So sánh là một dạng thức phổ biến trong giao tiếp hằng ngày. So sánh giúp cho người nghe hiểu nhanh được vấn đề vì vấn đề đó đã được cụ thể hóa sinh động và dễ hiểu. Đặc biệt trong văn chương, so sánh là phương thức tạo hình, gợi cảm. “ Hình tượng là gì? Chính là sự so sánh…” (A. Pho-răng-xơ).
So sánh là một hình thức tổ chức lời nói thường được dùng trong thơ để miêu tả, thể hiện hình tượng. Hình như nhà thơ nào cũng tận dụng sáng tạo hình thức này trong thơ của mình để miêu tả, biểu hiện, phản ánh cuộc sống. Cũng vì vậy, các nhà lý luận, nghiên cứu văn học thương đề cập nhiều về hình thức trên.
Trong giáo trình Phong cách học Tiếng Việt, Nguyễn Thái Hòa đã nêu ra định nghĩa về biện pháp so sánh như sau:
“So sánh là phương thức diễn đạt tu từ khi đem sự vật này đối chiếu với sự vật khác miễn là giữa hai sự vật có một nét tương đồng nào đó, để gợi ra hình ảnh cụ thể, những cảm xúc thẩm mỹ trong nhận thức của người đọc, người nghe” ( ).
Như vậy, so sánh tu từ là sự đối chiếu giữa hai đối tượng khác nhau và hai đối tượng đem ra đối chiếu phải có đặc điểm tương đồng nào đó.
Nhà thơ tận dụng mọi khả năng của ngôn ngữ để xây dựng hình tượng thơ. Qua hình tượng, nhà thơ bộc lộ tư tưởng và quan niệm của mình về cuộc sống, về thời đại. Huy Cận cũng thế, hình tượng nỗi buồn của thi nhân chủ yếu được xây dựng qua các thủ pháp nghệ thuật quen thuộc. Một trong những thủ pháp đó là so sánh nghệ thuật. Bằng sự linh hoạt và sáng tạo trong diễn tả, hình tượng nỗi buồn trong Lửa thiêng mang vẻ đẹp rất độc đáo, thể hiện cách nhìn của nhà thơ.
Cũng như hầu hết các nhà thơ mới lãng mạn 1932- 1945, Huy Cận mang một nỗi buồn thời thế, nhưng nỗi buồn của Huy Cận mang một âm hưởng khác, một đường nét khác, da diết và day dẳng hơn nhiều. Nỗi buồn ấy thấm đẫm từng trang thơ làm ảo não, đơn côi, cô độc cả một đời.
Trong Lửa thiêng có 50 bài thơ thì đã có 26 bài có sử dụng so sánh nghệ thuật với tỉ lệ 52%. Trong đó, so sánh trực tiếp thể hiện hình tượng nỗi buồn chỉ có 7 bài, tỉ lệ 14%, nhưng đó lại là đóng góp quan trọng của Huy Cận, làm cho hình tượng trong thơ thêm phong phú và đa dạng.
Với phương tiện so sánh, hình tượng nỗi buồn hiện lên với một dáng dấp, một hình hài riêng rất cụ thể, sinh động nhưng mang tính khái quát, tiêu biểu cho cả một lớp người. Đó là tầng lớp trí thức tiểu tư sản trong xã hội. Họ cũng bị chế độ thực dân đè nén, chèn ép như những tầng lớp khác khi họ phải sống trong một đất nước nô lệ.
Nếu Chúa biết bao nhiêu lòng hốt hoảng Trong sầu đen đã gãy cánh như dơi Nếu Chúa biết bao nhiêu giòng lệ đắng Chảy như sông, không rửa sạch sầu đời.
(Thân thể)
Trong không khí ngột ngạt của xã hội cũ, cái sầu đời với bao nhiêu giòng lệ đắng sẽ không bao giờ cạn. Nước mắt tủi hờn, đau đớn vẫn chảynhư sôngnhưng không rửa sạch sầu đời. Con người chỉ thấy trước mắt mình một không gian đen tối chưa tìm được lối đi. Họ bỗng thấy lòng hốt hoảng vì bế tắc, vì sợ hãi. Cuộc đời sẽ đi về đâu? Vận mệnh đất nước sẽ như thế nào? Con người rồi sẽ sống ra sao? Bao nhiêu câu hỏi đặt ra nhưng không có câu trả lời, làm nhức nhối trái tim đa cảm của chàng trai hai mươi tuổi. Nỗi buồn song hành với sự cô đơn trần thế ngày thêm triền miên, âm ĩ hơn. Cuộc đời hữu hạn và khi từ giã cõi trần gian con người lại mang một nỗi buồn khác. Đó là nỗi buồn của những linh hồn lạc loài, lạnh lẽo nơi mồ sâu, trong cảnh hoang vắng xa khuất bóng dáng con người.
Hàng cờ đen là bóng quạ chập chờn Báo tin xấu, dẫn hồn người đã xế…
(Nhạc sầu)
Nhà thơ so sánh hàng cờ đen với bóng quạ, cho thấy một hình tượng ghê rợn mang tin chẳng lành. Trong dân gian, người ta cho rằng tiếng quạ kêu là báo hiệu của điềm gỡ và thường gắn với sự chết chóc. Ở đây, những hàng cờ đenđược ví như những bóng quạ chập chờn đến dẫn hồn người đã xế. Một hình tượng gợi lên sự tang tóc, chia ly. Người ra đi có thể ngủ giấc ngàn thu nhưng kẻ ở lại ngàn năm vẫn nhớ. Vì còn nhớ nên còn buồn. Buồn cho sự chia ly vĩnh viễn, buồn cho người đã khuất lạnh lẽo nơi mồ sâu và buồn cho sự hữu hạn của kiếp người. So sánh của Huy Cận ở đây mang triết lý về nhân sinh. Chỉ mới hai mươi tuổi nhưng Huy Cận đã nhìn bằng con mắt trải nghiệm và sự già dặn của tâm hồn. Đó chính là thành công của nhà thơ trẻ Cù Huy Cận!
Cuộc đời là một chuỗi ngày vô vọng đầy ắp chuyện buồn và tẻ nhạt như tàu không đổi chuyến. Không có gì đơn điệu và tẻ nhạt hơn sự lặp đi lặp lại một cách nhàm chán của con tàu không đổi chuyến. Từ ngày này qua ngày khác, con tàu vẫn cứ xuất phát ở một thời điểm nhất định, trong một thời gian nhất định, không hề có sự thay đổi mới mẻ nào. Cuộc đời cũng thế, tháng ngày chồng chất lên nhau tuần hoàn theo quy luật tự nhiên. Như thế không tẻ nhạt và nhàm chán lắm sao! Ấy vậy mà Huy Cận lại nghĩ rằng, khi kết thúc kiếp người, linh hồn cũng không thể thanh thản ra đi. Khi trở về cát bụi, con người bỗng thấy da diết, xót xa và thương nhớ vô bờ cuộc đời trần thế.
Hồn ơi! có nhớ giấc trần gian Nệm là hơi thở, da: chăn ấm Xương cọ vào xương bớt nỗi hàn ?
(Ngủ chung)
Cuộc sống trần gian có nệm là hơi thở và da là chăn ấm ấp ủ giấc ngủ con người. Còn khi về bên kia thế giới , hồn sẽ lạnh lẽo trong đêm dài ướt rượi khí tha ma. Sự ấm áp của nệm, của chăn và cả cơ thể con người không thể xua được cái lạnh để sưởi ấm hồn sầu. Do vậy, thi sĩ cảm thấy bơ vơ, cô độc.
Người thi sĩ đã nguyện cầu Thượng đế Một đôi lần nhưng vốn nghiệp đi hoang Thì chết rồi, chắc người vẫn lang thang Như buổi sống ở trong bầu trăng gió.
(Mai sau)
Khi chết cũng như lúc sống, thi sĩ vẫn cứ lang thang không biết đâu là điểm dừng. Buổi sống ở trong bầu trăng gió, mọi người cùng hít thở chung bầu không khí nhưng giữa họ không có sự giao hoà, không có sự gắn kết. Cuộc sống tẻ nhạt với những tâm hồn hờ hững. Vì thế, thi sĩ lang thang với sự
cô độc của riêng mình , với tâm sự u uất không biết chia sẻ cùng ai . Đến khi chết, hồn cũng không tìm được tri kỉ, tri âm mà vẫn lang thang khắp chốn. Đã vậy, lúc ta đem tình trao cho người thì người không thèm nhận. Người còn hắt hủi, rẻ khinh. Nỗi đau lòng ấy hẳn ai cũng hiểu, thế những có bao nhiêu người biết cảm thông, chia sẻ!
Cuộc đời tẻ nhạt và buồn chán như thế, nhưng thi sĩ vẫn gắn bó thiết tha. Và vì lưu luyến sự sống nên nhà thơ luôn đối diện với thực tại. Thi nhân đến với thiên nhiên để tìm sự an ủi, dung hòa. Song người buồn cảnh có vui đâu bao giờ (Truyện Kiều– Nguyễn Du), cho nên thiên nhiên thời Lửa thiêng cũng buồn bã và cô đơn.
Than ôi! Trời đẹp nhưng trời buồn Như cảnh tươi màu rạp cải lương. (Giấc ngủ chiều)
Trên sân khấu, cảnh được trang trí bằng những màu sác huy hoàng, rực rỡ, những mảnh đời trong những vở diễn trên sân khấu phần lớn là những mảnh đời đầy bi kịch với những đau khổ chất ngất. Thiên nhiên, vũ trụ đẹp nhưng vẻ đẹp ấy giống như nét huy hoàng, rực rỡ của sân khấu chứa đựng những nỗi buồn bất tận. Đó là sự ủ rũ, tàn phai của cảnh vật và cái đau đớn của số phận. Cái đẹp hàm chứa cả cái buồn của thiên nhiên và cái bi kịch của đời người. Chỉ một câu so sánh mà đã nêu bật được biết bao ý nghĩa tư tưởng và giá trị nhân văn.
Thiên nhiên ở đây mang đầy tâm trạng, đã hòa vào nỗi đau của nhân vật trữ tình, “là máu thịt của hồn sầu” (Lê Bảo). Dù thiên nhiên có đôi lúc cũng tươi trẻ, là đối tượng để nhà thơ gửi gắm niềm tin vào cuộc đời, vào con người:
Gió thổi sân trường chiều chủ nhật Ôi thời thơ bé tuổi mười lăm Nắng hoe rải nhặt hoa trên đất Đời dịu vừa như nguyệt trước rằm.
(Học sinh)
Nhưng cái buồn ảo não vẫn đeo đẳng không hề rời xa nhà thơ, đến nỗi khiến thi nhân phải thốt lên:
Hồn đơn chiếc như đảo rời dặm bể Suốt một đời như núi đứng riêng tây.
(Mai sau)
Sự vắng vẻ của đảo rời dặm bể, của núi đứng riêng tây gợi lên nét hoang vu, lặng lẽ của cảnh vật. Đảo ở đây không có sự liên lạc nào với đất liền, cắt đứt mọi quan hệ, mọi sinh hoạt với con người một khi đã rời dặm bể. Núi cũng thế, bản thân núi từ ngàn xưa đã mang vẻ cô đơn, hoang vắng , giờ đây lại còn đứng riêng tây thì sự hoang vắng càng tăng lên gấp bội. Ví hồn đơn chiếc như đảo rời dặm bể, như núi đứng riêng tây thì sự cô đơn trong lòng nhà thơ đã lên đến đỉnh điểm rồi. Chẳng những hồn buồn vì cô đơn rợn ngợp mà thân xác cũng không hơn gì.
Tôi đâu biết thịt xương là sông núi Chia biệt người ra từng xứ cô đơn.
(Trình bày)
Thể xác lúc này là sông núi cách trở, là hàng rào ngăn cách, phân chia con người ra từng xứ cô đơn. Núi sông trùng điệp, cách trở là ranh giới để phân chia địa lí đất đai. Còn thịt xương con người là ranh giới để phân chia tâm hồn ra
từng xứ cô đơn. Con người trong thời đại đó luôn cảm thấy cô dơn, bơ vơ và lạc lõng. So sánh thịt xương với sông núi là một so sánh hết sức mới mẻ và độc đáo, vừa làm người đọc thú vị khi liên tưởng vừa mang tính triết lý cao. Với Huy Cận thì thân xác con người cũng có ranh giới, chỉ tại con người chưa nhận ra đấy thôi !
Sống trong một đất nước nô lệ, mất hết quyền tự do, luôn đau khổ, chán chường với một cuộc đời tẻ nhạt như tàu không đổi chuyến thì ai mà chẳng buồn, nhất là với một con người nhạy cảm, đa sầu như Huy Cận. Còn gì đau xót hơn khi con người bắt đầu ý thức được sự tồn tại của mình trong xã hội thì phải sống trong một xã hội ngột ngạt không còn sinh khí, chết dần chết mòn trong sự tầm thường của cuộc đời tẻ nhạt . Vì thế, nỗi sầu cứ cô đặc lại, đong đầy mãi trong lòng thi nhân. Nỗi buồn ấy da diết và day dẳng lắm!
Ngay cả trong tình yêu cũng nhuốm vẻ ảm đạm của cảnh chia ly. Bởi nhà thơ nhận ra rằng gần gũi song le vẫn biệt rào. Sự cách biệt không phải ở không gian hay thời gian mà là ở lòng người, ở sự thờ ơ, ghẻ lạnh của chính con người. Đó là nỗi đau tuy thầm lặng nhưng âm ĩ và đeo đẳng suốt đời . Nỗi
buồn nào cũng có thể nguôi ngoai theo năm tháng nhưng dư âm của sự tan vỡ thì tồn tại mãi, nhất là đối với tình cảm ban sơ của những chàng trai
mười lăm tuổi vào trường- rương nhỏ nhỏ với linh hồn bằng ngọc (Tựu trường). Biện pháp so sánh nghệ thuật đã góp phần tạo nên nét đặc sắc, sinh động cho hình tượng nỗi buồn trong Lửa thiêng của Huy Cận. Bởi đây là biện pháp nghệ thuật mang tính thẩm mỹ cao và gợi lên sự liên tưởng mạnh. Những hình tượng vừa mới lạ, độc đáo vừa có sức sống lâu dài như: hồn đơn chiếc, đảo rời dặm bể, nguyệt trước rằm, hàng cờ đen, bóng quạ chập chờn, sầu đen, sầu đời, chòi cô độc, núi đứng riêng tây v.v…vừa có chức năng biểu hiện vừa có chức năng biểu cảm. Do đó hình tượng nỗi buồn thật sinh động, gợi cảm, gợi hình. Đọc Lửa thiêng của Huy Cận, người đọc sẽ cảm nhận ngay được nỗi buồn chất chứa trong từng câu, từng chữ thật mênh mang khó tả. Nó làm ta phải suy ngẫm, đồng cảm và truyền cho ta sức mạnh của yêu thương. “Và nghe thơ Huy Cận, tự nhiên lòng ta lây cái cảm thương không cùng của thi sĩ và trước nhất, ta cảm thương thi sĩ rất nhiều cảm thương” [25 ;46].