Nội dung của pháp luật thương mại điện tử

Một phần của tài liệu Pháp luật về thương mại điện tử ở việt nam (Trang 73 - 85)

3. Đánh giá tổng quan tình hình nghiên cứu của các công trình nghiên cứu liên

1.2.3. Nội dung của pháp luật thương mại điện tử

Trong giai đoạn hiện nay, thương mại điện tử đã được khẳng định là một xu thế tất yếu của hoạt động thương mại trên thế giới. Tuy nhiên, để có thể thúc đẩy sự phát triển của thương mại điện tử, đồng thời có thể bảo vệ hữu hiệu quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia giao dịch thương mại điện tử cũng như đảm bảo trật tự quản lý nhà nước về thương mại điện tử thì không thể chỉ trông chờ vào các giải pháp mang tính kinh tế, kỹ thuật mà đòi hỏi phải xác lập được hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động thương mại điện tử. Trên cơ sở khái niệm, đặc trưng của thương

mại điện tử cũng như các nội dung mà các tác giả đã đề cập ở trên thì pháp luật thương mại điện tử dưới góc độ tiếp cận của luận án bao gồm các nội dung cơ bản sau:

1.2.3.1. Nhóm các quy phạm pháp luật về thông điệp dữ liệu

Thương mại điện tử là việc tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động thương mại bằng phương tiện điện tử có kết nối Internet. Như vậy, thương mại điện tử gồm nhiều hoạt động như: Hoạt động mua bán hàng hoá hoặc dịch vụ qua phương tiện điện tử, giao nhận các nội dụng kỹ thuật số trên mạng, chuyển tiền điện tử, mua bán cổ phiếu điện tử, vận đơn điện tử, đấu giá thương mại, tài nguyên trên mạng, tiếp thị trực tiếp tới người tiêu dùng và các dịch vụ sau bán hàng. Thương mại điện tử có thể được thực hiện đối với thương mại hàng hoá (hàng tiêu dùng, các thiết bị, vật tư...), thương mại dịch vụ (dịch vụ cung cấp thông tin, dịch vụ pháp lý, tài chính...); đối với các hoạt động truyền thống (chăm sóc sức khoẻ, giáo dục...) cũng như các dịch vụ mới (các dịch vụ gia tăng trên mạng, siêu thị ảo...). Chính vì vậy, pháp luật về thông điệp dữ liệu được coi nền tảng của pháp luật thương mại điện tử. Để pháp luật thương mại điện tử có thể điều chỉnh một cách hữu hiệu các quan hệ xã hội phát sinh từ các giao dịch trong thương mại điện tử thì pháp luật về thông điệp dữ liệu cần quy định cụ thể các vấn đề sau: hình thức tồn tại của thông điệp dữ liệu; giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu (đặc biệt là giá trị chứng cứ của thông điệp dữ liệu); quy định các vấn đề liên quan đến việc khởi tạo, gửi, nhận và lưu trữ thông điệp dữ liệu (chủ thể, thời điểm, địa điểm, điều kiện cơ sở hạ tầng, công nghệ sử dụng...)

1.2.3.2. Nhóm các quy phạm pháp luật về chữ ký điện tử

Chữ ký và các hình thức thể hiện ý chí khác trong các giao dịch luôn đóng vai trò quan trọng trong thương mại nói chung và thương mại điện tử nói riêng. Việc thiết lập một quy chế pháp lý cụ thể về vấn đề này là hết sức quan trọng đối với quá trình xây dựng pháp luật về thương mại điện tử.

Nhìn chung, trong thương mại điện tử chúng ta thường thấy có hai thuật ngữ để chỉ “chữ ký” được sử dụng trong các giao dịch điện tử: chữ ký điện tử (electronic signature) và chữ ký số (digital signature). Đôi khi chúng được sử dụng hoán đổi cho nhau trong các văn bản và sách báo. Về mặt lý luận, một chữ ký trong các giao dịch

cho dù được thực hiện trên giấy hay dưới phương thức điện tử, thì trước hết phải là biểu tượng thể hiện mong muốn của các bên. Ngoài việc thể hiện mong muốn của các chủ thể, chữ ký còn thể hiện hai mục tiêu khác. Thứ nhất, nó có thể được sử dụng để xác định người ký; Thứ hai, chữ ký có thể được sử dụng làm bằng chứng cho tính toàn vẹn của một văn bản, chẳng hạn như trong một hợp đồng dài, chữ ký xuất hiện không chỉ ở trang cuối cùng, mà còn xuất hiện trong các trang trước đó - điều này có

ý nghĩa bảo đảm hợp đồng là một thể thống nhất, chống lại sự thay đổi ở bất cứ phần nào trong hợp đồng, qua đó bảo đảm tính toàn vẹn của văn bản. Đối với các giao dịch điện tử, các chức năng xác thực và bảo đảm sự toàn vẹn là vấn đề mấu chốt. Đặc biệt trong bối cảnh chúng ta tự động hoá các giao dịch điện tử và điều khiển chúng ở một khoảng cách lớn bằng các kỹ thuật công nghệ nên nó rất dễ bị sửa đổi. Chính vì vậy, việc có một cách thức bảo đảm nhận dạng người khởi tạo và sự toàn vẹn của văn bản là rất quan trọng. Khác với thương mại truyền thống – chỉ yêu cầu văn bản được ký nhằm mục đích thể hiện một người đã được xác định (trong quá trình đàm phán) đã đưa ra một lời hứa cụ thể, thì trong hoạt động của thương mại điện tử, yêu cầu xác thực dữ liệu điện tử bằng chữ ký không chỉ phục vụ chức năng này, mà còn nhằm mục đích nhận dạng người đưa ra lời hứa trong thông điệp điện tử. Chức năng bổ sung này rất quan trọng bởi có rất ít cách thức khác có thể xác định nguồn gốc của một thông điệp dữ liệu.

Trong khi đa số các trường hợp chữ ký tay chỉ phục vụ để xác định ý chí của người ký, thì chữ ký trong giao địch điện tử phải thực hiện ba chức năng: xác định người khởi tạo thông điệp dữ liệu, xác định ý chí của người khởi tạo (được ràng buộc bởi các nội dung của giao dịch) và bảo đảm sự toàn vẹn của thông điệp dữ liệu được ký.

Như vậy, chữ ký điện tử là một yếu tố quan trọng trong các giao dịch thương mại điện tử bởi vì nó không chỉ giúp xác định chủ thể tham gia giao dịch mà còn giúp cho việc xác thực ý chí của chủ thể đó đối với các giao dịch cũng như bảo đảm tính toàn vẹn về nội dung của giao dịch. Do đó, pháp luật về chữ ký điện tử trong thương mại điện tử cần có quy định rõ ràng về điều kiện bảo đảm an toàn cho chữ ký điện tử;

nguyên tắc sử dụng chữ ký điện tử; giá trị pháp lý của chữ ký điện tử và chứng thực chữ ký điện tử.

1.2.3.3. Nhóm các quy phạm pháp luật về hợp đồng điện tử

Trong thương mại nói chung và trong thương mại điện tử nói riêng, hợp đồng là một quan hệ pháp luật phổ biến, là hình thức pháp lý của các giao dịch giữa các chủ thể. Hợp đồng điện tử trong thương mại điện tử cũng là một loại hợp đồng trong lĩnh vực thương mại nên hợp đồng điện tử cũng có bản chất là sự tự nguyện bày tỏ ý chí và thống nhất ý chí giữa các bên chủ thể nhằm xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt các quyền và nghĩa vụ pháp lý của các chủ thể đối với nhau trong các giao dịch thương mại điện tử. Do đó, mối quan hệ giữa pháp luật hợp đồng điện tử với pháp luật về hợp đồng thương mại cũng tương tự như mối quan hệ giữa pháp luật thương mại điện tử và pháp luật thương mại truyền thống. Chính vì vậy, pháp luật hợp đồng điện tử cần được xây dựng với tư cách là một bộ phận của pháp luật hợp đồng thương mại nói chung và chỉ cần tập trung điều chỉnh vào các đặc điểm khác biệt giữa hợp đồng điện tử trong thương mại điện tử với hợp đồng thương mại nói chung. Xuất phát từ các đặc trưng của thương mại điện tử so với thương mại truyền thống mà pháp luật hợp đồng điện tử trong thương mại điện tử cần quy định cụ thể các vấn đề sau:

- Thứ nhất, giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử.

Trong hợp đồng thương mại, nguyên tắc tự do, tự nguyện không chỉ nêu rõ việc các bên chủ thể có quyền tự do bày tỏ ý chí và thống nhất ý chí nhằm xác lập nội dung của quan hệ hợp đồng mà còn thể hiện các bên chủ thể có quyền thỏa thuận với nhau để lựa chọn hình thức của hợp đồng (không trái quy định của pháp luật). Tuy nhiên, pháp luật về hợp đồng thương mại hiện nay đều quy định các trường hợp mà hợp đồng phải được giao kết theo hình thức văn bản hoặc văn bản có sự xác nhận của cơ quan có thẩm quyền. Như vậy, pháp luật hợp đồng điện tử trong thương mại điện tử cần quy định rõ hợp đồng điện tử có giá trị pháp lý tương đương với hợp đồng bằng văn bản hay hợp đồng bằng văn bản có sự xác nhận của cơ quan có thẩm quyền. Trong trường hợp pháp luật về hợp đồng điện tử quy định hợp đồng điện tử có giá trị pháp lý như hợp đồng bằng văn bản thì cần quy định thêm trình tự thủ tục xác nhận

của cơ quan có thẩm quyền vào hợp đồng điện tử (trong trường hợp pháp luật quy định hợp đồng phải có chứng thực, chứng nhận). Ngoài ra, vấn đề bản gốc của hợp đồng cũng cần được pháp luật về hợp đồng điện tử trong thương mại điện tử làm sáng tỏ. Nếu trong hợp đồng thương mại truyền thống, thường có nội dung ghi rõ hợp đồng được lập thành mấy bản (các bản có giá trị pháp lý như nhau) và đây là bản gốc của hợp đồng thương mại truyền thống. Bản gốc của hợp đồng thương mại truyền thống thể hiện tính xác thực, sự toàn vẹn của nội dung giao dịch, xác định chủ thể của giao dịch cũng như ý chí của các bên chủ thể với nội dung giao dịch. Đối với hợp đồng điện tử trong thương mại điện tử việc xác định bản gốc của hợp đồng không phải lúc nào cũng dễ dàng bởi vì hợp đồng điện tử được tồn tại dưới dạng thông điệp dữ liệu trong môi trường ảo nên bất kỳ người nào cũng có thể dễ dàng tạo ra một bản sao (copy) có nội dung và hình thức không thể phân biệt được với bản gốc. Do đó, bên cạnh việc xác định giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử trong thương mại điện tử thì pháp luật về hợp đồng điện tử cần có các quy định cụ thể để xác định bản gốc của hợp đồng điện tử trong thương mại điện tử.

- Thứ hai, yếu tố thỏa thuận trong hợp đồng điện tử.

Trong hợp đồng thương mại nói chung và hợp đồng điện tử trong thương mại điện tử nói riêng thì yếu tố thỏa thuận luôn được coi là yếu tố nền tảng. Nếu trong thương mại truyền thống, yếu tố thỏa thuận được xác định thông thông qua nội dung mà các bên chủ thể trực tiếp thỏa thuận với nhau hoặc nội dung của các tài liệu mà các bên chủ thể gửi cho nhau (thỏa thuận gián tiếp) thì đối với hợp đồng điện tử trong thương mại điện tử, yếu tố thỏa thuận lại phụ thuộc vào hình thức của các giao dịch trong thương mại điện tử. Chẳng hạn như: nếu giao dịch thông qua thư điện tử (email) hoặc các mạng xã hội (social network) thì yếu tố thỏa thuận được xác định thông qua nội dung trao đổi giữa các chủ thể; nhưng đối với các giao dịch thông qua trang web thì yếu tố thỏa thuận có thể chỉ được xác định thông hành động kích chuột trên trang web đó; còn đối với hình thức trao đổi dữ liệu điện tử (Electronic Data Interchange – EDI) thì yếu tố thỏa thuận được xác định căn cứ vào nội dung và cấu trúc của dữ liệu. Do đó, pháp luật hợp đồng điện tử trong thương mại điện tử cần có sự quy định cụ

thể về yếu tố thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với các hình thức giao dịch cụ thể trong thương mại điện tử.

- Thứ ba, nội dung của hợp đồng điện tử.

Nội dung của hợp đồng thương mại nói chung và hợp đồng điện tử trong thương mại điện tử nói riêng có vai trò đặc biệt quan trọng bởi vì nội dung của một quan hệ hợp đồng phản ánh các quyền và nghĩa vụ pháp lý của các bên chủ thể đối với nhau. Trong hợp đồng thương mại truyền thống, nội dung của một quan hệ hợp đồng thường được theo dõi khá dễ dàng bởi vì nội dung của quan hệ hợp đồng được trình bày liên tục (nếu nội dung của hợp đồng được trình bày trong nhiều trang giấy thì được trình bày trong các trang liên tiếp nhau và được đánh số trang từ một cho đến hết) nhưng đối với hợp đồng điện tử trong thương mại điện tử thì các nội dung trong một quan hệ hợp đồng có thể ở nhiều vị trí khác nhau trong một trang web (có thể nằm trên cùng một trang nhưng ở các vị trí khác nhau, nhưng cũng có thể ở các trang khác nhau, thậm chí là ở các mục khác nhau trong một trang web) nên sẽ gây ra những khó khăn cho việc bao quát lại toàn bộ nội dung của hợp đồng điện tử. Do đó, pháp luật về hợp đồng điện tử cần có những quy định cụ thể để tạo điều kiện cho các chủ thể dễ dàng bao quát được toàn bộ nội dung của hợp đồng trước khi chuyển cho đối tác. Ngoài ra, do tính chất gián tiếp của các giao dịch trong thương mại điện tử mà pháp luật về hợp đồng điện tử cần có các quy định cụ thể đối với hình ảnh, thông tin về đối tượng của hợp đồng nhằm bảo đảm tính chính xác và chân thực của sản phẩm. Đặc biệt nếu sản phẩm có những thông tin mang tính chất cảnh báo thì các thông tin này cần được trình bày hợp lý (vị trí trình bày, cỡ chữ, màu sắc...). Hợp đồng điện tử trong thương mại điện tử thường được giao kết trực tuyến nên do ảnh hưởng của yếu tố tâm lý, thời gian cũng như kỹ năng và kiến thức về công nghệ thông tin sẽ làm cho nội dung của hợp đồng điện tử có thể phát sinh những sai sót nhất định. Chính vì vậy, trong nội dung của hợp đồng điện tử cần có điều khoản quy định cụ thể về cách thức và thời hạn sửa chữa các sai sót, nhầm lẫn trong quá trình giao kết hợp đồng điện tử.

- Thứ tư, thời điểm và địa điểm giao kết hợp đồng điện tử.

Đối với hợp đồng thương mại truyền thống thì yếu tố thời điểm và địa điểm giao kết hợp đồng được thông qua thời gian, địa điểm mà các bên chủ thể trực tiếp bàn bạc, thỏa thuận và thống nhất hợp đồng hoặc thông thời gian, địa điểm mà các bên chủ thể gửi cho nhau các tài liệu giao dịch thì đối với hợp đồng điện tử trong thương mại điện tử, việc xác định thời điểm và địa điểm giao kết hợp đồng không phải lúc nào cũng dễ dàng bởi vì việc ký kết hợp đồng điện tử được thực hiện thông qua môi trường ảo và các bên chủ thể có thể gửi thư điện tử, đăng nhập mạng xã hội, truy cập trang web ở bất cứ nơi nào có kết nối Internet. Chính vì vậy, pháp luật hợp đồng điện tử trong thương mại điện tử cần có quy định cụ thể về việc xác định thời điểm và địa điểm giao kết hợp đồng điện tử. Yếu tố thời điểm và địa điểm hình thành hợp đồng cần được quy định là một trong các nội dung của hợp đồng điện tử. Ngoài ra, để tạo điều kiện thuận lợi cho các bên chủ thể trong quá trình giao kết hợp đồng thì thời gian và địa điểm truy cập của các chủ thể cũng cần được hiện thị rõ ràng và được thể hiện trong nội dung của hợp đồng điện tử.

1.2.3.4. Nhóm các quy phạm pháp luật về thanh toán điện tử

Hiện nay, hoạt động thanh toán trong thương mại điện tử được thực hiện bằng tiền mặt và thanh toán điện tử. Bởi vì thanh toán bằng tiền mặt trong thương mại điện tử cũng tương tự như thanh toán trong thương mại truyền thống, nên pháp luật về thanh toán trong thương mại điện tử cần tập trung quy định các vấn đề liên quan đến thanh toán điện tử. Thanh toán điện tử là việc thanh toán dựa trên nền tảng công nghệ thông tin, trong đó sử dụng máy tính nối Internet để truyền các thông điệp dữ liệu, chứng từ điện tử giúp cho quá trình thanh toán nhanh chóng, an toàn và hiệu quả. Thực tiễn phát triển thương mại điện tử trên thế giới cũng như ở Việt Nam đã chứng minh hoạt động thanh toán trong thương mại điện tử được coi là một trong các nhân tố then chốt cho sự phát triển của thương mại điện tử. Do đó, để có thể thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của

Một phần của tài liệu Pháp luật về thương mại điện tử ở việt nam (Trang 73 - 85)