Đặc điểm dịch tễ, lâm sàng, cận lâm sàng của BPMK

Một phần của tài liệu ĐẶC điểm lâm SÀNG và cận lâm SÀNG của BỆNH PHỔI mô kẽ ở NGƯỜI TRƯỞNG THÀNH (Trang 79 - 94)

4.1.1.Đặc điểm dịch tễ

*Tỷ lệ BPMK nhập viện tại khoa Nội Phổi Bệnh viện Chợ Rẫy

Trong thời gian 8 tháng, mẫu nghiên cứu của chúng tôi có 30 ca được chẩn đoán là BPMK trong tổng số 3382 ca nhập khoa Nội Phổi Bệnh viện Chợ Rẫy trong cùng thời gian, chiếm tỷ lệ 0,887%.

Tỷ lệ này cao hơn so với nghiên cứu của tác giả Nguyễn Thị Nhân Mỹ tiến hành ở trẻ em trong 2 năm tại BVNĐ2 với 0,17% và cũng cao hơn so với nghiên cứu của tác giả Trần Thị Thùy Dung cũng tiến hành ở trẻ em trong 6 năm tại BVNĐ1 với 0,07%. Nghiên cứu của chúng tôi cũng cao hơn nghiên cứu tại Pháp của tác giả Duchemann B. với 97,9/100.000 [23], hay nghiên cứu tại Hy Lạp của tác giả Karakatsani A. với 17,3/100.000 [33].

*Phân bố theo tuổi

Trong nghiên cứu của chúng tôi, tuổi trung bình của bệnh nhân là 54,3 ± 16,66 tuổi, nhỏ nhất là 25 tuổi và lớn nhất là 88 tuổi. kết quả này cũng tương tự với nghiên cứu tại Miền nam Ấn Độ của tác giả Valappil A. T. là 55 tuổi [65]. Hay cũng tương tự nghiên cứu đa trung tâm trong 3 năm với 1084 bệnh nhân của tác giả Singh S. cũng thực hiện tại Ấn Độ là 55,3 tuổi [59]. Tuy nhiên, trong nghiên cứu tại Ai Cập của tác giả Abouyoussef A. thì có tuổi trung bình là 45,4 tuổi, thấp hơn so với nghiên cứu của chúng tôi, sở dĩ có sự khác biệt như vậy là do tác giả lấy mẫu từ 8 tuổi trở lên, còn nghiên cứu của chúng tôi chỉ lấy mẫu từ 18 tuổi trở lên [7].

Nhóm tuổi từ 51-70 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất trong nghiên cứu của chúng tôi với 40,0%, xếp thứ 2 là nhóm tuổi từ 31 đến 50 chiếm tỷ lệ 33,3%, ít hơn là nhóm tuổi trên 70 với tỷ lệ 16,7% và cuối cùng là nhóm tuổi từ 18-30 chiếm tỷ lệ 10,0% kết quả

này của chúng tôi cũng gần tương đương với nghiên cứu trên 129 bệnh nhân của tác giả Valappil A. T. với tỷ lệ các nhóm tuối dưới 30, 31-50, 51- 70 và trên 70 lần lượt là 5,4%, 32,6%, 47,3% và 14,6% [65].

*Phân bố theo giới

Trong nghiên cứu của chúng tôi, nữ giới có xu hướng mắc bệnh cao hơn nam giới với tỷ lệ giới nữ 56,7% và tỷ lệ nam và nữ là 1/1,3. Tỷ lệ này tương tự với một số nghiên cứu thực hiện tại Ấn Độ như nghiên cứu đa trung tâm của tác giả Singh S. là 53,8% [59], nghiên cứu của tác giả Dhooria S. với 803 bệnh nhân cho tỷ lệ nữ là 50,2% [22], và trong nghiên cứu của tác giả Valappil A. T. với 129 bệnh nhân cũng cho thấy tỷ lệ giới nữ 64,3% [65]. Trong nghiên cứu của tác giả Abouyoussef A. với 100 bệnh nhân được thực hiện tại Ai Cập thì cũng cho thấy sự ưu thế của giới nữ mắc BPMK, nhưng tỷ lệ trong nghiên cứu này cao hơn của chúng tôi với 72% là giới nữ. Trong nghiên cứu của chúng tôi, tỷ lệ mắc bệnh giữa nam và nữ là 1/1,3. Tỷ lệ này tương tự một số nghiên cứu ở các nước Châu Á như nghiên cứu tiến cứu của tác giả Alhamad E. H. thực hiện tại Ả Rập Saudi với 330 bệnh nhân cũng cho tỷ lệ mắc bệnh giữa nam và nữ là 1/1,37 [10], hay nghiên cứu được thực hiện tại Ai Cập của tác giả Ahmed S. tỷ lệ nam và nữ là 1/1,39. Tuy nhiên, trong một số nghiên cứu tại Châu Âu thì lại cho thấy sự ưu thế hơn của giới nam so với giới nữ mắc BPMK, như trong nghiên cứu đoàn hệ hồi cứu tại Đan Mạch của tác giả Hyldgaard C. thì tỷ lệ nam giới là 55% so với 45% của nữ giới và tỷ lệ mắc giữa nam và nữ là 1,2/1 [29], cũng tương tự trong một nghiên cứu tiến cứu đa trung tâm tiến hành 4 năm tại Bỉ với 362 bệnh nhân của tác giả Thomeer M. cho thấy tỷ lệ giữa nam và nữ là 1,3/1 [63], điều này có thể là do sự khác biệt về chủng tộc và nguyên nhân của BPMK giữa Châu Á và Châu Âu.

*Phân bố theo địa phương

Có 20,0% bệnh nhân tham gia nghiên cứu sống tại TP. HCM và 80,0% đến từ các tỉnh thành khác. Trong đó số bệnh nhân đến từ vùng Tây Nam Bộ chiếm tỷ lệ cao nhất 60,0%, tương tự trong nghiên cứu của tác giả Trần Thị Thùy Dung tiến hành ở

trẻ em tại BVNĐ1 với 16,9% bệnh nhân sống tại TP. HCM và 56,9% đến từ các tỉnh Tây Nam Bộ [3]. Điều này có thể là do sự tương đồng và đặc thù của 2 Bệnh viện Chợ Rẫy và BVNĐ1 đều là bệnh viện tuyến cuối tập trung bệnh nhân từ các tỉnh thành và tuyến trước chuyển đến.

Trong nghiên cứu của chúng tôi đa số bệnh nhân sống ở vùng nông thôn (66,7%) và ở thành thị (33,3%). Trong khi đó một số nghiên cứu của tác giả Dhooria S. thực hiện tại Ấn Độ với 803 bệnh nhân thì 72,5% sống tại thành thị [22], tương tự trong nghiên cứu của tác giả Zubairi A. tiến hành tại Pakistan với 744 bệnh nhân 91,3% là sống ở thành thị [71]. Sự khác biệt có thể là do số mẫu trong nghiên cứu của chúng tôi nhỏ và có thể do đặc thù của Bệnh viện Chợ Rẫy là bệnh viện tuyến cuối tập trung bệnh từ các tỉnh thành và bệnh từ tuyến dưới chuyển đến.

*Phân bố theo nhóm nghề nghiệp

Trong nghiên cứu của chúng tôi làm nông chiếm tỷ lệ cao nhất với 46,6%, tiếp theo là công nhân viên chức và kinh doanh tư nhân cùng có tỷ lệ là 16,7%, những ngành nghề khác chiếm 20%, kết quả này có khác biệt so với nghiên cứu tiến cứu của tác giả Dhooria S. tại Ấn Độ với làm nông 13,1%, công việc tại nhà (homemaker) chiếm tỷ lệ cao nhất với 40,3% [22]. Sự khác biệt này có thể là do trong nghiên cứu của chúng tôi phần lớn bệnh nhân tham gia sống ở nông thôn (66,7%) so với 27,5% của họ nên tỷ lệ làm nông của chúng tôi cao hơn họ.

*Phơi nhiễm

Nghiên cứu của chúng tôi ghi nhận 50,0% bệnh nhân có phơi nhiễm với các yếu tố môi trường, trong đó chiếm tỷ lệ cao nhất là khói (20,0%), ít hơn là thuốc trừ sâu (13,3%), hóa chất (13,3%), chất đốt sinh khối (biomass) (10,0%), nấm (3,3%) và chim (3,3%). Trong nghiên cứu của tác giả Valappil A. T. tại Ấn Độ thì cho thấy tỷ lệ phơi nhiễm chiếm ưu thế là chất đốt sinh khối (biomass) (18,6%), khói (17,8%) thuốc trừ sâu (3,1%), chim (2,32%), hóa chất (0,77%) [65]. Còn trong nghiên cứu của tác giả Alhamad E. tại Ả Rập Saudi thì kết quả thấp hơn chúng tôi, gồm phơi nhiễm với chim chiếm đa số 2,1%, thuốc trừ sâu 0,9%, hóa chất và máy tạo ẩm 0,3% [10],

sự khác biệt này có thể là do khác nhau về cấu trúc nghề nghiệp cũng như tập quán văn hóa sản xuất và khí hậu môi trường.

4.1.2.Đặc điểm lâm sàng *Đặc điểm tiền căn

Trong nghiên cứu của chúng tôi ghi nhận tiền căn hút thuốc lá chiếm tỷ lệ cao nhất với 40,0%. Trong nghiên cứu của tác giả Valappil A. T. tại Ấn Độ kết quả cũng gần tương đương với nghiên cứu của chúng tôi với 32,5% [65], một số nghiên cứu khác cũng được thực hiện tại Ấn Độ thì tỷ lệ hút thuốc lá đều thấp hơn nghiên cứu của chúng tôi như của tác giả Singh S. là 22,0% [59], tác giả Dhooria S. là 13,7% [22]. Sự khác biệt này có thể là do trong nghiên cứu của Ấn Độ họ lấy mẫu từ 12 tuổi trở lên thay vì 18 tuổi như chúng tôi, và sự khác biệt về tỷ lệ hút thuốc lá của hai nước mặc dù chưa có thống kê về tỷ lệ hút thuốc lá ở Việt Nam nhưng các chỉ số tỷ lệ tử vong do thuốc lá của Việt Nam đều cao hơn Ấn Độ.

Tiếp theo là tiền căn bệnh lý về Phổi chiếm 36,7% gồm BPMK (16,7%), viêm phổi (13,3%), COPD (3,3%), ung thư phổi và lao phổi cùng chiếm 3,3%. Tuy nhiên một số nghiên cứu tại Ấn Độ đều cho thấy tỷ lệ tiền sử mắc bệnh lao đều cao hơn trong nghiên cứu của chúng tôi như các tác giả Singh S. (16,2%) [59], tác giả Dhooria S. (18,4%) [22], tác giả Valappil A. T. (11,6%) [65] điều này có thể là do tỷ lệ mắc lao của Ấn Độ cao hơn Việt Nam theo dữ liệu của World Bank và có thể do số mẫu trong nghiên cứu của chúng tôi nhỏ.

Trong nghiên cứu của chúng tôi cũng ghi nhận tiền căn một số bệnh lý khác ngoài phổi trong đó chiếm tỷ lệ cao nhất là các bệnh lý về mô liên kết 33,3%, tăng huyết áp 26,7%, trào ngược dạ dày thực quản 13,3%. Nghiên cứu của tác giả Abouyoussef A. tại Ai Cập cho thấy trào ngược dạ dày thực quản nhiều hơn chúng tôi với 58,0%, bệnh mạch máu mô liên kết thì ít hơn so với chúng tôi với 10,0% và viêm gan vi rút C mạn là 4,0% [7].

Nghiên cứu của chúng tôi cũng ghi nhận tỷ lệ 20,0% có tiền căn gia đình mắc các bệnh lý về phổi gồm hen (10,0%), COPD (6,7%) và ung thư phổi (3,3%), nhưng trong

nghiên cứu của chúng tôi không ghi nhân trường hợp nào có tiền sử gia đình mắc BPMK, trong khi đó nghiên cứu của tác giả Abouyoussef A. ghi nhận 5,0% có tiền sử gia đình mắc BPMK [7].

Trong nghiên cứu của chúng tôi có 60,0% bệnh nhân có tiền căn dùng thuốc liên quan tới BPMK, trong đó chiếm tỷ lệ cao nhất là Medrol với 46,7%, điều này là do tỷ lệ bệnh nhân có tiền căn bệnh mô liên kết trong nghiên cứu của chúng tôi tới 33,3%, ngoài ra còn một số loại thuốc khác gồm Cyclophosphamide 10,0%, Azathiaprine, Hydrochlorothiazid, Isoniazid (INH) và Osimertinid cùng chiếm tỷ lệ 3,3%.

*Lý do nhập viện

Trong nghiên cứu của chúng tôi, khó thở là lý do thường gặp nhất với 60,0%, đứng hàng thứ 2 là ho với 23,3%, tiếp đến là triệu chứng sốt với 10,0%, triệu chứng mệt mỏi chiếm 6,7%. Khó thở và ho cũng là triệu chứng phổ biến nhất trong nhiều nghiên cứu khác nhau với đặc trưng tăng khi gắng sức như nghiên cứu của tác giả Singh S. với tỷ lệ ho và khó thở lần lượt là 82,2% ; 90,9% [59], của tác giả Dhooria S. với tỷ lệ 86,1% ; 76,1% [22], tác giả Valappil với tỷ lệ 78,29% ; 94,5% [65].

*Thời gian chẩn đoán

Trong nghiên cứu của chúng tôi thời gian trung bình từ lúc có triệu chứng đến khi được chẩn đoán là 1,8 ± 2,8 năm, sớm nhất là 15 ngày và dài nhất là 11 năm, nhìn chung có sự dao động lớn về thời gian từ lúc có triệu chứng đến lúc chẩn đoán tùy thuộc vào từng bệnh nhân và nhóm bệnh lý. Trong nghiên cứu hồi cứu tại Trung Quốc của tác giả Guo B. với 1945 ca cho thời gian từ lúc có triệu chứng đến lúc chẩn đoán ngắn hơn của chúng tôi với trung bình 8 tháng, ngắn nhất 3 tháng và dài nhất 25 tháng [28]. Tuy nhiên trong các nghiên cứu đến từ Ấn Độ, đều có thời gian từ lúc có triệu chứng đến khi dược chẩn đoán dài hơn chúng tôi như trong nghiên cứu của tác giả Singh S. là 4,1 ± 4,0 [59], nghiên cứu của tác giả Dhooria S. là 6 năm, sớm nhất là 3 năm và trễ nhất là 10 năm [22].

Nghiên cứu của chúng tôi ghi nhận BMI trung bình của bệnh nhân là 22,7 ± 3,3 kg/m2, thấp nhất là 18,7 kg/m2 và cao nhất là 36,2 kg/m2, trong đó 23,3% có tình trạng dư cân, 13,3% có tình trạng béo phì không ghi nhận trường hợp nào có tình trạng nhẹ cân. Trong nghiên cứu tiến cứu của tác giả Dhooria S. tại Ấn Độ với 803 bệnh nhân thì có kết quả chỉ số BMI cao hơn chúng tôi với 25,5 ± 4,6 [22].

Qua tham khám lâm sàng chúng tôi ghi nhận 98,3% có ran phổi trong đó chiếm tỷ lệ cao nhất là ran nổ với 90,0%, xếp thứ 2 là ran rít với 13,3%, ran ngáy và ran ẩm là 3,3%. Kết quả này cũng tương tự nghiên cứu tiến cứu đa trung tâm của tác giả Zubairi A. tiến hành tại Pakistan trong 3 năm với 744 bệnh nhân cho thấy ran nổ chiếm 90,6%, nhưng ran ngáy thì nhiều hơn trong nghiên cứu của chúng tôi với 11,2% [71], trong nghiên cứu của tác giả Valappil A. T. cho kết quả thấp hơn chúng tôi với ran nổ nhỏ hạt (velcro) là 81,4% [65]. Ngón tay dùi trống được ghi nhận 13,3% trong nghiên cứu của chúng tôi, còn trong nghiên cứu của các tác giả Valappil A. T. và Zubairi A. đều cho kết quả cao hơn chúng tôi với lần lượt là 28,6% [65] và 33,2% [71].

Triệu chứng lâm sàng được ghi nhận nhiều nhất trong nghiên cứu của chúng tôi là triệu chứng khó thở chiếm 90,0%, ho 83,3%. Kết quả này khá tương đồng với các nghiên cứu của các tác giả như Singh S. với khó thở 90,9%, ho 82,2% [59], tác giả Valappil A. T. với khó thở 94,5%, ho 78,29% [65]. Một số nghiên cứu khác cho kết quả hơi khác với chúng tôi với triệu chứng ho chiếm tỷ lệ cao hơn triệu chứng khó thở như nghiên cứu tại Trung Quốc của Guo B. với ho chiếm 89,4%, kho thở 54,7% [28], hay nghiên cứu của Dhooria S. tại Ấn Độ ho chiếm 86,1%, khó thở 76,1% [22]. Về mức độ khó thở thì trong nghiên cứu của chúng tôi chiêm tỷ lệ cao nhất là mức mMRC 4 với 46,7%, xếp thứ 2 là mức mMRC 3 30,0%, tiếp theo là mMRC 2 10,0%, mMRC 1 3,3%, trong nghiên cứu của Valappil A. T. thì mức mMRC 4 8,1% thấp hơn của chúng tôi, mức mMRC 3 34,1% gần tương đương với chúng tôi, mức mMRC 2 53,7% cao hơn chúng tôi và mMRC 1 3,3% [65] bằng với chúng tôi.

Trong nghiên cứu của chúng tôi ghi nhận triệu chứng đau hoặc sưng khớp chiếm tỷ lệ 43,3%, trong một số nghiên cứu tỷ lệ này dao động nhưng nhìn chung là thấp

hơn của chúng tôi như Valappil A. T. 34,1% [65], Singh S. 26,4%[65], Dhooria S. 23,9% [65].

Ngoài ra chúng tôi cũng ghi nhân trong nghiên cứu sụt cân và phát ban hoặc thay đổi ở da cùng chiếm 33,3%. Nghiên cứu của Dhooria S. cho kết quả tương đương chúng tôi với sụt cân 30,9% [22], trong nghiên cứu của Singh S. là 28,5% nhưng tỷ lệ phát ban hoặc thay đổi ở da thấp hơn chúng tôi với 9,7% [59], tương tự tỷ lệ phát ban hoặc thay đổi ở da cũng thấp hơn chúng tôi trong nghiên cứu của Valappil A. T. với 10,9% [65].

Mặt khác chúng tôi cũng ghi nhận triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản chiếm 30,0%, và triệu chứng khó nuốt chiếm 26,7%. Trong nghiên cứu của Valappil A. T. ghi nhận triệu chứng trào ngược cao hơn chúng tôi với 34,1% nhưng không ghi nhận triệu chứng khó nuốt[65], nghiên cứu của Singh S. có triệu chứng khó nuốt ít hơn là 6,3% nhưng lại không ghi nhận triệu chứng trào ngược [59].

Trong nghiên cứu của chúng tôi các triệu chứng sốt, loét miệng, phù chi dưới, bầm tím cùng chiếm 16,7%, trong nghiên cứu của Valappil A. T. sốt chỉ ghi nhận 4,7% [65]. Trong nghiên cứu của Singh S. loét miệng chiếm 4,5%, phù chi dưới 11,6%, bầm tím chỉ chiếm 1,2% [59].

Ngoài ra trong nghiên cứu chúng tôi cũng ghi nhận các triệu chứng khô mắt hoặc miệng 13,3%, đau ngực 10,0%, nhạy cảm ánh sáng và loét bàn tay 6,7%. Trong nghiên cứu của Singh S. tỷ lệ khô mắt hoặc miệng gần tương đương chúng tôi với 11,5%, đau ngực cao hơn chúng tôi với 17,6% và loét bàn tay thấp hơn chúng tôi với 1,8% [59].

*Bệnh đồng mắc

Trào ngược dạ dày thực quản là bệnh đồng mắc chiếm tỷ lệ cao nhất trong nghiên cứu của chúng tôi với 40,7%, tỷ lệ này thấp hơn của Abouyoussef A. là 58% [7], nhưng cao hơn của Zubairi A. là 26,2% [71], vị trí thứ hai trong các bệnh đồng mắc của chúng tôi là tăng huyết áp với 37,0%, tỷ lệ này thì tương đương với kết quả của tác giả Zubairi A. với 38,7% [71]. Tăng áp phổi đứng vị trí thứ ba với 25,9%, trong

đó tăng áp phổi nhẹ là 28,6%, trung bình 42,8% và nặng 28,6%, các nghiên cứu của tác giả Abouyoussef A. và Zubairi A. đều cho kết quả cao hơn chúng tôi lần lượt là 42,0% [7] và 47,7% [71].

Trong nghiên cứu của chúng tôi còn ghi nhận đái tháo đường 11,1%, COPD 7,4% nhưng trong nghiên cứu của Zubairi A. thì cho thấy tỷ lệ đái tháo đường cao hơn chúng tôi với 28,9%, tỷ lệ COPD gần tương đương chúng tôi với 6,5% [71].

Một phần của tài liệu ĐẶC điểm lâm SÀNG và cận lâm SÀNG của BỆNH PHỔI mô kẽ ở NGƯỜI TRƯỞNG THÀNH (Trang 79 - 94)