Ðời sống của người xuất gia

Một phần của tài liệu HocViNhanSuHanhViThePham_1 (Trang 36 - 37)

D. KHUYÊN TIN SÂU NHÂN QUẢ

6. Ðời sống của người xuất gia

(Buổi sáng11-02-95)

Trong thời kỳ Mạt Pháp, hoàn cảnh sinh sống của người xuất gia khác hẳn với lúc trước, hoàn cảnh sinh sống của người xuất gia lúc trước có bảo đảm. Giống như ở Trung Quốc đại lục ngày xưa, tự viện am đường đều có hằng sản, có ruộng đất, có rừng núi, có thể cho nông phu mướn ruộng đất trồng trọt, do tự viện thâu tiền mướn đất nên nguồn lương thực của đạo tràng rất ổn định, có tài nguyên kinh tế nên tâm thanh tịnh, tâm định, chẳng phải chiều theo thị hiếu của tín đồ, tu hành cũng thành tựu dễ dàng hơn.

Trong xã hội ngày nay chùa chiền không có thâu nhập, chẳng có hằng sản, hoàn toàn phải nhờ tín đồ cúng dường. Vì vậy nên xem tín đồ như là ‘y thực phụ mẫu’ (cha mẹ cung cấp thức ăn áo mặc), tìm đủ mọi cách để lung lạc tín đồ, cũng vì vậy nên tâm phan duyên rất nặng và đạo tâm lơ là, tâm chẳng thanh tịnh, tâm đã bị ô nhiễm, đây là hoàn cảnh tu học ngày nay của chúng ta chẳng sánh bằng người đời xưa. Ðây cũng là lý do tại sao ngày nay người tu hành nhiều nhưng thành tựu rất ít. Nếu chúng ta muốn thành tựu ngay trong một

đời này thì phải hiểu rõ những vấn đề này, phải rất minh bạch, chẳng thể phạm sai lầm. Thế nên đạo tràng chẳng cần phải lớn, càng nhỏ càng tốt, chi phí ít thì sanh hoạt dễ dàng hơn; còn có khả năng dư thừa thì phải tận tâm làm công việc hoằng pháp lợi sanh.

‘Ðạo’ tức là tâm thanh tịnh, nhất định phải ghi nhớ điều này. Ðề kinh của kinh Vô Lượng Thọ là ‘Thanh Tịnh, Bình Ðẳng, Giác’, đây tức là Ðạo, chúng ta tu hành là tu việc này. Hễ những gì nhiễu loạn tâm thanh tịnh, phá hoại tâm thanh tịnh đều là chướng ngại, đều là ma. Nếu chúng ta ngăn ngừa cẩn thận thì sẽ có thêm ‘tăng thượng duyên’ 13 để hướng về Ðạo, cho dù đang ở trong thời loạn cũng có thể thành tựu được. Nếu chẳng để ý thì tập khí, bịnh cũ của chúng ta sẽ tái phát, tương lai nhất định sẽ đọa lạc.

Ðã phát tâm xuất gia rồi chúng ta nhất định phải biết [nếu đọa lạc thì] sự đọa lạc của chúng ta sẽ nặng hơn và thê thảm hơn người thế gian rất nhiều. Người thế gian mê hoặc điên đảo, đọa lạc thì vẫn còn có thể tha thứ được; chúng ta ngày ngày được nghe Phật pháp, đều có trình độ hiểu biết tương đối khá nhiều đối với sự thật và đạo lý của nhân duyên quả báo, đã biết rõ rồi mà còn cố phạm cho nên tội lỗi sẽ tăng gấp bội, còn nặng hơn những người thường phạm lỗi rất nhiều, đây là lý do tại sao chúng ta chẳng thể không cẩn thận, chẳng thể không hiểu rõ.

7. Vãng sanh (Buổi sáng 11-02-95)

Chúng ta phải niệm niệm nhớ về cố hương (quê hương), cố hương là y báo, chánh báo trang nghiêm ở Tây phương Cực Lạc thế giới. Phải ghi nhớ chuyện này trong lòng, những chuyện khác chẳng có liên hệ gì đến ta, phải luôn luôn mong muốn trở về quê hương, cái tâm niệm muốn vãng sanh này là chánh niệm.

Phần đông người thế gian không hiểu, cứ cho rằng: ‘Tại sao người này cứ muốn chết hoài?’. Ðây là quan niệm sai lầm của người thế gian. Vãng sanh là sống mà đi chứ chẳng phải chết, vả lại còn là ‘sống mãi’ -- sẽ chẳng còn sanh tử, chẳng còn luân hồi nữa. Cho nên đó mới là sự mở đầu của sự ‘sanh’; nếu chẳng thể vãng sanh thì sẽ có sanh tử. Trong nhà Phật chúng ta thường nói: ‘Pháp thân huệ mạng’. Vãng sanh là bắt đầu chứng được Pháp thân huệ mạng, là sự bắt đầu của chân thường, chẳng phải vô thường, còn ở thế gian này đều là vô thường. Chúng ta phải luôn luôn có cái tâm này, có ý niệm này, như vậy mới tốt.

Một phần của tài liệu HocViNhanSuHanhViThePham_1 (Trang 36 - 37)