Tính GDP/GNI theo tiền đồng cũng đã được chuyển sang đô la Mỹ để dùng trong so sánh quốc tế, thậm chí so sánh các địa phương với nhau và với thế giới. Tuy nhiên, khi sử dụng cũng thường mắc một số lầm lẫn do ngộ nhận. Xin kể ra tiếp ba ngộ nhận khác là:
Thứ nhất, GNI theo cách tính của Tổng cục Thống kê hiện nay chưa phải là GNI theo WB Atlas trong phân loại các nước được Liên hiệp quốc thừa nhận. Ngân hàng Thế giới (WB) đã xác định GNI bình quân đầu người, không chỉ tính theo tỷ giá hối đoái bình quân trong năm (cách Việt Nam đang sử dụng), mà xét thêm cả tỷ giá theo hai năm trước đó và lấy trọng số theo một số nền kinh tế lớn để phản ánh sát hơn tình hình lạm phát/tỷ giá trong các nền kinh tế thế giới. Theo đó, GNI 2008 của Việt Nam
tương đương khoảng 90 tỉ đô la Mỹ và bình quân đầu người là 890 đô la Mỹ/người. Quy mô nền kinh tế của Việt Nam năm 2008 như vậy nằm trong số 60 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, GNI 2008 Việt Nam theo WB chỉ bằng 90% GDP tính theo giá đô la Mỹ của Tổng cục Thống kê Việt Nam. Sai lệch đã được đNy lên mức 10% và từ đó nhận định chưa đúng về trình độ phát triển của Việt Nam hiện tại trong so sánh với các nước.
Thứ hai, có người còn chưa hiểu đúng về cách phân loại kinh tế các nước theo thu nhập tại từng thời điểm. WB đã phân loại các nước năm 2009/2010 thành các nhóm nước/vùng lãnh thổ theo mức GNI năm 2008:
(1) nhóm nước có thu nhập thấp (có GNI dưới 975 đô la Mỹ/người);
(2) nhóm nước có thu nhập trung bình (có GNI từ khoảng 976 đô la Mỹ/người đến 11.905 đô la Mỹ/người, trong đó có hai phân nhóm trung bình thấp từ 3.855 đô la Mỹ/người trở xuống và trung bình cao);
(3) nhóm nước có thu nhập cao (trên 11.906 đô la Mỹ/người).
Như vậy, trong phân loại năm 2010 dựa vào số liệu GNI 2008, Việt Nam chưa thuộc nhóm nước thu nhập trung bình (890 đô la Mỹ/người so mức ít nhất là 975 đô la Mỹ/người), mà mới chỉ bằng 91,3% của ngưỡng trên của nhóm nước thu nhập thấp. Theo các chuyên gia Tổng cục Thống kê, do GDP bình quân chỉ tăng chút ít (1.047 đô la Mỹ/người năm 2008 và 1.055 đô la Mỹ/người năm 2009), có thể ước đoán GNI 2009 bình quân của nước ta cũng chỉ khoảng trên dưới 900 đô la Mỹ/người. Do đó, nếu tính cả các yếu tố lạm phát, tỷ giá, tăng trưởng thực, có thể dự đoán sau năm 2010, mức GNI bình quân vượt 1.000 đô la Mỹ/người và Việt Nam có thể vững chắc đứng trong nhóm các nước thu nhập trung bình (thấp).
Trong 10 năm qua (1997-2007), thu nhập bình quân GNI Việt Nam tăng gần ba lần (từ gần 300 lên gần 900 đô la Mỹ), trong khi thu nhập trung bình GNI thế giới cùng kỳ đã tăng gấp rưỡi (từ 5.130 lên 7.958 đô la Mỹ). Thu nhập trung bình GNI thế giới năm 2008 là 8.613 đô la Mỹ/người, lớn hơn mức thu nhập trung bình GNI Việt Nam đến gần 10 lần. Để vượt qua khoảng cách “tụt hậu” này có lẽ cần nhiều thời gian hơn ta muốn, bởi lẽ khi nước ta tăng trưởng nhanh, thì thế giới cũng không dừng lại. Thứ ba, có sự khác biệt giữa giá thực tế và sức mua tương đương. Để loại trừ các chênh lệch giá giữa các nước, người ta sử dụng phương pháp sức mua tương đương (Purchasing Power Parity - PPP), tính theo giá đô la “bình quân” thế giới. Khi đó GDP Việt Nam 2008 theo giá thực tế mới khoảng 90 tỉ đô la Mỹ, đứng thứ 60 nước/vùng lãnh thổ trên thế giới, nhưng khi tính theo PPP đã được “tăng lên” đến 241,8 tỉ đô la Mỹ và đứng thứ 45 trên thế giới, do mức giá cả ở Việt Nam rẻ hơn trung bình thế giới khoảng 2,7 lần.
Với các nước đang phát triển trình độ thấp, độ lệch giữa hai loại giá như trên có thể lên tới 5 lần. Với Việt Nam trong quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng, độ lệch giữa giá cả thực tế và giá theo PPP đã giảm dần từ 5 lần các năm trước, xuống còn 3,28 lần năm 2006/2007 và sau khi gia nhập WTO, độ lệch giá năm 2008 còn khoảng 2,67 lần.