2.7.1. Phạm vi nghiên cứu
Các cơ cở bán lẻ thuốc tư nhân trong phạm vi của nghiên cứu này bao gồm
các loại hình kinh doanh: nhà thuốc, quầy thuốc, đại lý thuốc, không bao gồm các cơ sở kinh doanh thuốc y học cổ truyền và tủ thuốc của trạm y tế xã.
Thông tin về các cơ sở bán lẻ thuốc được rà soát và tổng hợp từ Danh sách quản lý Phòng quản lý hành nghề Y Dược tư nhân, Sở Y tế Hải Dương và Phòng Y tế 2 huyện Kim Thành và Gia Lộc cung cấp (tại thời điểm nghiên cứu, bao gồm cả cơ sở có chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc và không có chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc)
2.7.2. Một số thước đo, tiêu chuẩn sử dụng trong nghiên cứu
2.7.2.1. Tiêu chuẩn cơ sở vật chất và vệ sinh môi trường
Nghiên cứu này tham khảo các tiêu chuẩn xây dựng, thiết kế, và diện tích đối với cơ sở bán lẻ theo thông tư 46 [6]. Tuy nhiên, chúng tôi chia thành 2 nhóm vấn đề chính với các điều kiện cho 2 nhóm vấn đề cụ thể như sau:
Tuân thủ điều kiện về cơ sở vật chất của cơ sở bán lẻ:
Cơ sở bán lẻ đạt điều kiện về cơ sở vật chất khi có các điều kiện - Diện tích ≥ 10 m2
- Có trần chống bụi
- Tường và sàn làm bằng vật liệu dễ lau chùi
Tuân thủ về điều kiện vệ sinh môi trường:
Cơ sở bán lẻ đạt điều kiện về vệ sinh môi trường khi có địa điểm thoáng mát, an toàn, cách xa nguồn ô nhiễm.
2.7.2.2. Sắp xếp và bảo quản thuốc
Cơ sở bán lẻ được đánh giá là xếp thuốc đúng quy định nếu thuốc được xếp theo từng nhóm tác dụng dược lý, chủng loại, thời hạn sử dụng.
2.7.2.3. Bảng hiệu đúng quy định
Cơ sở bán lẻ được đánh giá là có bảng hiệu đúng quy định nếu có đầy đủ tên cơ sở, địa chỉ, tên người đứng đầu cơ sở, phạm vi hành nghề, số điện thoại, và thời gian hoạt động.
2.7.2.4. Kiến thức của người bán lẻ
Thông qua thảo luận nhóm chuyên gia, chúng tôi xây dựng danh mục 10 loại thuốc điều trị các bệnh thông thường, hay gặp tại cộng đồng và được bán phổ biến tại địa bàn nghiên cứu để khảo sát về kiến thức của người bán lẻ về các loại thuốc cần phải kê đơn và không cần kê đơn. Trong số 10 thuốc, có 5 thuốc phải kê đơn (Amlordipine, Amoxicilin, Dexamethasone, multivitamin dịch truyền, Biseptol) và 5 thuốc không cần kê đơn (Acetylcystein, Alaxan, Cimetidine, Salbutamol, Mebendazole). Nếu người bán lẻ phân loại đúng mỗi thuốc thì được 1 điểm. Tổng số điểm tối đa là 10 điểm.
Điểm số kiến thức về các loại thuốc cần bảo quản:
Tương tự với các thuốc phải kê đơn, nhóm nghiên cứu xây dựng danh mục 10 loại thuốc để khảo sát kiến thức của người bán lẻ về các thuốc cần phải bảo quản đặc biệt. Trong đó, có 5 thuốc thuộc diện phải bảo quản đặc biệt (Alpha trymotrypsin, Vitamin C, Vitamin 3B, Cefalexin, Cloxacillin) và 5 thuốc bảo quản theo thông thường (Amoxicillin, Paracetamol, Acemuc, Argyrol, Ameflu). Nếu người bán lẻ phân loại đúng mỗi thuốc thì được 1 điểm. Tổng số điểm tối đa là 10 điểm.
Tư vấn đúng về cách uống thuốc:
Người bán lẻ được đánh giá là tư vấn đúng về cách uống thuốc (loại nước sử dụng để uống thuốc) nếu tư vấn cho khách hàng sử dụng nước lọc để uống thuốc.
Thực hành xử trí một số tình huống khẩn cấp:
Để đánh giá tỷ lệ người bán thuốc có thực hành phù hợp trong tư vấn một số tình huống cấp cứu hoặc cần đến cơ sở y tế khám chữa bệnh, nhóm nghiên cứu xây dựng 3 ca bệnh mô phỏng (tình huống giả định) bao gồm: trẻ 6 tháng tuổi, ho, sốt, bú kém; người lớn sốt cao; khách hàng đau răng (Phụ lục). Điều tra viên sẽ đọc các ca bệnh mô phỏng này, và ghi chép lại câu trả lời của người
bán lẻ về cách xử trí cho từng ca bệnh mô phỏng này. Điểm thực hành được đánh giá như sau:
- Trẻ 6 tháng tuổi, ho, sốt, bú kém: thực hành đạt nếu tư vấn mẹ cháu đưa cháu đến ngay cơ sở y tế để khám bệnh.
- Người lớn sốt cao: thực hành đạt nếu chỉ bán cho khách hàng paracetamol và oresol.
- Khách hàng đau răng: thực hành đạt khi người bán lẻ hỏi kỹ khách hàng các thông tin sau:
Khách hàng có bị đau dạ dày không? Khách hàng đã uống kháng sinh chưa?
Thời gian bị đau răng?
Khách hàng đã đến cơ sở y tế nào điều trị chưa?