Thưa Quốc hội.
Qua một ngày nghe báo cáo và nghe các ý kiến tham luận tôi thấy đây là lĩnh vực lớn, phức tạp và được cử tri cả nước rất quan tâm. Qua nhiều kỳ họp Quốc hội chúng ta có hai lần Quốc hội giám sát lĩnh vực này. Qua báo cáo kết quả giám sát của Quốc hội chúng tôi thấy báo cáo nêu đúng, nhưng chưa đủ, chưa đủ ở hai lẽ thứ nhất là chưa có đánh giá mức độ nghiêm trọng các khuyết điểm trên lĩnh vực này từ quy hoạch đến quyết định đầu tư, tình trạng lãng phí, thất thoát mức độ như thế nào thì chúng ta chưa đánh giá được. Theo tôi nếu phân loại nghiêm trọng theo 4 loại: ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng thì tôi cho rằng những thiếu sót trên lĩnh vực này ở mức nghiêm trọng. Giống như mình khám bệnh, bác sĩ khám bệnh thì phải xem bệnh này ở cấp độ nào, mãn tính hay cấp tính. Tôi cho rằng bệnh này là mãn tính, dai dẳng nhiều năm rồi, cũng đi nhiều bệnh viện rồi, cũng nhiều bác sĩ khám rồi nhưng xem ra bệnh tình chưa thuyên giảm ít.
Trong báo cáo giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội nêu ngoài ưu điểm tôi không nói nhưng thiếu sót rất nhiều, ví dụ chất lượng quy hoạch còn thấp, tiến độ thì rất chậm, thủ tục thì rườm rà, hiệu quả thì thấp, còn thất thoát, lãng phí so với đầu tư nguồn vốn khác.
Tôi đồng tình ý kiến phát biểu của đại biểu Minh đoàn Quảng Nam và câu hỏi đặt ra của đại biểu Lợi vừa phát biểu. Ở đây có một vấn đề ngoài nguyên nhân trong báo cáo đã nêu, tôi cho rằng nguyên nhân cốt lõi ở đây là phải phân tích rõ vì sao đồng tiền của doanh nghiệp tư nhân đầu tư hiệu quả cao, nhanh, tốt, có chất lượng. Nhưng cũng là đồng tiền của vốn nhà nước, trong lúc cả bộ máy luật pháp tương đối đầy đủ, có hệ thống giám sát nhưng lại chậm, chất lượng kém. Đây là vấn đề cần đặt câu hỏi chỗ này, như gợi ý của đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội nguyên nhân cốt lõi ở đây là gì? Tôi cho rằng cần phải phân tích chủ nhân của đồng tiền ở đây. Tôi cho rằng chủ đồng tiền của doanh nghiệp tư nhân là chủ thật, còn chủ đồng tiền của Nhà nước ở đây là chủ ảo, vấn đề đó qua thực tiễn cũng chứng minh rồi. Bao nhiêu doanh nghiệp Nhà nước sau này cổ phần hóa còn lại một phần vốn của Nhà nước ở các doanh nghiệp đó thì hầu như đánh giá lại ở Trung ương cũng vậy, ở địa phương tôi vừa rồi kiểm tra lại cũng vậy, càng ngày càng thất thoát. Có một thực trạng giám đốc kinh doanh lỗ thì Nhà nước chịu mà
lãi thì cùng hưởng, đấy là vấn đề bức xúc của dư luận mà chúng ta chưa xử lý gốc này. Cho nên tôi đề nghị phải đánh giá chỗ này là gốc của vấn đề.
Vấn đề thứ hai là xác định trách nhiệm chưa rõ. Thưa Quốc hội, tôi theo dõi nhiều đại biểu phát biểu thì chúng ta thường đổ lỗi cho Chính phủ nhiều, nhưng tôi nghĩ ở trong Hội trường Quốc hội này có rất nhiều đại biểu là chủ chốt cấp tỉnh, thành phố, Bí thư có, Chủ tịch có, đã từng qua Chủ tịch rồi lên Bí thư có. Ở đây tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản của ngân sách Nhà nước từ năm 2005-2007 là 237 ngàn tỷ (tôi nói số tròn), trong đó ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý là 151 ngàn tỷ, như vậy là chiếm 2/3, chỗ của ngân sách địa phương này là 2/3 thì trách nhiệm của người đứng đầu địa phương ở đâu? Chủ tịch có quyền ra quyết định đầu tư, thẩm định đầu tư, quyết định đầu tư và có bộ máy thanh tra, kiểm tra để đi kiểm tra nhưng trong Hội trường này nhiều vị Chủ tịch phát biểu tôi theo dõi là đẩy trách nhiệm lên Chính phủ cả. Như vậy, không ổn, nếu thất thoát thì trong hai phần ba này thất thoát nhiều hơn, lãng phí nhiều hơn so với Trung ương quản lý chiếm 80 ngàn tỷ thôi, đấy là một câu hỏi tôi đề nghị trước nhân dân mình phải có trách nhiệm bởi vì hôm nay là truyền hình trực tiếp, tôi xin nói như vậy. Ở Hội trường này chúng ta muốn nói gì thì nói, tôi xin nói vấn đề đó.
Một vấn đề nữa tôi đề nghị một số đại biểu phát biểu cũng nên thận trọng, ở đây có đại biểu nói tỉnh nào cũng trung tâm, xin các vị đọc Quyết định 148/2004 của Thủ tướng Chính phủ ngày 13/8/2004 về phương hướng chủ yếu phát triển kinh tế xã hội vùng kinh tế trọng điểm trung trung bộ đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020. Trước khi đưa ra quyết định này không phải đơn giản có nhiều Bộ, ngành tham mưu ví dụ như xác định Huế là thành phố Festival, xác định Huế là trung tâm du lịch của vùng, xác định Huế là Trung tâm y tế chuyên môn, đúng quá. Còn các tỉnh khác tôi không nói, cho nên tôi đề nghị phát biểu giữa Hội trường này có cả các địa phương nghe, phải nên thận trọng.
Vấn đề thứ ba, vấn đề cuối cùng tôi đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên làm ngay một việc là nên ra một nghị quyết như Nghị quyết 388 về xử lý oan sai của các người có quyền hành tham gia tố tụng phải bồi thường thì đây ra một nghị quyết là yêu cầu phải bồi thường thiệt hại do người ra quyết định đầu tư sai, gây thất thoát lãng phí như trong lĩnh vực hình sự. Như Nghị quyết 388 quy định rất rõ, công an khởi tố sai phải bồi thường, khi Viện Kiểm sát phê chuẩn sai Viện Kiểm sát phải bồi thường, khi chuyển qua tòa mà tòa sai thì tòa phải bồi thường. Con người là vốn quý của xã hội tôi đồng ý, nhưng tiền này cũng quý, cho nên bây giờ làm thất thoát tài sản, quyết định đầu tư sai hàng tỷ đồng như vậy không có trách nhiệm gì cả, không có một chế tài gì xử lý cả, trong đó các cơ quan tố tụng như chúng tôi làm thì rất chặt chẽ. Nhưng từ khi Nghị quyết 388 thì bắt xử lý oan sai đỡ nhiều, tôi tin rằng lần này Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra một Nghị quyết là có chế tài thì tôi tin rằng nó sẽ giảm. Xin hết, xin cảm ơn Quốc hội.