Thương yêu con cái như thế nào?

Một phần của tài liệu Sống đẹp giữa dòng đời (Trang 41 - 43)

II. Cha mẹ đối với con cái

2. Thương yêu con cái như thế nào?

Thái độ sáng suốt khi bộc lộ tình thương với con cái là một sự dè chừng, đúng mực. Nên giữ một khoảng cách nhất định để trẻ không bao giờ vượt quá giới hạn đến mức chỉ làm theo ý mình mà không còn kiêng sợ cha mẹ. Một số gia đình chọn mô hình “cha nghiêm khắc, mẹ ngọt ngào”, cũng có thể xem là thích hợp nếu vận dụng khéo léo, tránh cho trẻ có những ấn tượng sai lệch về cha mẹ. Ngoài ra, dù trong trường hợp nào cũng phải tạo điều kiện để thỉnh thoảng con cái có thể cởi mở những suy nghĩ, tình cảm của mình với cha mẹ. Nhất là khi chúng đã đến tuổi trưởng thành.

Nhiều bậc cha mẹ chăm lo cho con cái vượt quá những nhu cầu thích hợp. Ít người biết rằng điều đó thật ra không phải là một sự chọn lựa khôn ngoan. Con cái lớn lên không chỉ cần thiết việc cung ứng cho chúng những nhu cầu vật chất, mà cũng quan trọng không kém là một sự đào luyện nhân cách, tinh thần.

Những bậc cha mẹ khôn ngoan, dù khó khăn cũng cố gắng không để con cái thiếu thốn những điều kiện vật chất cần thiết, và dù giàu có đến đâu

cũng không cho phép chúng được hưởng sự ưu đãi vật chất vượt quá xa những bạn bè cùng trang lứa. Khi bạn chọn mua quần áo, dụng cụ học tập, đồ chơi... cho trẻ, nếu khả năng tài chánh dư giả hoặc có thể cho phép, hãy tự nhắc nhở mình đừng để tình thương chi phối quá đáng, có nghĩa là hãy cân nhắc bằng lý trí của bạn. Nên chọn cho trẻ những món trong phạm vi trung bình là tốt nhất. Những hàng đắt tiền quá, tất nhiên là phẩm chất tốt hơn, nhưng sẽ không mang lại phẩm chất tinh thần tương xứng cho con cái của bạn đâu.

Vì sao như vậy? Bởi vì trẻ con học hỏi nhiều hơn từ những gì chúng nhìn thấy so với những gì chỉ nghe nói. Những đứa trẻ được hưởng sự ưu đãi về vật chất vượt mức, tự nhiên sẽ phát triển một ý thức coi thường giá trị lao động trong cuộc sống. Điều này là bởi chúng cảm thấy quá dễ dàng có được những gì mà người khác cho là khó khăn. Ngoài ra, chúng cũng thường có một sự hợm hĩnh nhất định với những bạn bè thường xuyên thua kém mình.

Cho dù bạn có lên lớp chúng với những bài giảng về giá trị lao động, về tính cần kiệm hoặc sự cần thiết phải cảm thông, chia sẻ với mọi người chung quanh... Những nỗ lực ấy đều sẽ trở thành

vô ích mà thôi. Tệ hơn nữa, chúng sẽ rất khó phát triển khả năng chia sẻ những khó khăn của gia đình nếu có. Chúng thường không tin hoàn toàn vào những khó khăn nào đó của cha mẹ về tài chánh, cho dù chúng đã đến tuổi để được chia sẻ và hiểu biết.

Tiện nghi tốt hơn mà vật chất mang lại cho chúng hoàn toàn không bù đắp được những sai lầm về nhận thức như thế. Lớn lên, trẻ rất dễ trở thành người hoang phí, không biết trân trọng giá trị lao động hoặc khinh thường người khác.

Ngược lại, trẻ hoàn toàn không có vấn đề gì về phát triển thể chất nếu như ta cho chúng hưởng những nhu cầu theo mức trung bình.

Nhiều bậc cha mẹ mua sắm nữ trang rất đắt tiền cho các bé gái, hoặc đồng hồ đắt tiền cho các bé trai... Những thứ này không giúp chúng học giỏi hơn hoặc mau lớn hơn, nhưng lại thực sự tạo ra ngăn cách giữa chúng với bạn bè cùng lứa tuổi. Chưa nói đến việc đã có nhiều trường hợp cướp giật xảy ra với các cháu bé này. Quả thật, lo cho con cái theo cách này không phải là điều khôn ngoan chút nào.

Ngược lại, có những nhu cầu mà dù khó khăn cha mẹ cũng cần phải nỗ lực hết sức để chu toàn cho trẻ. Đứng đầu trong danh sách những điều này là những nhu cầu dinh dưỡng theo độ tuổi của trẻ. Tiếp đến là những nhu cầu ở trường học theo hướng dẫn của thầy cô giáo. Chú ý là theo hướng

dẫn của thầy cô giáo, chứ không phải theo đòi hỏi của trẻ.

Nên cho trẻ ăn mặc theo cách gọn gàng, sạch sẽ là chính, đừng chạy theo những mốt cầu kỳ hoặc chọn dùng các loại vải quá đắt tiền. Nếu bạn tế nhị hơn chút nữa, nên quan sát trẻ trong nhóm bạn của chúng, và làm thế nào để con mình không thua kém lắm nhưng cũng đừng vượt trội quá, có lẽ đó là một chọn lựa thích hợp nhất.

Một phần của tài liệu Sống đẹp giữa dòng đời (Trang 41 - 43)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(125 trang)