ìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt cũng là gìn giữ bản sắc và cũng là việc khó với cháu. Bách không bị ngọng nhưng phát âm không chuẩn, ví dụ “nước” ông ý tương ngay thành “nuốc”. Sáng nay hai bố con hóng mát, và tiếp tục công cuộc “vì sự trong sáng của tiếng Việt”.
- Con nói đi “nước”. - Nuốc…
- Con ơi, đừng nhọn mồm ra thế. Nhành mồm ra thì sẽ thành “nước”. Nào, một lần nữa bố xem. Nước.
- Nuốc…
- Giời ạ. Nhệch cái miệng ra ở cuối câu ý. Nước! - Coon nhệch đây này.
Ông ý vừa nói vừa chỉ tay vào miệng, dõng dạc phát âm: - Nuốc!
Haiza…
Mỏ cứ nhọn ra thía kia thì gìn giữ sao được sự trong sáng của tiếng Việt hở con?
Bố có mỗi Bông là con gái nên bố yêu Bông lắm. Khổ thân Bông, mới bé tí mà đã phải chịu nhiều áp lực tình cảm rồi. Thương lắm!
Khi mẹ sinh Bờm, Bông mới 15 tháng tuổi. Nhớ cái tối mẹ phải vào viện trực chiến vì bác sĩ bảo, ông này chả biết lúc nào ra nên mẹ nó phải vào nằm viện chờ. Tối ý Bông lần đầu tiên xa mẹ, em khóc từ 7 giờ
tối đến 3 giờ sáng mặc cho bố, ông bà, anh Hoàng dỗ dành các kiểu. Tối ý bố thức trắng luôn vì Bông ngủ đấy nhưng giật mình liên tục, nấc liên tục. Thương lắm!
Trưa hôm sau Bờm chào đời.
Chiều bố đưa Bông vào viện. Trên xe em ngồi im chẳng nói chẳng cười, chẳng trả lời những câu hỏi vô duyên mà bố hỏi để phá cái không khí căng thẳng của em. Bố biết, em đang trong tâm trạng rất mông lung nên bố tôn trọng em, bố im. Mới 15 tháng tuổi mà em đã phải nghĩ ngợi vẩn vơ, thi thoảng em thở dài như bà nội… Bố thương lắm!
Vào phòng của mẹ và em Bờm. Việc đầu tiên là Bông bám chặt lấy mẹ. Ánh mắt em không rời ông Bờm bé xíu gói trong bọc vải bệnh viện. Mẹ hỏi gì Bông chỉ gật hoặc lắc đầu. Lúc sau ông Bờm đói ọẹ đòi ăn, mẹ
bế Bờm lên. Bông dùng hết sức bình sinh đẩy Bờm ra không cho mẹ bế. Em hét lên:
- Mẹ bỏ nó xuống! - Kìa con. Em con đấy. - Con không thích có em!
Và Bông òa lên khóc, tiếng khóc uất ức tủi hờn. Bố bế em ra hành lang chẳng biết dỗ thế nào chỉ vỗ nhè nhẹ lưng em để an ủi. Bông ngủ
thiếp trên vai bố… cứ thế bố bế Bông lên xe đặt em nằm, rồi khẽ khàng nổ máy đưa em về nhà…
Rồi Bờm và mẹ về nhà. Hình như biết chị Bông hụt hẫng tình cảnh vì sự có mặt của mình nên Bờm không nhõng nhẽo khóc lóc như trẻ con khác, ăn cũng vậy, chẳng chảnh chọe khó tính, cho gì ăn nấy. Chị Bông dần dần cũng hiểu ra rằng dù có thêm em Bờm nhưng bố mẹ vẫn
thương yêu mình nên bình tĩnh hơn, bắt đầu chơi với em, giúp mẹ chăm em vân vân và vân vân.
Trên tinh thần là chị em Bông Bờm đã hòa hợp dân tộc nhưng á, mỗi khi đến giờ đi ngủ tay bố bế Bông, chân đặt lên nôi của Bờm và cùng với lời ru à ơi bố cháu phải tay rung chân đạp cho đến khi hai chị em Bông Bờm ngủ mới thôi. Đúng là lời ru chia đôi ạ. Hehe.
Lời ru được chị Bông duyệt và cho phép bố cháu hát như này:
À ơi bồng bồng Bông bống Bông Bông
Bờm Bông, Bông bống ới anh Bông Bông, Bông Bờm Bờm Bông Bông bống Bông Bờm
Bông Bông, Bông bống ý ơ Bờm Bờm, Bờm ý à Bông…
Trong lời bài ru phải gọi tên Bông nhiều hơn thì em mới chịu, nếu không á, đừng hòng Bông cho bố đạp chân rung nôi của Bờm. Hehe.
Yêu lắm! Thương lắm!