Cởi mở, thân mật và tôn trọng

Một phần của tài liệu Sống đẹp giữa dòng đời (Trang 46 - 47)

II. Cha mẹ đối với con cái

6. Cởi mở, thân mật và tôn trọng

Khi bạn có được những cơ hội để tiếp xúc thân mật cùng con cái – nên tạo nhiều cơ hội như thế – bạn cần lưu ý đến thái độ, cách ứng xử của mình. Nói chung, dù là cha mẹ vẫn không tránh được một khoảng cách nhất định giữa hai thế hệ. Những điều bạn hiểu biết có thể là không hoàn toàn giống với những gì con cái bạn học được trong thời đại này. Bạn cần là người chủ động rút ngắn hoặc xoá bỏ đi khoảng cách. Hãy để cho con cái được tự do bộc lộ trong giới hạn thích hợp mà bạn

cho phép. Hãy mạnh dạn trao đổi với chúng những vấn đề của bạn với thái độ tôn trọng.

Một số người có thể lấy làm lạ về ý tưởng này. Cha mẹ cũng phải tôn trọng con cái sao? Vâng, điều đó hoàn toàn chính xác, và đã được chứng minh qua nhiều công trình nghiên cứu của các nhà tâm lý học. Khi trẻ cảm thấy được tôn trọng, chúng mạnh dạn hơn, tự tin hơn và do đó sáng tạo hơn.

Điều này thể hiện cụ thể như thế nào? Chẳng hạn khi bạn đặt một vấn đề và đứa con bạn đưa ra một giải pháp, một câu trả lời. Đừng bao giờ thẳng thừng bác bỏ theo cách của một “người lớn” đối với “con nít”, cho dù những điều trẻ nói ra là ngây ngô đến đâu cũng vậy. Hãy từ chối hoặc bác bỏ giải pháp của trẻ giống như bạn từ chối một bạn đồng nghiệp, nghĩa là cần phải cân nhắc thận trọng và chọn lựa ngôn từ thật khéo léo. Có thể bạn thấy hơi khó chịu khi làm như thế lần đầu tiên, nhưng những lần sau sẽ dễ dàng hơn. Và chắc chắn bạn sẽ ngạc nhiên rất nhiều về tác động tích cực của cách ứng xử này đối với con cái mình.

Bạn cần biết lắng nghe những bộc bạch của con cái với một sự cảm thông, bởi vì không phải mọi suy nghĩ của chúng ngày nay đều giống như

mong muốn của bạn. Thậm chí có một vài quan điểm mới của thời đại có thể là bạn không sao hiểu nổi. Cảm thông và chia sẻ mọi điều với con cái, bạn sẽ làm cho chúng tự nguyện lắng nghe và học hỏi những gì bạn muốn.

Khi con cái đến tuổi trưởng thành, cha mẹ nên là những người đầu tiên thừa nhận sự trưởng thành của chúng. Điều này giúp cho chúng tự tin và dễ thành đạt hơn khi thực sự vào đời. Bất cứ khi nào có thể, hãy chia sẻ cho con cái chịu trách nhiệm về một phần nho nhỏ nào đó trong những công việc của gia đình. Nếu trẻ làm được, hãy khuyến khích, động viên chúng. Nếu trẻ có sơ sót hoặc thất bại, cũng đừng nặng lời phê phán, chỉ trích. Hãy an ủi và dành cho chúng một cơ hội khác. Thực tế cho thấy những bậc cha mẹ biết quan tâm đến con cái vào giai đoạn này thường được bù đắp xứng đáng bằng niềm vui khi nhìn thấy con cái thành đạt sau này.

Một phần của tài liệu Sống đẹp giữa dòng đời (Trang 46 - 47)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(125 trang)