CHUYỂN HÓA NGHIỆP

Một phần của tài liệu Giải đáp thắc mắc của người trẻ trong thế kỷ 21 với đức phật trong ba lô (Trang 78 - 79)

Chuyển hóa Nghiệp có nghĩa là thế nào? Chẳng phải mọi việc đều đã được định đoạt từ trước rồi sao?

Đạo Phật, giáo pháp có nền tảng là luật nhân quả, đặc biệt chú trọng đến khái niệm Nghiệp. Nguyên lý này giải thích rằng cuộc sống tại mỗi khoảnh khắc luôn bị ràng buộc bởi những hệ quả tích lũy do những nguyên nhân đã được tạo ra trong quá khứ. Và theo Đạo Phật, giây phút ta làm gì đó, nói gì đó hay nghĩ gì đó, một hệ quả đã được gieo vào sâu trong con người ta. Sau đó, khi cuộc sống chúng ta gặp được hoàn cảnh phù hợp, hệ quả đó sẽ hiện hình. Những nét đặc trưng trong tính cách liên hệ mật thiết với Nghiệp của chúng ta. Tin tốt lành là, không giống như số phận, Nghiệp của chúng ta có thể

được chuyển hóa bằng những nhân ta tạo ra từ giờ phút này trở đi. Trên thực tế, thực hành Đạo Phật chính là thực hành để liên tục chuyển hóa Nghiệp.

Dù có thực hành Đạo Phật hay không, chúng ta vẫn có thể cải thiện đáng kể tình trạng hiện tại của mình bằng cách quyết tâm gieo những nhân tốt hơn từ giờ trở đi. Đừng nên thất vọng, vì qua thời gian, tất cả những nhân tốt rồi sẽ mang đến một sự tiến bộ đáng kể cho hoàn cảnh của chúng ta.

LỖI LẦM

Làm sao để cháu tập trung được vào những điểm tốt thay vì những sai lầm của mình?

Những người tự chỉ trích bản thân thường lo lắng về điều đó – đó là dấu hiệu của một tính cách chân thành, đáng khen.

Rất khó có thể nhìn nhận bản thân một cách khách quan. Nhưng hãy nhớ rằng không một ai có toàn những lỗi lầm hay toàn những công trạng. Chúng ta đều có cả hai. Vì thế, chúng ta nên cố gắng phát triển và mài giũa những tính chất tích cực của mình. Khi làm như vậy, những thiếu sót của chúng ta sẽ mờ nhạt dần cho đến khi chúng

không còn hiển hiện nữa.

Có lẽ bạn có thể hỏi những người biết rõ bạn, một người bạn, cha mẹ hay anh chị em, rằng họ nghĩ bạn có và có thể phát triển những ưu điểm nào. Tôi chắc là họ sẽ kể ra được nhiều phẩm chất đáng ngưỡng mộ. Đồng thời, nếu ai đó gần gũi với bạn mà chỉ ra những lỗi lầm của bạn, thay vì khó chịu hay buồn bã, sẽ rất có ích nếu bạn lắng nghe một cách bình tĩnh và khách quan những điều người đó nói và nỗ lực tiếp nhận điều đó như lời phê bình mang tính xây dựng. Một khi bạn đã có chỗ đứng trong xã hội, sẽ chẳng có mấy người thực sự thẳng thắn với bạn đâu.

Một phần của tài liệu Giải đáp thắc mắc của người trẻ trong thế kỷ 21 với đức phật trong ba lô (Trang 78 - 79)