràng đã vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc”.
Những tuyên bố của các nhà lãnh đạo nước ngoài dường như không có sự sắp đặt, nhưng chúng cho thấy các nhà lãnh đạo ngày càng thoải mái hơn trong việc “tấn công” - dù yếu ớt - nhà lãnh đạo Mỹ, người thích được tán dương và ca tụng ở bất cứ nơi nào ông đến.
Ngay cả những tin tức tích cực mà Tổng thống Trump cố đưa ra cũng có một số yếu tố gây bối rối. Trump nói với các phóng viên rằng ông đã đạt được một thỏa thuận thương mại với Nhật Bản, và thỏa thuận này sẽ được ký ngay trong tháng tới, nhưng Thủ tướng Abe cho biết ông vẫn còn nhiều việc phải làm. Tuy nhiên, thông báo của ông Trump đã nhận được sự tán thưởng từ những người nông dân Mỹ, họ cho rằng ông đã mở ra cơ hội tiếp cận một thị trường lớn ở châu Á.