TTXVN (nytimes.com/ AFP ,Caracas 22/5) - Nicolas Maduro đã đắc cử nhiệm kỳ tổng thống thứ hai sau cuộc bầu cử tại Venezuela - quốc gia Mỹ Latinh đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng kinh tế lịch sử được đánh dấu bằng lạm phát phi mã, nạn đói và tội phạm hoành hành, hệ thống y tế xuống cấp trầm trọng và người dân hoảng loạn tìm cách di cư.
Tối 20/5, giới chức phụ trách hoạt động bầu cử tuyên bố Maduro là người giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu mà các nhà chỉ trích cho là đã bị bóp méo trầm trọng để thiên vị cho nhà lãnh đạo phe cánh tả này. Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu tại thủ đô Caracas và nhiều nơi trên cả nước cực kỳ thấp. Hơn 50% số cử tri đủ tư cách đã tẩy chay hòm phiếu, một phần là do lời kêu gọi của các nhà lãnh đạo phe đối lập và một phần là do sự rã đám của những người từng ủng hộ chính phủ suốt nhiều năm.
Theo kết quả kiểm phiếu tại 92 % điểm bầu cử, ông Maduro giành được 5,8 triệu phiếu, tương đương 68% tổng số phiếu. Đối thủ chính của ông, Henri Falcón - cựu thống đốc từng có mối liên hệ thân thiết với cố lãnh đạo Hugo Chavez - giành được 1,8 triệu phiếu. Ứng cử viên về thứ ba, Javier Bertucci, một chính trị gia trẻ thuộc phái Phúc âm, giành được chưa đầy 1 triệu phiếu. Nhiệm kỳ hiện tại của ông Maduro sẽ kết thúc vào cuối năm nay và nhiệm kỳ mới dài 6 năm sẽ bắt đầu ngay sau đó.
Ông Maduro ăn mừng chiến thắng với tuyên bố: “Họ đã đánh giá thấp những người cách mạng! Họ đã đánh giá quá thấp tôi,… Một lần nữa chúng ta lại giành chiến thắng!”. Tuy nhiên, ông hoàn toàn không nhắc đến tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu quá thấp mà chỉ nói rằng 68% số phiếu của ông là mức cao nhất mà một ứng cử viên từng giành được trong bầu cử tổng thống tại Venezuela, khẳng định đây là một chiến thắng “tuyệt đối”.
Tuy nhiên, dù đã giành chiến thắng song bản thân Maduro nói riêng hay đất nước Venezuela khó có thể thở phào. Mỹ - vốn chỉ trích cuộc bầu cử là thiếu công bằng và phi dân chủ từ trước khi diễn ra – đe dọa sẽ áp đặt các đòn trừng phạt nghiêm khắc hơn. Hiện
Tổng thống Maduro đã bị cấm thực hiện các giao dịch tài chính quốc tế trong khi ngành công nghiệp dầu mỏ do nhà nước quản lý, vốn là nguồn thu ngoại tệ chính của quốc gia này, đang “rơi tự do” với sản lượng tụt dốc nghiêm trọng.
Mỹ cùng nhiều quốc gia khu vực tuyên bố không thừa nhận kết quả của cuộc bầu cử. Colombia và Brazil là hai quốc gia đã phải đón nhận làn sóng người Venezuela tị nạn khổng lồ.
Chiến thắng của ông Maduro chắc chắn sẽ lại càng khiến phe đối lập hứng chịu nhiều chỉ trích và mâu thuẫn hơn nữa. Một số người cáo buộc ông Falcon đã “trao” chiến thắng hợp pháp cho Tổng thống Maduro khi ứng cử viên này không đồng tình với quan điểm của các lãnh đạo phe đối lập là tẩy chay cuộc bầu cử mà quyết tâm tham gia cuộc bỏ phiếu với tư cách đối thủ của ông Maduro. Một số người thậm chí còn đặt câu hỏi rằng có phải phe đối lập đã bỏ lỡ cơ hội để thay thế nhà lãnh đạo cánh tả này, nhất là trong bối cảnh tỷ lệ ủng hộ ông Maduro của chính những người vốn ủng hộ phong trào Chavista ngày càng giảm mạnh.
Cho đến nay nhà lãnh đạo cánh tả, người kế thừa Venezuela từ cố lãnh đạo Chavez, vẫn chưa có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy ông có khả năng giải quyết những vấn đề trầm trọng mà đất nước đang phải đối mặt. Phản ứng chủ yếu của Tổng thống Maduro đối với cuộc khủng hoảng vẫn chỉ là đàn áp những người bất đồng ý kiến và phản kháng.
Venezuela, quốc gia được cho là có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới, đang trải qua một trong những cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử tại phía Tây Bán cầu. Quỹ Tiền tệ Quốc tế ước tính tỷ lệ lạm phát tại Venezuela có thể lên tới 13.000%, mức cao nhất trên thế giới. Với giá cả hàng hóa leo thang trong khi nhu yếu phẩm cực kỳ thiếu thốn, nhiều người Venezuela đang ở trong tình trạng suy dinh dưỡng nghiêm trọng. Nhiều gia đình chỉ ăn 2 bữa 1 ngày, với số lượng protein, hoa quả hay rau củ tươi cực kỳ ít ỏi. Đây được xem là những điều kiện khó có thể giúp một nhà lãnh đạo tái đắc cử, tuy nhiên Maduro đã tìm cách có được mọi lợi thế trong cuộc bầu cử ngày 20/5.
Chính quyền bầu cử địa phương đã cấm các chính đảng đối lập lớn nhất tham gia bầu cử, trong khi nhiều chính trị gia quan trọng bị cấm tranh cử. Các chiến dịch đàn áp đầy bạo lực nhằm vào các cuộc biểu tình chống chính quyền, việc nhiều nhà lãnh đạo và hoạt động đối lập bị bắt giam cũng là nguyên nhân khiến phe đối lập bị suy yếu. Không chỉ vậy, việc giới chức tiến hành các cuộc bầu cử sớm hơn so với thời hạn theo quy định là tháng 12 năm nay khiến phe đối lập không thể tổ chức và vận động tranh cử hiệu quả. Chính quyền thậm chí còn hủy bỏ yêu cầu các cử tri phải điểm chỉ, quy định vốn được đưa ra để ngăn cử tri bỏ phiếu 2 lần.
Tổng thống Maduro cho rằng những vấn đề mà đất nước đang gánh chịu, điều mà ông gọi là cuộc chiến kinh tế nhằm vào Venezuela, là do Mỹ tiến hành. Tuy nhiên, theo các nhà kinh tế, chính sự quản lý yếu kém của chính quyền, tình trạng tham nhũng và các chính sách sai lầm như siết chặt trao đổi ngoại hối, định giá tiền tệ quá cao và áp giá hàng hóa, mới là những nguyên nhân chính dẫn đến hoàn cảnh tồi tệ như hiện nay.
Chính quyền xử lý cuộc khủng hoảng bằng cách cung cấp các hộp thức ăn cho người dân, gồm sữa bột và mỳ sợi, song hầu hết người dân đều nói rằng các hộp này không được cấp phát thường xuyên và không đủ đáp ứng nhu cầu của một hộ gia đình. Các hộp thức ăn này đã được sử dụng như “cây gậy và củ cà rốt” trong chiến dịch tranh cử, và nhiều cử tri lo ngại rằng họ có thể bị cắt nguồn cung này nếu không ủng hộ chính quyền.
Tại nhiều điểm bỏ phiếu trong ngày 20/5, các cử tri bỏ phiếu và sau đó tới một địa điểm có tên Red Spot (Điểm Đỏ - màu đại diện cho Đảng Xã hội cầm quyền) được dựng lên ở gần đó. Tại Red Spot, các cử tri trình thẻ nhận diện đặc biệt để nhận hộp thức ăn và các dịch vụ khác, đồng thời cung cấp tên cho các nhân viên ghi vào danh sách bỏ phiếu. Các nhân viên tại Red Spot cho biết họ không hề gây áp lực hoặc kêu gọi người dân bỏ phiếu ủng hộ ông Maduro để đổi lấy nguồn cung thực phẩm trong tương lai. Trong khi đó, ứng cử viên Falcon chỉ trích chính quyền vi phạm luật tranh cử bằng việc dựng lên các điểm cấp phát thực phẩm này.
AFP dẫn lời Andres Canizalez , một chuyên gia về truyền thông và chính trị, bình luận: “Nhiều người, không chỉ phe đối lập, mà cả nhiều người Chavista, đã đánh giá thấp Maduro. Maduro đã hưởng lợi từ sai lầm của người khác, và tìm được cách vô hiệu hóa cả kẻ thù” trong phong trào xã hội cầm quyền từ 1999.