1. Quan điểm xây dựng và phát triển chương trình
- Kế thừa và phát huy truyền thống dạy học toán ở Việt Nam, tiếp cận với trình độ giáo dục toán học phổ thông của các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.
- Lựa chọn các kiến thức toán học cơ bản, cập nhật, thiết thực, có hệ thống, theo hướng tinh giản, phù hợp với trình độ nhận thức của học sinh, thể hiện tính liên môn và tích hợp các nội dung giáo dục, thể hiện vai trò công cụ của môn Toán.
- Tăng cường thực hành và vận dụng, thực hiện dạy học toán gắn với thực tiễn.
- Tạo điều kiện đẩy mạnh vận dụng các phương pháp dạy học theo hướng tích cực, chủ động, sáng tạo. Rèn luyện cho học sinh khả năng tự học, phát triển năng lực trí tuệ chung.
2. Về phương pháp dạy học
- Phương pháp dạy học toán học cần phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động của người học, hình thành và phát triển năng lực tự học, trên cơ sở đó trau dồi các phẩm chất linh hoạt, độc lập, sáng tạo của tư duy.
- Cần quán triệt định hướng đã nêu và đặc điểm của môn Toán trong việc sử dụng các phương pháp dạy học. Chú trọng rèn luyện tư duy lôgic, tư duy phê phán, tư duy sáng tạo của học sinh thông qua các hoạt động phân tích, tổng hợp, so sánh, vận dụng kiến thức lí thuyết vào giải quyết một số bài toán thực tế và một số vấn đề của môn học khác. Tăng cường vận dụng phương pháp dạy học phát hiện và giải quyết vấn đề, phương pháp dạy học hợp tác. Tuy nhiên, dù sử dụng bất kì phương pháp nào cũng phải đảm bảo được nguyên tắc là : học sinh tự mình hoàn thành nhiệm vụ nhận thức với sự tổ chức, hướng dẫn của giáo viên.
- Việc sử dụng phương pháp dạy học cần gắn chặt với các hình thức tổ chức dạy học. Tuỳ theo mục tiêu, nội dung, đối tượng và điều kiện cụ thể mà có những hình thức tổ chức thích hợp như học cá nhân, học nhóm ; học trong lớp, học ở ngoài lớp,... Cần chuẩn bị tốt về phương pháp đối với các giờ thực hành toán học để đảm bảo yêu cầu rèn luyện kĩ năng thực hành, vận dụng kiến thức toán học vào thực tiễn, nâng cao hứng thú cho người học.
- Để nâng cao tác dụng tích cực của phương pháp dạy học, cần sử dụng đủ và có hiệu quả các thiết bị dạy học có trong danh mục đã quy định, ngoài ra giáo viên và đặc biệt là học sinh có thể làm thêm các đồ dùng dạy học nếu xét thấy chúng là cần thiết với nội dung học và phù hợp với đối tượng học. Tích cực tận dụng các ưu thế của công nghệ thông tin trong dạy toán ở nhà trường.
- Dạy phương pháp học, đặc biệt là tự học. Tăng cường năng lực làm việc với sách giáo khoa và tài liệu tham khảo, rèn luyện kĩ năng tự học toán. Hết sức coi trọng việc trang bị kiến thức về các phương pháp toán học cho học sinh.
3. Về đánh giá kết quả học tập của học sinh
- Đánh giá kết quả học tập toán của học sinh cần bám sát mục tiêu dạy học môn Toán đối với từng cấp, từng lớp ; đồng thời căn cứ vào chuẩn kiến thức, kĩ năng đã quy định trong chương trình.
- Sử dụng các hình thức đánh giá đa dạng để đảm bảo độ tin cậy của kết quả. Ngoài việc kiểm tra thường xuyên hoặc định kì như kiểm tra miệng ; kiểm tra viết 15 phút, 1 tiết, cuối học kì, có thể sử dụng hình thức theo dõi và quan sát đối với từng học sinh một cách thường xuyên hoặc sau một giai đoạn nhất định về ý thức học tập toán, sự tự giác và hứng thú, sự tiến bộ trong lĩnh hội và vận dụng kiến thức, về phát triển tư duy toán học. Ngoài ra, có thể dùng hình thức phiếu hỏi học sinh với những nội dung phong phú theo ý định của giáo viên. Đổi mới hình thức kiểm tra theo hướng kết hợp giữa tự luận và trắc nghiệm khách quan theo một tỉ lệ phù hợp đối với từng loại hình kiểm tra. Việc chuẩn bị các đề kiểm tra theo yêu cầu đó cần được thực hiện một cách nghiêm túc, theo đúng quy trình nhằm đảm bảo độ tin cậy của kết quả.
- Đảm bảo việc đánh giá một cách toàn diện, không thiên về trí nhớ hoặc lí thuyết ; phải chú ý đánh giá trình độ phát triển tư duy toán học, năng lực sáng tạo trong khi học và giải toán, khả năng thực hành, ứng dụng vào các tình huống, đặc biệt là tình huống thực tế...
- Tạo điều kiện để học sinh tham gia đánh giá kết quả đạt được của người khác trong nhóm, trong lớp và tự đánh giá mình khi học tập toán. Thực hiện công khai hoá các kết quả đánh giá ; đảm bảo phát huy tác dụng điều chỉnh của hoạt động đánh giá đối với việc học toán và dạy toán của học sinh, giáo viên.
4. Về việc vận dụng chương trình theo vùng miền và các đối tượng học sinh
Việc dạy và học toán ở các vùng miền, các trường chuyên biệt được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cần đảm bảo để mọi học sinh đều đạt được chuẩn kiến thức và kĩ năng bộ môn. Những học sinh có năng khiếu về toán hoặc có nhu cầu học toán sâu hơn được khuyến khích và được tạo điều kiện để phát triển năng khiếu.