Nhân hoá là một biện pháp được sử dụng rộng rãi trong sinh hoạt hàng ngày và phổ biến trong lời nói nghệ thuật. Bởi nhân hoá có chức năng nhận thức và chức năng biểu cảm- cảm xúc cao. Đồng thời, nhân hoá còn là một hình thức đặc biệt, độc đáo trong phương thức xây dựng hình tượng.
Nhân hoá là gì?
“Nhân hoá (còn gọi là nhân cách hoá) là những biến thể của ẩn dụ, trong đó người ta lấy những từ ngữ biểu thị thuộc tính, dấu hiệu của con người để biểu thị thuộc tính, dấu hiệu của đối tượng không phải con người, nhằm làm cho đối tượng được miêu tả trở nên gần gũi, dễ hiểu hơn, đồng thời làm cho người nói có khả năng bày tỏ kín đáo tâm tư, thái độ của mình » [12 ;63].
Khảo sát Lửa thiêng, chúng tôi nhận thấy Huy Cận sử dụng khá nhiều biện pháp nhân hoá. Biện pháp này đã mang lại hiệu quả tu từ rất cao trong miêu tả và diễn đạt hình tượng nỗi buồn.
Huy Cận là một nhà thơ tinh tế, thi nhân bắt gặp cái buồn hiện hữu trong vạn vật. Song cái buồn vẫn mang nét đẹp rất lãng mạn và để lại ấn tượng nhẹ nhàng, trầm lắng trong lòng người đọc. Cái đẹp của Lửa thiêng ủ mầm nơi quán vắng đèo cao, nơi sông dài trời rộng, nơi vườn hoang trinh nữ…Thế giới Lửa thiêng là thế giới của những tưởng vọng về quá khứ và thế giới của những trăn trở nội tâm. Quay về quá khứ không phải để trốn tránh thực tại mà là để chiêm nghiệm về thực tại, về những gì đã xảy ra trong thời đại mình đang sống. Đó cũng là sự phản ứng lại với xã hội lúc bấy giờ.
Hỡi mây trắng, hỡi nước buồn, gió cũ! Sao chiều nay ảo não vị sơ xưa? Cho ta gởi vọng xuôi về quá khứ, Đôi chút sầu tư nước đẩy, mây đưa.
(Bi ca)
Nỗi lòng không biết ngỏ cùng ai, bởi nhân thế không còn ai là bè bạn. Thế nên Huy Cận gọi nước buồn, gió cũ, gọi mây trắng về tâm sự. Vì đời người hữu hạn và mỗi tâm hồn là một ốc đảo cô đơn và phức tạp, khó tìm được sự giao hoà từ tâm hồn khác. Còn thiên nhiên thì trường tồn và có thể trở thành tri âm tri kỉ để thi nhân san sẻ nỗi lòng. Mây trắng, dòng nước và cơn gió sẽ ngàn năm còn mãi. Thiên nhiên như một người bạn tâm đầu biết lắng nghe tâm sự của thi sĩ. Thiên nhiên cũng buồn khi con người buồn và xót xa nhìn thấy nụ cười trên môi người héo hắt. Người buồn nên mây trắng cũng buồn, gió cũ cũng ảo não. Huy Cận đã gởi tâm sự cho nước, cho mây. Lời than thở của thi nhân nghe buồn quá.
Buồn đã lại khi bắt đầu yêu mến Lòng say mê ngay từ thuở mê tình.
(Bi ca)
Rõ ràng ta thấy Huy Cận có hướng về thực tại, cố gắng bước để bắt kịp nhịp đời. Thi nhân vẫn yêu và yêu rất thiết tha. Song thực tế phũ phàng, không tốt đẹp như mong đợi mà chỉ gieo rắc nỗi buồn. Ta thấy, sợi buồn giăng mắc khắp nơi trong Lửa thiêng, trong lòng Huy Cận và cả trong lòng ta nữa!
Có thể bắt gặp trong chiều sâu của cảm xúc về thiên nhiên, về quá khứ là tình cảm với đất nước. Tuy không rõ rệt và hiện hình một đất nước trong
Lửa thiêng nhưng ta vẫn thấy bàng bạc trong thơ là tấm lòng thi nhân đối với quê hương khi người tâm sự với thiên nhiên, khi tủi buồn, thương nhớ cảnh
cũ người xưa. Ngược dòng thời gian, tác giả đã tìm đến hồn thiêng sông núi và vóc dáng quê hương. Quá khứ trong Lửa thiêng là thời gian trải dài và ngưng động ở bến sơ xưa, ở dòng sông tiền sử. Huy Cận đã quay về với quá khứ xa xưa như tìm về miền đất hứa của niềm giao cảm. Ở nơi ấy, thiên nhiên sẽ hiểu và chia sẻ tâm sự với con người. Điều đáng trân trọng ở Huy Cận là nhà thơ không chỉ nghĩ đến nỗi buồn và sự cô đơn của riêng mình mà nghĩ cho tất cả mọi người. Thế nên, thơ Huy Cận có buồn thật nhưng thanh thoát và tìm được những tâm hồn đồng vọng. Đó chính là điều tạo nên những khác biệt giữa thơ Huy Cận với những bài thơ buồn hoài cổ khác phổ biến lúc bấy giờ.
Huy Cận sớm nhận ra bản chất của cuộc đời cũ, ở đấy tình yêu chỉ là ảo vọng và hạnh phúc là cái không thể với tới.
Quá cô đơn, nhà thơ gọi buổi chiều xuống để cùng người trút niềm tâm sự.
Chiều ơi! Hãy xuống thăm ta với! Thiên hạ lìa xa, đời trống không.
Nắng xế ngậm ngùi bên mái cũ Đìu hiu bên phố, nhớ bên lòng.
(Tâm sự)
Chiều giờ đây không còn là khoảnh khắc của chuỗi dài thời gian mà là một nhân vật trữ tình biết lắng nghe, chia sẻ. Thiên hạ lìa xa rồi, không có ai san sẻ nỗi lòng. Thế nên nhà thơ trò chuyện với chiều. Và chiều cũng đồng cảm với thi nhân, nên nắng xế ngậm ngùi bên mái cũ. Nhà thơ buồn và chiều cũng buồn. Chiều đã trở thành người bạn tri âm tri kỉ.
Ta biết quen chiều tự thuở xưa Tim nghe xa vắng rộng không bờ Một ngày trời đẹp bâng khuâng quá
Ấy buổi đầu tiên bạn bút tờ. ………
Một mình cũng muốn câu tâm sự Chiều xuống cùng ta đặng có nhau…
(Tâm sự)
Có bạn rồi Huy Cận có vơi đi chút buồn nào không ? Rõ ràng, dù có trút cạn bầu tâm sự nhưng nỗi buồn vẫn còn đấy, những trăn trở, suy tư vẫn còn đấy. Thế nên, nhà thơ nghe hồn mình lạnh giá nỗi cô đơn.
Một buổi xưa kia phòng vắng bạn Đó ngày quen biết với cô đơn.
Tuy đã làm bạn với thiên nhiên, với thời gian nhưng tâm hồn nhạy cảm của Huy Cận vẫn còn phấp phổng lo sợ. Thi nhân sợ mây nước,gió trăng quên lãng mình.
Chàng Huy Cận khi xưa hay sầu lắm, Gió trăng ơi! nay còn nhớ người chăng ?
Hơn một lần chàng đã gởi cho trăng Nỗi hiu quạnh của hồn buồn không cớ.
(Mai sau)
Sợ người khác quên sự hiện diện của mình, đó là tâm lý chung của con người,nhưng sợ cả những sự vật, hiện tượng vô tri vô giác quên lãng mình, dường như chỉ co mỗi mình Huy Cận. Ở đây, ta thấy Huy Cận đã xem không gian, thời gian là những vật có cảm giác và suy nghĩ như con người. Thế nên,chàng đã gởi cho trăng nỗi hiu quạnh của lòng mình, gởi những nỗi buồn ảo não và gởi cả tình yêu thiết tha, chân thành. Ta nghe trong gió tiếng thở dài của Huy Cận, nghe trong mưa tiếng khóc của chàng dành cho dân tộc. Lòng chàng vẫn hay tủi nắng sầu mưa, vẫn không nguôi tình yêu nhân thế.
Đối với con người, thời gian và thiên nhiên là nhưng vật vô tri vô giác, nhưng đối với Huy Cận, thiên nhiên và thời gian chính là bạn và chúng không hề vô tình. Gió mây, trăng sao, dòng nước, chim chóc đều có tình.
Cơn gió hiu hiu buồn tiễn biệt Xa nhau chỉ biết nhớ vơi ngày.
Rõ ràng không chỉ có người biết buồn mà gió cũng biết buồn trước những cảnh chia li, cách biệt. Không chỉ có người biết nhớ mà gió cũng biết nhớ. Vì buồn và nhớ nên gió mới thở than,gió mới bay đi tìm bạn. Đôi mắt Huy Cận nhìn đâu cũng thấy vạn vật hữu tình. Đó chính là nét đặc sắc riêng của nhà thơ. Nếu cho rằng Huy Cận là chàng thi sĩ của thiên nhiên, của trời đất thì cũng không sai!
Thơ Huy Cận bàng bạc hình ảnh của thời gian và không gian. Cây với người xưa có lẽ láng giềng, đem một vật vô tri đặt cạnh một cái có hồn để nói lên sự gắn bó của con người và thiên nhiên. Đồng thời qua thiên nhiên, Huy Cận bộc lộ tư tưởng và tình cảm của mình. Ở đây, thiên nhiên và con người đã hòa làm một, con người như tìm thấy một nửa còn lại của mình trong sự sống của thiên nhiên và thiên nhiên cũng giúp con người giải tỏa nỗi ưu phiền.
Thời gian, không gian như cứu cánh, như phương tiện đưa hồn thi nhân thoát khỏi sự khắc nghiệt và ngột ngạt của xã hội. Không gian, thời gian mở ra những chân trời mới cho Huy Cận và chấp đôi cánh cho thơ vượt qua những giới hạn thông thường, tạo nên sức lay động và ấn tượng đẹp trong lòng người đọc. Người bạn thơ của Huy Cận thường là mây, nước, gió, trăng….và buổi chiều. Buổi chiều la khoảng thời gian gợi lên nhiều nỗi buồn nhất. Thông thường, người ta buồn thì tìm đến những người bạn có cùng tâm trạng hoặc ít ra cũng có một sự đồng cảm nào đó. Chẳng ai mang tâm trạng buồn tâm sự với người đang vui, và ngược lại khi ta vui không bao giờ ta san sẻ với người đang buồn.Cho nên, Huy Cận đã tìm sự đồng vọng ở người bạn có cùng nỗi lòng. Đó là chiều!
Chiều lại xuống ở trên lầu cô tịch Chờ thi nhân đã chết tự ngàn xưa
Nói chuyện cùng- chiều không nắng không mưa Không sương khói, chỉ có sầu vạn thưở. Đời hiu quạnh, thời gian nghiêng bóng nhớ
Phố không cây thôi sầu biết bao chừng Chỉ mơ hồ trùng điệp với mông lung, Buồn vạn lớp trên mái nhà dợn sóng.
Dòng tâm trạng với lớp lớp sóng buồn khiến thi nhân cảm thấy bơ vơ giữa thời gian và không gian vô tận. Huy Cận trò chuyện với chiều và với thi nhân đã chết tự ngàn xưa. Lúc này nhà thơ đang tưởng niệm về quá khứ- một quá khứ đẹp và yên bình. Ở nơi đó, con người sống hòa đồng với thời gian, không gian và con người. Chiều lại xuống ở trên lầu cô tịch, dường như chiều xuống đã trở thành một thông lệ, một lời hẹn ước và chiều đã xuống không chỉ một vài lần. Chiều xuống để trò chuyện cùng Huy Cận và các thi sĩ ngàn xưa, để cởi bỏ hết những bức bối trong lòng, để trút cạn dòng tâm sự. Khi chiều xuống không có nắng cũng không có mưa, không có sương khói chỉ có sầu vạn thuở.Chiều không mang gì đến, chỉ có nỗi sầu thiên cổ để góp thêm nỗi buồn đã đầy ắp trong lòng thi nhân. Không gian hoang sơ như ở thời tiền sử, lặng vắng và êm ả. Không chỉ mỗi mình Huy Cận tưởng vọng về quá khứ đẹp đẽ đã qua mà thời gian cũng nghiêng bóng nhớ. Dường như thiên nhiên và buổi chiều có một sự đồng cảm rất sâu sắc. Dù cô đơn giữa loài người nhưng Huy Cận cũng tìm được một người bạn có thể sẻ chia tâm sự. Đó là điều an ủi cuối cùng còn sót lại và chắc hẳn Huy Cận cũng hài lòng vì điều đó.
Trong Lửa thiêng, Huy Cận đã có 40 lần nhắc đến buổi chiều: chiều tê cúi đầu, chiều mồ côi, chiều vĩnh biệt, chiều tận thế…, chứng tỏ chiều có một vị trí đặc biệt trong lòng thi nhân. Chiều là người bạn không thể thiếu của nhà thơ và là hình tượng độc đáo trong thơ.
“Nhạy cảm với buổi chiều cũng là nhạy cảm trước nỗi buồn bã cô đơn của con người, đồng thời cũng thể hiện sự thất vọng của con người trước thức tại. Thế giới nghệ thuật của Lửa thiêng đã góp phần bộc lộ niềm khát vọng lớn và nỗi thất vọng lớn của Huy Cận. Khát vọng lớn là khát vọng bất tử cùng thời gian, khát vọng tìm kiếm hạnh phúc trong thời quá khứ,trong sự hòa đồng với thiên nhiên và nhân loại. Nhưng Huy Cận đã thất vọng vì càng xuôi về quá khứ nhà thơ càng cô đơn để cuối cùng chợt nhận ra tình trạng bơ vơ của mình trên con đường thời gian vô tận” [25;296].
Không chỉ trò chuyện với chiều, Huy Cận còn trò chuyện với thi sĩ ngàn xưa và ngưỡng mộ cuộc sống an bình, vui vẻ và hạnh phúc của tiền nhân. Đó là cách phủ nhận thực tại tối tăm của nhà thơ Huy Cận.
Còn trong tình yêu, chẳng mấy khi ta thấy Huy Cận vui. Tình yêu lãng mạn, dịu dàng, đằm thắm nhưng cũng lắm nỗi ngậm ngùi, thương đau.
Ru em sẵn tiếng thùy dương mấy bờ… Cây dài bóng xế ngẩn ngơ
Hồn em đã chín mấy mùa thương đau? (Ngậm ngùi)
Bốn câu thơ mở ra một không gian tâm tưởng dịu êm,man mác ngậm ngùi, thể hiện tâm trạng xót xa thương cảm và da diết yêu thương của Huy Cận. Nhà thơ mong người yêu ngủ ngon với giấc mộng bình yên và đẹp đẽ. Tiếng thùy dương du dương đưa em vào giấc ngủ an lành. Thùy dương trở thành người bạn hát ra em ngủ và xua đi những đau thương đã làm em buồn lòng. Ngủ đi em và hãy mộng bình thường, cây dài cũng phải ngẩn ngơ nhìn em ngủ. Những xót xa của ngày tháng cũ rồi cũng sẽ qua để trả lại cho em chuỗi ngày bình yên sắp tới. Chỉ riêng mình anh nghe nặng trái sầu rụng rơi,còn em hãy cứ vô tư, yên vui và hạnh phúc. Đó là điều Huy Cận mong mỏi, ước ao!
Hình tượng nỗi buồn ở đây cứ như sương khói vấn vương, như tơ trời giăng mắc, như cõi mộng huyền ảo xa xăm. Song, đó cũng là hình tượng rất thực như cây ngẩn ngơ đổ bóng dài, như hàng thùy dương ngân nga hát. Cây và bóng đều buồn đến ngẩn ngơ, hàng thùy dương biết ru và an ủi. Tất cả đều buồn nhưng rất đẹp,vì ở đấy có tình yêu.Tình yêu chính là thơ, là nhạc của cuộc sống, là đôi cánh chở ước mơ đi thật xa trên vùng trời bình yên hạnh phúc. Và dù có ngậm ngùi thương đau,tình yêu ấy vẫn đẹp và vẫn là khát vọng ngàn đời của con người. Ta bắt gặp trong Ngậm ngùi của Huy Cận một chút gì đó là của mình. Đó chính là sự đồng vọng của tâm hồn! Đúng như nhà thơ Tố Hữu đã có lần tâm sự:
“Bài thơ hay làm cho người ta không còn thấy câu thơ, chỉ còn cảm thấy tình người. Quên rằng đó là tiếng nói của ai, người ta cảm thấy nó như tiếng ca từ trong lòng mình, như là của mình vậy.Thơ là tiếng nói tri âm” [26;201].
Có thể nói, Huy Cận là một trong số rất ít những nhà thơ có sự nhạy cảm đặc biệt và có sự cảm nhận một cách sâu sắc bước chuyển mình của thiên nhiên. Và qua biện pháp nhân hóa, Huy Cận đã làm cho hình tượng nỗi buồn vừa đa dạng vừa thể hiện cá tính sáng tạo rất độc đáo của nhà thơ. Đó là một trong những đặc điểm làm nên phong cách riêng của tác giả Lửa thiêng!