NGÀY 22/9/2010 CỦA BỘ TÀI CHÍNH VÀ BỘ TƯ PHÁP HƯỚNG DẪN VỀ CHẾ ĐỘ THU, NỘP, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG PHÍ THI HÀNH ÁN DÂN SỰ
50. Tại điểm a khoản 4 Điều 2 Thông tư quy định "Nếu đương sự có thỏa
thuận bằng văn bản hoặc người được thi hành án có văn bản yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự không tiếp tục việc thi hành án theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 50 của Luật Thi hành án dân sự và người được thi hành án từ bỏ nhận tiền, tài sản đã thu được hoặc có đơn rút đơn yêu cầu thi hành án trước khi có quyết định cưỡng chế thi hành án, thì cơ quan thu phí không thu phí thi hành án". Như vậy, theo tinh thần hướng dẫn trên thì, hai bên đương sự (người phải và người được thi hành án) có văn bản hoặc người được thi hành án có văn bản yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự không tiếp tục thi hành án nữa thì mới phát sinh việc đình chỉ việc thi hành án theo điểm c khoản 1 Điều 50 Luật thi hành án dân sự.
Tuy nhiên, tại điểm b và c tại khoản 4 Điều 2 Thông tư lại quy định:
b/ Nếu đương sự không có thỏa thuận bằng văn bản hoặc người được thi hành án không có văn bản yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự không tiếp tục việc thi hành án theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 50 của Luật Thi hành án dân sự và việc rút đơn thực hiện sau khi có quyết định cưỡng chế thi hành án, thì người được thi hành án phải nộp 1/3 (một phần ba) số phí thi hành án phải nộp như của trường hợp không rút đơn.
c/ Nếu đương sự không có thỏa thuận bằng văn bản hoặc người được thi hành án không có văn bản yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự không tiếp tục việc thi hành án theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 50 Luật Thi hành án dân sự và việc rút đơn thực hiện sau khi cơ quan thi hành án dân sự đã thực hiện xong việc cưỡng chế; cơ quan thi hành án dân sự đã thu được tiền, tài sản để chi trả hoặc giao trả cho người được thi hành án, thì cơ quan thu phí vẫn thu phí thi hành án theo quy định tại Thông tư này.
Nếu hiểu theo đúng tinh thần tại hai điểm b, c nêu trên thì việc đình chỉ thi hành án theo điểm c khoản 1 Điều 50 Luật Thi hành án dân sự không xảy ra. Theo một số ý kiến, cách diễn đạt trong hai điểm b, c nêu trên là khó hiểu, dẫn đến nội dung bị chệch hướng, không đúng đối tượng cần điều chỉnh.
Ý kiến về diễn đạt trong văn bản gây khó hiểu như đã nêu ở trên là đúng. Tuy vậy, nội dung tại điểm b và điểm c khoản 4 Điều 2 Thông tư vẫn được hiểu về mức phí thi hành án trong hai trường hợp sau:
b/ Thời điểm rút đơn yêu cầu thi hành án của đương sự (việc rút đơn theo đúng trình tự pháp luật) xẩy ra sau thời điểm có quyết định cưỡng chế thi hành án thì phải nộp 1/3 số phí thi hành án phải nộp như của trường hợp không rút đơn.
c/ Thời điểm rút đơn yêu cầu thi hành án của đương sự (việc rút đơn theo đúng trình tự pháp luật) xẩy ra sau thời điểm cơ quan thi hành án dân sự đã thực hiện xong việc cưỡng chế; cơ quan thi hành án dân sự đã thu được tiền, tài sản để chi trả hoặc giao trả cho người được thi hành án, thì cơ quan thu phí vẫn thu phí thi hành án theo quy định tại Thông tư này.
51. Khoản 2 Điều 4 quy định về khoản tiền 45% phí thi hành án cơ quan
thi hành án dân sự được giữ lại sử dụng. Khoản tiền này có thuộc đối tượng kiểm sát của Viện kiểm sát nhân dân hay không?
Khoản tiền 45% phí thi hành án cơ quan thi hành án dân sự được giữ lại sử dụng không thuộc diện kiểm sát vì đã được cơ quan quản lý ngân sách (Bộ Tài chính) cho phép, hơn nữa tại khoản 1 điều này quy định “Phí thi hành án là khoản thu thuộc ngân sách nhà nước, được quản lý, sử dụng, theo quy định của pháp luật ngân sách và hướng dẫn tại Thông tư này” do vậy việc kiểm tra, giám sát hoạt động chi, sử dụng khoản phí này thuộc trách nhiệm của cơ quan Tài chính, cơ quan quản lý thi hành án dân sự và cơ quan thi hành án dân sự cấp trên.