Thảm thực vật trên diện tích điều tra rất phong phú về giống loài, gồm nhiều tầng khác nhau. Rừng già phát triển trên địa hình núi cao gồm nhiều loại gỗ quý như: pơmu, lim xanh, táu mật, đinh hương, kiền kiền, săng lẻ...; vùng núi thấp và trung bình là loại rừng rậm gồm: nứa, giang, tre, mét, mây... Nhìn chung thảm thực vật trong vùng tạo độ che phủ khá lớn; tuy nhiên những năm gần đây, diện tích rừng đang bị giảm mạnh tới mức báo động. Hầu hết các khu rừng già tự nhiên đã bị chặt phá bừa bãi để khai thác gỗ và làm nương rẫy, độ che phủ chỉ còn dưới 50%. Rừng nguyên sinh chỉ còn lại khoảng vài ba trăm km2 ở quanh các triền núi cao giáp biên giới Việt- Lào hoặc ở trong các vườn Quốc gia Pù Mát. Phần lớn diện tích còn lại chỉ là lau lách hoặc cây thân gỗ nhỏ, lớp phủ thực vật mỏng, nhiều nơi bị trơ trụi. Thảm thực vật suy giảm làm cho khả năng giữ nước và cung cấp nước của vỏ phong hoá bị giảm sút và các hiện tượng xói mòn xảy ra mạnh mẽ ở nhiều nơi.
Theo số liệu thu thập tại Chi cục Bảo vệ rừng Nghệ An, độ che phủ rừng của tỉnh Nghệ An qua các năm từ 2008-2011 được tổng hợp như trong Bảng 8.
Bảng 8: Tỷ lệ độ che phủ rừng của tỉnh Nghệ An qua các năm từ 2008-2011.
TT Năm Rừng tự nhiên (ha) Rừng trồng (ha) Tổng số (ha) Độ che phủ (%) 1 2008 737.692 118.815 856.507 51,9 2 2009 737.628 128.151 865.779 52,5 3 2010 737.628 128.151 865.779 52,5 4 2011 738.211 138.257 876.468 53,2
Qua 4 năm độ che phủ rừng của tỉnh tăng lên nhưng không đáng kể và tăng được nhờ vào trồng rừng, còn rừng tự nhiên thì tăng không đáng kể và độ che phủ rừng của các huyện vùng núi thấp hơn các huyện khác.
Tỷ lệ phân bố các loại thảm phủ trên diện tích điều tra tỉnh Nghệ An được thống kê trong Bảng 9.
Bảng 9: Phân bố các loại thảm phủ tỉnh Nghệ An.
Loại lớp phủ thực vật Diện tích (km2) Tỷ lệ (%)
Rừng giàu, trung bình 954 12,7
Rừng nghèo, rừng phục hồi, rừng hỗn giao, rừng tre nứa
2.684 35,3
Rừng trông cây công nghiệp 116 1,5
Đất ngoài nông nghiệp 1.147 15,1
Đất trống 2.611 34,2
Mặt nước 77 1,0