4. Nội dung và kết quả nghiên cứu
4.1 Thuế và thuế quan ảnh hưởng đến động cơ chuyển giá TPI
Để hiểu rõ hơn cơ chế chuyển thu nhập của một công ty đa quốc gia, chúng tôi xem xét thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế quan tác động như thế nào đối với giá chuyển giao báo cáo. Tác giả đưa vào mô hình biến TPI đại diện cho lợi ích từ hoạt động chuyển giá được hình thành do sự kết hợp thuế TNDN và thuế quan. Ta thấy rằng khi có sự khác biệt thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp giữa hai quốc gia sẽ tạo ra khoảng chênh lệch trong thuế suất và đó chính là lợi ích mà một công ty đa quốc gia sẽ nhận được khi tiến hành chuyển giá thành công. Dòng thu nhập sẽ di chuyển từ quốc gia đánh thuế cao sang quốc gia đánh thuế thấp. Bên cạnh việc nhận được lợi ích từ chênh lệch thuế suất, các công ty đa quốc gia còn phải nộp thuế nhập khẩu được coi như là một trong chi phí phải trả cho việc chuyển giá. Do vậy động cơ chuyển giá (TPI) sau cùng chính là lợi ích mà công ty đa quốc gia nhận được sau khi chi trả thuế quan. Công thức tổng quát cho biến TPI như sau: TPI = (tf – th) – TARf (1 – tf)
Tùy vào phương thức đánh thuế và chính sách thuế của từng quốc gia mà công thức TPI sẽ khác nhau. Có hai phương thức đánh thuế chính mà bài nghiên cứu đề cập đến: đánh thuế theo nơi tạo ra thu nhập và đánh thuế theo nơi công ty cư trú. Theo đó, đánh thuế theo nơi tạo ra thu nhập được hiểu là thu nhập của công ty đa quốc gia tạo ra ở quốc gia nào thì sẽ chịu thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp mà quốc gia đó quy định; đánh thuế theo nơi công ty cư trú tức là thu nhập bất kể tạo ra ở quốc gia nào đều chịu thuế suất mà quốc gia công ty đặt trụ sở quy định. Nếu như các công ty đặt trụ sở chính tại các quốc gia đánh thuế đánh thuế theo nơi tạo ra thu nhập hoặc tại các quốc gia đánh thuế theo nơi công ty cư trú mà có thuế suất thuế TNDN thấp hơn các
quốc gia khác thì TPI được tính theo công thức tổng quát TPI = (tf – th) – TARf (1 – tf).
Trong trường hợp quốc gia đặt trụ sở công ty mẹ đánh thuế với cùng mức thuế suất đối với thu nhập bất kể tạo ra ở trong nước hay nước ngoài hoặc các quốc gia đánh thuế suất như nhau thì các công ty đa quốc gia sẽ không có động cơ để tiến hành chuyển giá do không nhận được bất kỳ lợi ích nào trong trường hợp này. Tuy nhiên, các sản phẩm mà công ty con nhập khẩu thường là các sản phẩm trung gian cho quá trình lắp ráp, sản xuất nên dù cho không có lợi trong việc chuyển giá thì công ty mẹ bắt buộc vẫn phải xuất khẩu sang cho công ty con, từ đó phải gánh chịu một chi phí thuế quan.Vì vậy, trong trường hợp này TPI = - TARf.
Nếu như TPI dương có nghĩa là lợi ích nhận được từ chênh lệch thuế suất là dương thì khi công ty con nhập khẩu, giá chuyển giao báo cáo sẽ được điều chỉnh tăng lên cao hơn so với giá thị trường nhằm mục đích tăng thu nhập cho công ty mẹ - nơi chịu thuế suất thấp và tăng chi phí đối với công ty con – nơi chịu thuế suất cao. Nếu TPI âm, nguồn thu nhập có xu hướng chảy ngược vào công ty con, tuy nhiên do đây là hàng nhập khẩu – sản phẩm đầu vào cho quá trình sản xuất nên công ty mẹ ở nước ngoài sẽ tiến hành định giá thấp giá chuyển giao báo cáo so với giá thị trường nhằm giảm doanh thu của công ty mẹ - nơi chịu thuế suất cao và giảm chi phí cho công ty con – nơi chịu thuế suất thấp.