Tinh thần yêu nước đã trở thành truyền thống đấu tranh bất khuất trong lịch sử dân tộc, có vai trò hết sức to lớn trong cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm, trong các phong trào cách mạng Việt Nam. Từ thuở ban sơ, có thể thấy, các cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Bí,… trải dài cho đến các phong trào đấu tranh trước năm 1930 như là khởi nghĩa Trương Định, Thủ Khoa Huân, Nguyễn Trung Trực,... Đúng vậy, “Ở đâu có áp bức, ở đó có đấu tranh”. Các phong trào yêu nước đã được hình thành từ rất lâu và phát triển giúp dân tộc Việt Nam chiến thắng một ngàn năm Bắc thuộc. Không những thế, khi xã tắc, nhân dân lại một lần nữa rơi vào tay của giặt Tây, các phong trào yêu nước vẫn diễn ra với một mục tiêu duy nhất là giành lại độc lập.
Dĩ nhiên, khi chưa thể tiếp cận với nguồn tri thức của chủ nghĩa Mác-Lênin, phong trào yêu nước của nhân dân ta vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX còn mang khuynh hướng phong kiến và tư sản.
Đối với khuynh hướng phong kiến, có thể kể đến phong trào Cần Vương (1885-1896) của vua Hàm Nghi, khởi nghĩa Yên Thế (1884-1913) của Hoàng Hoa Thám. Giai đoạn chiến tranh thế giới thứ I (1914-1919), các cuộc khởi nghĩa võ trang chống Pháp của Việt Nam vẫn tiếp tục được diễn ra nhưng đều thất bại. Sự không thành công của phong trào đã chứng tỏ giai cấp phong kiến và hệ tư tưởng phong kiến không đủ điều kiện để lãnh đạo phong trào yêu nước giải quyết thành công nhiệm vụ dân tộc ở Việt Nam.
Đối với khuynh hướng dân chủ tư sản, có thể kể đến phong trào Đông Du (1906-1908) của Phan Bội Châu, sự cải cách tư tưởng của Phan Chu Trinh, phong trào Đông kinh nghĩa thục (1907) của Lương Văn Can. Những đối tượng tham gia lãnh đạo trên là tầng lớp sĩ phu tiến bộ chịu ảnh hưởng của tư tưởng dân chủ tư sản. Về mặt phương pháp, tầng lớp sĩ phu lãnh đạo phong trào chia ra làm hai xu hướng. Một bộ phận chủ trượng đánh đuổi thực dân Pháp giành lại độc lập dân tộc, khôi phục chủ quyền quốc gia bằng biện pháp bạo động. Một bộ phận khác lại cải cách và cho rằng đây là giải pháp tiến tới khôi phục độc lập.