Đặc điểm của hoạt động nhượng quyền thương mạ

Một phần của tài liệu 8.-Luận-án-Pháp-luật-cạnh-tranh-trong-hoạt-động-nhượng-quyền-thương-mại-ở-Việt-Nam (Trang 40 - 46)

Nhượng quyền thương mại là hoạt động thương mại độc lập với các đặc điểm sau đây:

Một là, hoạt động nhượng quyền thương mại là hoạt động thương mại được thiết lập giữa các chủ thể kinh doanh chuyên nghiệp (thương nhân)

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, một trong những điều kiện tối thiểu để các bên có thể tham gia quan hệ nhượng quyền đó là phải có tư cách thương nhân. Trong đó:

Bên nhƣợng quyền là bên đã xây dựng được một thương hiệu mạnh, đã được kiểm nghiệm trên thị trường. Pháp luật các nước thường yêu cầu bên nhượng quyền phải là thương nhân, đã có thời gian hoạt động trong lĩnh vực dự định kinh doanh nhượng quyền trong một thời gian nhất định, thời gian cụ thể bao nhiêu tùy theo điều kiện, mục tiêu cũng như chính sách của mỗi nước. Quy định này được đặt ra nhằm đảm bảo hoạt động nhượng quyền thương mại có khả năng thành công cao, giảm thiểu rủi ro kinh doanh cho bên nhận quyền sau khi đã đầu tư một số tiền khá lớn (phí nhượng quyền) để được bên nhượng quyền cấp quyền thương mại. Ở Việt Nam, theo quy định tại Điều 5, Nghị định 35/2006/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động nhượng quyền thương mại, bên nhượng quyền chỉ được phép cấp quyền thương mại khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây: Thứ nhất, hệ thống kinh doanh dự định dùng để nhượng quyền đã hoạt động được ít nhất 01 năm. Nếu thương nhân Việt Nam là Bên nhận quyền sơ cấp từ Bên nhượng quyền nước ngoài, thương nhân Việt Nam đó phải kinh doanh theo phương thức nhượng quyền thương mại ít nhất 01 năm ở Việt Nam trước khi tiến hành cấp lại quyền thương mại; Thứ hai, đã đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại với cơ quan có thẩm quyền.

Bên cạnh đó, hàng hoá, dịch vụ kinh doanh phải thuộc đối tượng được phép kinh doanh nhượng quyền thương mại.

Bên nhận quyền là bên sử dụng quyền thương mại của bên nhượng quyền để kinh doanh và phải trả một khoản phí nhất định cho việc sử dụng quyền thương mại này. Điều kiện đặt ra đối với bên nhận quyền đơn giản hơn rất nhiều so với bên nhượng quyền. Hầu hết các nước trên thế giới đều quy định bên nhận quyền phải tồn tại dưới một tên thương mại riêng, có tư cách pháp lý độc lập. Theo quy định tại Điều 6 Nghị định 35/2006/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động nhượng quyền thương mại, bên nhận quyền phải là thương nhân và chỉ được phép kinh doanh dưới hình thức nhượng quyền thương mại khi có đăng ký kinh doanh phù hợp với đối tượng của quyền thương mại được chuyển nhượng theo hợp đồng nhượng quyền thương mại.

Như vậy, chủ thể tham gia hợp đồng phải là thương nhân là một trong những điều kiện tiên quyết để hợp đồng nhượng quyền thương mại có hiệu lực. Đây là khác biệt cơ bản giữa hợp đồng nhượng quyền thương mại và các hợp đồng thương mại thông thường khác. Đối với hợp đồng thương mại thông thường, chủ thể thực hiện hợp đồng có thể là những tổ chức, cá nhân không phải là thương nhân. Sự khác biệt này xuất phát từ bản chất đặc thù của hoạt động nhượng quyền thương mại, do đây là một hoạt động rất phức tạp, chứa đựng nhiều rủi ro, yêu cầu chủ thể thực hiện phải đáp ứng rất nhiều điều kiện cả về năng lực kinh doanh lẫn năng lực tài chính. Bên cạnh đó, khi đã thực hiện việc chuyển giao quyền thương mại, trước hết bên nhượng quyền phải là chủ thể đã và đang thực hiện hoạt động kinh doanh; đối với bên nhận quyền, khi tiếp nhận quyền thương mại cũng đồng nghĩa với việc thực hiện hoạt động kinh doanh nhằm tìm kiếm lợi nhuận thông qua phương thức mà bên nhượng quyền đã chuyển giao. Chính vì thế, hoạt động

nhượng quyền thương mại cần phải được thực hiện bởi các thương nhân - những chủ thể kinh doanh chuyên nghiệp trong nền kinh tế thị trường.

Hai là, đối tượng mà các bên hướng tới trong quan hệ nhượng quyền chính là “quyền thương mại”

Theo quy định của pháp luật Việt Nam tại Khoản 6 Điều 3 Nghị định 35/2006/NĐ-CP ngày 31/03/2006 quy định chi tiết Luật Thương mại về nhượng quyền thương mại, “quyền thương mại” được hiểu là một, một số hoặc toàn bộ các quyền sau đây: (i) Quyền được bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành công việc kinh doanh cung cấp hàng hóa hoặc dịch vụ theo một hệ thống do bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hóa, tên thương mại, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền; (ii) Quyền được bên nhượng quyền cấp cho bên nhận quyền sơ cấp quyền thương mại chung; (iii) Quyền được bên nhượng quyền thứ cấp cấp lại cho bên nhận quyền thứ cấp theo hợp đồng nhượng quyền thương mại chung và (iv) Quyền được bên nhượng quyền cấp cho bên nhận quyền quyền thương mại theo hợp đồng phát triển quyền thương mại

Như vậy, hiểu một cách cơ bản, ngoài các quyền phái sinh như quyền cấp lại quyền thương mại cho chủ thể khác, thì quyền thương mại về bản chất là quyền được “tiến hành công việc kinh doanh cung cấp hàng hóa hoặc dịch vụ theo một hệ thống do bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hóa, tên thương mại, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền”

Tuy nhiên, với bản chất là việc chuyển giao cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định gắn với các yếu tố nhận biết thương nhân cho bên nhận quyền, quyền thương mại trong hợp đồng nhượng quyền phải được hiểu là một “gói quyền”, bao gồm các quyền đối với nhãn hiệu hàng hóa, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, biểu tượng kinh

doanh, khẩu hiệu kinh doanh, logo và các đối tượng thuộc quyền sở hữu trí tuệ khác. Các quyền này có sự gắn kết, liên hệ chặt chẽ với nhau trong một chỉnh thể thống nhất chứ không chỉ đơn giản là một tập hợp các quyền liên quan đến hoạt động nhượng quyền thương mại. Bên nhận quyền có quyền sử dụng toàn bộ “gói quyền” này của bên nhượng quyền để tiến hành kinh doanh hàng hóa, dịch vụ dưới thương hiệu của bên nhượng quyền. Cách nhìn nhận này cũng phù hợp với quan điểm của Ủy ban Châu Âu về quyền thương mại được chuyển giao trong quan hệ nhượng quyền, ghi nhận tại Điều 1(3)(a) Nghị quyết 4087/88, đó là “một tổ hợp những quyền liên quan đến sở hữu trí tuệ thuộc bên giao gắn liền với nhãn hiệu, tên thương mại, biển hiệu, biểu tượng kinh doanh, bí quyết kinh doanh, quyền tác giả, quyền đối với sáng chế được bên nhận quyền khai thác nhằm mục đích bán/phân phối hàng hóa/dịch vụ cho người tiêu dùng”

Cần phải lưu ý rằng, trong một số trường hợp, mà phổ biến là trong phương thức nhượng quyền phân phối sản phẩm, đối tượng các bên hướng tới trong quan hệ nhượng quyền thương mại bao gồm cả "hàng hóa" được cung ứng bởi bên nhượng quyền. Chẳng hạn, trong hệ thống nhượng quyền mỹ phẩm của hãng The Body Shop, để có thể kinh doanh sản phẩm trên, bên nhận quyền phải cam kết kinh doanh theo phương thức nhượng quyền (cách thức kinh doanh, cách bài trí, màu sắc, trang thiết bị...) và mua sản phẩm do bên nhượng quyền cung ứng. Thông thường, "hàng hóa" được nói đến ở đây là những sản phẩm tương đối đặc thù, do bên nhượng quyền độc quyền cung ứng. Chính vì vậy, để được kinh doanh hàng hóa đặc thù trên, bên nhận quyền buộc phải chấp nhận cách thức kinh doanh theo phương thức nhượng quyền như một điều kiện bắt buộc. Trong trường hợp này, sẽ tồn tại hai đối tượng mà các bên hướng tới trong quan hệ nhượng quyền thương mại, (i) quyền thương mại và (ii) hàng hóa được cung ứng bởi bên nhượng quyền.

Ba là, quan hệ nhượng quyền hướng tới thiết lập và ổn định trạng thái đồng bộ của hệ thống nhượng quyền trong suốt quá trình kinh doanh

Xuất phát từ việc chuyển giao cách thức kinh doanh và cùng sử dụng các dấu hiệu nhận biết thương nhân, nhượng quyền thương mại đã làm cho khách hàng nhận biết theo hướng toàn bộ các cơ sở trong hệ thống nhượng quyền như cùng một chủ sở hữu duy nhất, mặc dù về bản chất họ là các thương nhân độc lập nhau cả về mặt pháp lý và tài chính. Chẳng hạn, trong hệ thống nhượng quyền cà phê Trung Nguyên, khi khách hàng uống một ly cà phê Trung Nguyên ở Hà Nội hay sử dụng sản phẩm ở một cơ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh thì đều được phục vụ với cùng một cách thức, cùng chất lượng sản phẩm như nhau, mặc dù hai cơ sở này hoàn toàn độc lập nhau về mặt tư cách pháp lý, tài chính. Mặc dù vậy, ở khía cạnh là người tiêu dùng, khách hàng thường nhận diện theo hướng tất cả các cơ sở trong hệ thống nhượng quyền đều cùng một chủ sở hữu. Với dấu hiệu nhận biết như trên, nếu một bên nhận quyền cung cấp sản phẩm không đảm bảo chất lượng, người tiêu dùng sẽ mất niềm tin vào toàn bộ hệ thống nhượng quyền. Mặc dù sự đồng bộ trong quan hệ nhượng quyền chỉ là sự đồng bộ tương đối, không phải là sự đồng bộ một cách tuyệt đối, mức độ đồng bộ sẽ phụ thuộc vào chính sách của mỗi hệ thống nhượng quyền. Tuy nhiên, dù mức độ đồng bộ như thế nào thì với sự nhận biết của khách hàng như trên, việc thiết lập và vận hành hệ thống nhượng quyền một cách đồng bộ là một trong những yếu tố đảm bảo sự tồn tại và phát triển bền vững của hệ thống nhượng quyền. Để đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống nhượng quyền, bên nhượng quyền thường có những hoạt động nhằm thường xuyên trợ giúp, hỗ trợ cho bên nhận quyền trong suốt quá trình kinh doanh như trợ giúp về mặt kỹ thuật, đào tạo, huấn luyện kỹ năng kinh doanh cho bên nhận quyền.

Bốn là, nhượng quyền thương mại là hoạt động thường chứa đựng các yếu tố dẫn đến hành vi hạn chế cạnh tranh

Không thể phủ nhận được thực tế là các chủ thể kinh doanh trong nền kinh tế thị trường luôn hướng tới lợi nhuận thông qua hoạt động cạnh tranh. Chính vì vậy, trong bất kỳ hoạt động thương mại nào cũng luôn tiềm ẩn xu thế này và hoạt động nhượng quyền thương mại cũng không phải là ngoại lệ. Điều này được thể hiện ở chỗ, các bên trong hệ thống nhượng quyền là các chủ thể độc lập nhau về mặt tư cách pháp lý và tài chính, trong khi họ lại cùng kinh doanh một loại sản phẩm theo một phương thức như nhau, dẫn tới họ cùng tiếp cận chung một đối tượng khách hàng. Như một quy luật, để thu hút khách hàng về phía mình, các bên trong hệ thống nhượng quyền sẽ tìm mọi cách cạnh tranh với nhau trên mọi phương diện (như: giá cả, chất lượng, phương thức cung ứng dịch vụ, chế độ chăm sóc khách hàng…), khi đó tính đồng bộ trong hệ thống nhượng quyền thương mại có khả năng bị phá vỡ. Chính vì vậy, nếu giữa các bên không có ràng buộc nhằm cấm hoặc hạn chế cạnh tranh trong hệ thống thì đương nhiên hành vi cạnh tranh giữa các bên trong hệ thống nhượng quyền sẽ tất yếu phát sinh và tính đồng bộ của hệ thống nhượng quyền theo đó cũng không giữ vững được. Do nhận thức được khả năng và nhu cầu cạnh tranh giữa các bên trong hệ thống nhượng quyền là tất yếu, khách quan nên khi thiết lập quan hệ nhượng quyền, các bên thường có những hành vi nhằm hạn chế cạnh tranh giữa các bên trong hệ thống. Để viện dẫn cho tính hợp lý của các hành vi hạn chế cạnh tranh này, các bên thường vin vào lý do nhằm đảm bảo tính đồng bộ trong toàn bộ hệ thống nhượng quyền để lẩn tránh sự kiểm soát của pháp luật cạnh tranh. Với sự tồn tại của cạnh tranh và hành

vi hạn chế cạnh tranh giữa các bên trong hệ thống nhượng quyền diễn ra một cách phổ biến và khách quan như trên, đặt ra nhu cầu điều tiết hành vi cạnh tranh của pháp luật nhằm đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh,

Một phần của tài liệu 8.-Luận-án-Pháp-luật-cạnh-tranh-trong-hoạt-động-nhượng-quyền-thương-mại-ở-Việt-Nam (Trang 40 - 46)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(155 trang)
w