Cầu học, cầu đạo đều dùng một chữ ‘cầu’, tự mình phải cầu cho được, nếu tự mình chẳng chịu [tìm cầu] thì chẳng có ai nói cho bạn đâu. Vì chúng sanh chẳng biết và cũng chẳng biết cầu nên chư Phật, Bồ Tát đại từ đại bi hiện thân thuyết pháp, thay thế chúng sanh thỉnh cầu. Trong kinh điển chúng ta thấy những người ‘đương cơ’ là người thay thế chúng sanh [thỉnh] cầu pháp. Trong kinh Vô Lượng Thọ, A Nan đứng ra khải thỉnh tức là thỉnh pháp thay cho chúng sanh.
Ðạo và Học nhất định phải có cầu mới nói, dụng ý ở đây là ‘trọng đạo’ – tôn sư trọng đạo. Chỉ có ‘tôn’, có ‘trọng’ thì người học mới đạt được lợi ích. Cũng như Ấn Quang đại sư dạy: ‘Một phần thành kính được một phần lợi ích, hai phần thành kính thì được hai phần lợi ích’. Mười phần thành kính thì người ta sẽ khai ngộ, được lợi ích to lớn. Bởi vậy nên người xưa thường nói: ‘không thành thì không ngộ’. Chẳng có tâm thành kính thì lợi ích gì cũng chẳng đạt được, cho dù đến nghe thì chẳng qua chỉ là việc học thông thường mà thôi, chẳng thể nào đạt được lợi ích chân thật.
Lợi ích chân thật là điều mà nhà Nho gọi là ‘biến hóa thân thể’ (biến hóa khí chất) và nhà Phật gọi là chuyển thức thành trí. Nếu có thể biến hóa thân thể
thì tức là chuyển phàm thành thánh. Nếu nghe không hiểu thì chỉ là nghe trên lời nói, văn tự, chẳng có liên quan gì đến tâm tánh của mình. Nếu chẳng có một chút xíu thành kính thì chỉ được một tí lợi ích bên ngoài mà thôi. Nếu mọi người lưu ý một chút thì sẽ thấy những hiện tượng này rất rõ ràng.
Có thể chúng ta tự mình sẽ nghĩ: ‘Tôi đích thật đối với thầy rất cung kính, đối với Phật pháp cũng rất cung kính, bản thân cũng rất thâm nhập, vậy thì tại sao chẳng đạt được lợi ích?’. Hãy thử nghĩ: chúng ta đối với người ác thì sao? Ðối với người mình ghét thì sao? Có thể cung kính hay chăng? Trong chân tâm chẳng có phân biệt, có phân biệt thì chẳng là chân tâm. Tôi đối với người này cung kính, đối với người kia chẳng cung kính, cái tâm này là giả, là hai tâm. Thế nên vấn đề phát sanh ở chỗ chẳng có tâm thành kính, chẳng có tâm cung kính.
Tâm cung kính chân chánh tức là nhất tâm, tức là tâm bình đẳng, tâm thanh tịnh. Bất luận biểu hiện được kiền thành như thế nào, nếu trong tâm còn phân biệt, chấp trước, thì chẳng phải là nhất tâm. Có phân biệt tức là chẳng bình đẳng; chấp trước tức là nhiễm ô, chẳng thanh tịnh, đây là mấu chốt tại sao nghe pháp, đọc kinh chẳng được lợi ích chân thật.