LIÊN HỆ THỰC TIỄN TRONG CÁCH MẠNG VIỆT NAM

Một phần của tài liệu Tiểu luận cao học tác phẩm kinh điển quan điểm của hồ chí minh về cách mạng giải phóng dân tộc trong tác phẩm đường kách mệnh, liên hệ thực tiễn trong cách mạng việt nam (Trang 32 - 38)

Chúng ta học được gì qua việc nghiên cứu hình thức và nội dung mà Nguyễn Ái Quốc đã sử dụng trong Đường Kách Mệnh để vận dụng vào việc tuyên truyền chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và việc xây dựng, tuyên truyền nghị quyết, đường lối, chủ trương của Đảng trong điều kiện hiện nay?

Một là, phải hiểu đầy đủ và nắm vững thực chất nội dung học thuyết,

tư tưởng, chủ trương được tuyên truyền. Chỉ có trên cơ sở đó mới truyền bá chính xác, đúng đắn và hiệu quả nội dung của nó và tìm ra được những hình thức đáp ứng yêu cầu biến những vấn đề phức tạp thành vắn tắt, dễ hiểu, dễ nhớ và chắc chắn được. Chủ nghĩa Mác- Lênin được Nguyễn Ái Quốc hóa chính là một biểu hiện nắm vững thực chất lý luận Mác- Lênin của Người và do đó đã đáp ứng yêu cầu đã đề ra về nội dung và hình thức thể hiện. Đây là vấn đề cốt lõi nhất.

Hai là, nắm vững thực chất nội dung lý luận phải gắn với hiểu biết

chính xác thực tiễn với sự vận động không ngừng của nó trong những hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Thực tiễn này không chỉ là hoàn cảnh lịch sử, mà bao gồm cả những đòi hỏi cấp thiết cũng như lâu dài cũng như trình độ của nhân dân, để từ đó lựa chọn và bắt đầu tiến hành với những nội dung căn bản nào của vấn đề định tuyên truyền cho phù hợp với thực tiễn của đất nước, đồng thời đáp ứng yêu cầu vắn tắt, dễ hiểu, dễ nhớ và chắc chắn về nội dung. Đây là vấn đề vận dụng tư tưởng, lý luận một cách đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với đặc điểm của nước mình thể hiện trong nội dung tuyên truyền. Tư tưởng, lý luận có đi vào cuộc sống hay không lại phụ thuộc vào vấn đề này.

Ba là, phương thức thể hiện phải tạo ra sự chủ động và phát huy khả

năng tự nhận thức, tự lựa chọn và sáng tạo cho cả người tuyên truyền và người được tuyên truyền, không thụ động trước những quan điểm đã được minh chứng chủ quan và xác định sẵn về sự đúng đắn của nó. Đem lịch sử các nước làm gương cho chúng ta soi trong Đường Kách Mệnh mà Nguyễn Ái Quốc sử dụng chính là trên ý nghĩa đó. Điều này làm tăng thêm niềm tin khi đối tượng tự nhận thức về sự đúng đắn của lý luận thông qua thực chứng lịch sử. Lý luận có được thực hiện bằng hành động tự giác và được tiếp tục phát triển hay không là phụ thuộc vào phương thức truyền bá này.

Nắm vững thực chất tư tưởng, lý luận, thực tiễn và với một phương pháp đúng để biến những luận giải phức tạp của tư tưởng, lý luận thành những vấn đề vắn tắt, dễ nhớ, dễ hiểu, chắc chắn là bí quyết thắng lợi của Hồ Chí Minh trong tuyên truyền cách mạng.

Người đã để lại một kiểu mẫu về công tác tổ chức, truyền bá lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin một cách sáng tạo, hiệu quả, độc đáo phù hợp với điều kiện lịch sử đương thời và cả hiện nay; gắn công tác tuyên truyền với công tác tổ chức, công tác chính sách trong đấu tranh, truyền bá lý luận hiện nay.

Nghiên cứu tác phẩm giúp chúng ta kiên định với con đường đổi mới và quyết tâm đưa sự nghiệp đổi mới nước ta đi đến thành công.

Những thành tựu của hơn 30 năm đổi mới đã khẳng định tính đúng đắn về sự lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, khẳng định bản lĩnh và trí tuệ của Đảng ta. Không chỉ nhân dân ta cảm nhận được điều đó, mà cả các quốc gia và các tổ chức quốc tế cũng thừa nhận. Trong đó, không chỉ có các bạn bè truyền thống mà cả những người bạn mới của Việt Nam. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI tiếp tục công cuộc đổi mới, khẳng định tính đúng đắn về sự lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Thời gian qua, có nhiều ý kiến tâm huyết với Đảng khẳng định sự đồng thuận cao về việc lựa chọn con đường và mục tiêu của cách mạng Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những tấm lòng thiết tha với Đảng và vận mệnh của dân tộc, đây đó vẫn có tiếng nói lạc điệu, đòi xét lại con đường phát triển của dân tộc. Họ lớn tiếng bác bỏ sự lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của dân tộc ta. Nào là "Chủ nghĩa Mác-LêNin đã hết vai trò lịch sử…, việc đưa học thuyết đó vào Việt Nam là một sai lầm, chỉ đưa đến tai họa", nào là "Đảng Cộng sản Việt Nam đã lựa chọn sai con đường…, đi lên chủ nghĩa xã hội là đưa dân tộc vào chỗ chết" và đó là "sự sai lầm của lịch sử…, cần lựa chọn lại con đường phát triển của dân tộc" v.v. và v.v… Vậy thực chất của vấn đề là gì và đâu là chân lý?

Cần khẳng định rằng, những quan điểm trên là sai trái, thể hiện thái độ thù địch với cách mạng Việt Nam. Tính chất sai trái đó thể hiện ở cả mặt lịch sử và lôgíc. Điểm lại lịch sử dân tộc từ khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam đến trước lúc Đảng ra đời tất cả các phong trào yêu nước đều đi đến thất bại. Sự thất bại của tất cả các phong trào yêu nước trên đều bắt nguồn từ một nguyên nhân khách quan - thiếu một đường lối cách mạng đúng đắn dẫn dắt. Chỉ đến khi Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đường đi tìm đường cứu nước bắt gặp chủ nghĩa Mác - Lê Nin, tìm thấy ở đó con đường để giải phóng dân tộc, và sau đó tích cực truyền bá học thuyết vĩ đại đó vào phong trào công nhân, phong trào yêu nước, dẫn đến sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, chính thức đảm đương sứ mệnh lịch sử lãnh đạo cách mạng Việt Nam, thì phong trào cứu nước ở Việt Nam mới chấm dứt cuộc khủng hoảng về đường lối, cách mạng Việt Nam mới thực sự được một Đảng chính trị chân chính với một đường lối cứu nước thực sự cách mạng và khoa học dẫn dắt. Đảng đã đưa phong trào giải phóng dân tộc ở Việt Nam vào quỹ đạo của cách mạng vô sản thế giới, đảm bảo đi đến thắng lợi cuối cùng

Xét vấn đề từ góc độ lý luận, chúng ta cũng thấy vấn đề bộc lộ ra hết sức rõ ràng. Sự lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa của dân tộc Việt Nam là sự lựa chọn duy nhất đúng. Trong thập kỷ cuối cùng của thế kỷ XX, khi chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, chớp lấy cơ hội này, các thế lực chống chủ nghĩa xã hội đã lớn tiếng bác bỏ học thuyết Mác - Lê Nin về hình thái kinh tế - xã hội. Sự bác bỏ đó đồng nghĩa với sự phủ định con đường phát triển xã hội chủ nghĩa của các dân tộc. Họ coi sự tan rã của Liên Xô và Đông Âu là hồi chuông cảnh báo về sự cáo chung của chủ nghĩa xã hội. Song thực tiễn công cuộc cải cách và đổi mới ở các nước xã hội chủ nghĩa còn lại thời gian qua cho thấy, đó chỉ là sự sụp đổ của một kiểu mô hình của chủ nghĩa xã hội. Sự sụp đổ đó không hề nói lên tính lỗi thời của học thuyết Mác - Lê Nin về hình thái kinh tế-xã hội mà đến nay chưa có học thuyết nào thay thế được.

Còn về sự lựa chọn con đường "quá độ rút ngắn", bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa để đi lên chủ nghĩa xã hội, phải chăng chúng ta cũng đã sai lầm? Cần thấy rằng, trong lịch sử phát triển nhân loại, việc bỏ qua một hình thái kinh tế - xã hội để đi đến một hình thái kinh tế - xã hội cao hơn không phải là không có tiền lệ. Do đó, việc chúng ta bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa để xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa không phải là điều không thể làm được. Đây chính là sự vận dụng tư tưởng của C.Mác "có thể rút ngắn và giảm bớt những cơn đau đẻ" trong quá trình phát triển của mỗi quốc gia. Để khắc phục điều mà C.Mác đã chỉ ra là "chúng ta không chỉ đau khổ vì nền sản xuất tư bản chủ nghĩa mà còn đau khổ vì nó chưa phát triển đầy đủ", trong bối cảnh quốc tế hiện nay, việc thực hiện tư tưởng của V.I.Lê-nin về sử dụng chủ nghĩa tư bản nhà nước, thực hiện chính sách mở cửa và hội nhập, mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại, gọi vốn FDI, tiếp nhận sự chuyển giao và tìm cách nội sinh hoá các công nghệ ngoại nhập… đó là lời giải cho bài toán "thực hiện sự quá độ lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa". Sự hội nhập của Việt Nam vào đời sống kinh tế quốc tế và khu vực với khẩu hiệu "Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển" đã và đang cho phép chúng ta phát huy tốt nội lực, tranh thủ khai thác và nội sinh hoá các nguồn ngoại lực, giúp dân tộc ta vượt qua những thách đố của thời cuộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để phát triển. Đây chính là chìa khoá cho phép chúng ta thực hiện thành công sự "quá độ bỏ qua", phá bỏ hàng rào cấm vận, tạo được lòng tin, xoá bỏ sự nghi kỵ, đổi mới đất nước, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa để tiếp tục phát triển. Làm được những điều kỳ diệu đó vì dân tộc ta có truyền thống yêu nước, kiên cường chống ngoại xâm, yêu lao động, cần cù, thông minh và sáng tạo, trọng đạo nghĩa, có lòng khoan dung, biết sống hoà hiếu… nên đã tạo được sự tin cậy trong lòng bè bạn. Cả truyền thống và thực tiễn sinh động của 30 năm đổi mới cho phép chúng ta khẳng định điều đó.

Khẳng định những thành tựu, song chúng ta không phủ nhận là đã có những lúc phạm sai lầm, khuyết điểm và đó cũng là điều hết sức tự nhiên. Bởi lẽ, chủ nghĩa xã hội là một công trình thử nghiệm xã hội vĩ đại, nó giống như bất kỳ một công trình khoa học vĩ đại nào, không thể một lần là thành công. Hơn nữa, công trình xã hội vĩ đại đó lại diễn ra ở một quốc gia nông nghiệp mang nặng những dấu ấn đặc thù của "phương thức sản xuất châu Á" - nơi tồn tại dai dẳng những đặc trưng cơ bản và sự tồn tại của mô hình công xã nông thôn với sự trì trệ, kém phát triển về lực lượng sản xuất, cùng những quan hệ sản xuất công xã khép kín. Với một cơ sở kinh tế như vậy, khi quá độ lên chủ nghĩa xã hội tất sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Song những điều đó không phải là trở ngại không thể vượt qua để xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa trên đất nước ta.

Cách mạng Việt Nam được dẫn dắt bởi một Đảng mác-xít chân chính, một Đảng "ngoài lợi ích của giai cấp và dân tộc không có lợi ích nào khác", toàn tâm, toàn ý phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Một Đảng biết cách phát động chủ nghĩa yêu nước của cả dân tộc, khơi dậy chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chiến đấu và trong xây dựng, song cũng biết "tự chỉ trích" - sửa chữa sai lầm, khuyết điểm,"dám nhìn thẳng vào sự thật", kịp thời đề ra đường lối đổi mới, tạo bước ngoặt trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, từng bước đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng, tiếp tục phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa đã lựa chọn.

C. KẾT LUẬN

Tác phẩm “Đường cách mệnh” ra đời lúc bấy giờ đã góp phần to lớn vào việc truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên, vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước một cách sáng tạo, đúng đắn, kịp thời và có hiệu quả, tạo tiền đề cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tác phẩm đã chỉ rõ những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, chấm dứt thời kỳ khủng hoảng về đường lối của cách mạng Việt Nam; nâng phong trào đấu tranh cuả công nhân và phong trào yêu nước phát triển lên một trình độ mới - đấu tranh tự giác; góp phần tạo nên thắng của cách mạng Tháng Tám năm 1945 và công cuộc xây dựng nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Những tư tưởng trong tác phẩm đã góp phần giáo dục, đào tạo một thế hệ cán bộ cách mạng đầu tiên của Đảng-những hạt giống đỏ đầu tiên để nhân lên một đội ngũ cán bộ Đảng, Nhà nước hùng hậu sau này.

Đây là tác phẩm lý luận, trở thành “cẩm nang” không chỉ của phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam xây dựng chế độ xã hội mới mà còn là lý luận chỉ đạo cả phong trào giải phóng dân tộc của các nước thuộc địa trên thế giới.

Đến nay, những nội dung lý luận trong tác phẩm Đường cách mệnh vẫn còn giữ nguyên giá trị, nhiều vấn đề lý luận được Người đề cập cách đây 80 năm vẫn có ý nghĩa thời sự ( như vấn đề tư các người cách mạng; vấn đề xây dựng đảng cầm quyền; lý luận cách mạng; Con đường cách mạng, lực lượng cách mạng).

Một phần của tài liệu Tiểu luận cao học tác phẩm kinh điển quan điểm của hồ chí minh về cách mạng giải phóng dân tộc trong tác phẩm đường kách mệnh, liên hệ thực tiễn trong cách mạng việt nam (Trang 32 - 38)