(Biên Phòng Online 3/6, Xuân Hương)
Lo lắng, sợ hãi là tâm trạng chung của người dân ở những địa phương đang bị sạt lở do biển xâm thực mà chúng tôi có dịp đi qua. Dọc bờ biển các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có những khu vực, biển lấn sâu vào đất liền gần 200m mỗi năm. Ngay cả những khu vực có rừng phòng hộ, đê, kè chắn sóng bằng bê tông cũng bị sóng biển gây “thương tích” trầm trọng. Có những khu dân cư tan hoang chỉ sau một đêm chống chọi với sóng biển dữ dội.
Người dân xóm Vàm Hòn, ấp Kinh Hòn, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau vẫn còn nguyên ký ức hãi hùng về những ngày “chạy sóng biển” không kịp. Ở xóm nghèo này, mỗi năm biển lấn vào hàng trăm mét. Có đêm sóng biển dữ dội tràn vào đánh sập nhiều nhà khiến người dân chỉ kịp chạy thoát thân, tất cả tài sản đều bị nhấn chìm xuống biển. Ngay cả khu nhà kiên cố
nhất là Trạm Kiểm soát Biên phòng Đá Bạc, thuộc Đồn Biên phòng Sông Đốc, BĐBP Cà Mau cũng bị sóng biển bào mòn, đánh sập chỉ trong một thời gian ngắn.
Không chỉ ở Cà Mau, nhiều khu vực bờ biển của tỉnh Phú Yên liên tục bị triều cường, sóng dữ dội đánh vào bờ gây thiệt hại nghiêm trọng. Cuối năm 2017, sóng lớn đã phá tan khu sửa chữa tàu thuyền rộng chừng 1ha tại khu vực cửa biển Đà Diễn, phường Phú Đông, thành phố (TP) Tuy Hòa. Không chỉ “xóa sổ” khu sửa chữa tàu thuyền, sóng biển còn tiếp tục lấn sâu vào khu vực phía trong. Tiếp đó, đêm 3-11-2017, tại khu dân cư thôn Long Thủy, xã An Phú, TP Tuy Hòa, triều cường dâng cao từ 2 - 5m gây thiệt hại nhà cửa và tài sản của người dân. Theo thông kê, ít nhất gần 10 ngôi nhà bị triều cường làm hư hỏng, hơn 50 căn khác bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều hộ dân ở đây phải di dời khẩn cấp. Tình trạng biển xâm thực cũng diễn tiến nghiêm trọng dọc bờ biển Bình Thuận. Gần đây nhất, đầu tháng 3-2018, sóng biển dâng cao đánh mạnh vào khu vực bờ biển phường Hàm Tiến, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, nơi tập trung nhiều khu nghỉ dưỡng cao cấp, gây sạt lở, cuốn trôi nhiều đoạn bờ biển và gây thiệt hại tài sản của các khu du lịch. Cũng trong khoảng thời gian này, hàng chục hộ dân ở thôn Tiến Đức, xã Tiến Thành, TP Phan Thiết rơi vào trạng thái bất an, mất ăn, mất ngủ khi sóng biển dữ dội dâng cao, đánh vào bờ liên tục suốt ngày đêm. Mặc dù người dân ở đây đã làm kè tạm, gia cố lại nhà cửa, nhưng cũng không thể chống chọi được với những con sóng biển ngày càng dâng cao. Hơn 60 căn nhà ở Tiến Đức đã bị đổ sập và hư hỏng do triều cường.
Các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình đến Hà Tĩnh cũng đang phải gánh chịu hậu quả do sạt lở bờ biển. Tại tỉnh Quảng Bình, mấy năm gần đây, biển xâm thực rất mạnh khiến bờ cát ở xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch bị “mất tích” hơn 50m chiều rộng, kéo dài hàng cây số. Biển xâm thực mạnh cũng khiến cho hàng loạt xã bãi ngang, bắt đầu từ phường Quảng Phúc, Quảng Thọ (thị xã Ba Đồn) đến các xã Quảng Xuân, Quảng Hưng, Cảnh Dương, Quảng Phú, Quảng Đông (huyện Quảng Trạch) mất dần đất, nhiều ngôi nhà của người dân đang đứng trước nguy cơ bị sóng cuốn xuống biển khiến cho bà con lo lắng đứng ngồi không yên.
Tại Quảng Trị, biển đang lấn sâu vào đất liền gần 100m tại khu vực xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh, ảnh hưởng trực tiếp đến tuyến đê biển đoạn qua địa phương này. Cửa Tùng và Cửa Việt là hai cửa biển bị biển xâm thực mạnh, ảnh hưởng đến hoạt động du lịch, giao thông đường thủy.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển đang diễn biến ngày càng nghiêm trọng và có xu hướng gia tăng, uy hiếp trực tiếp đến tính mạng và tài sản của Nhà nước và nhân dân tại các khu vực ven sông, ven biển, đặc biệt tại ĐBSCL và dải ven biển một số tỉnh như Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Phú Yên, Bình Thuận, Cà Mau là khu vực
tập trung đông dân cư và nhiều hoạt động kinh tế-xã hội đang có tốc độ phát triển nhanh. Đáng lưu ý là tốc độ xói lở đã vượt tốc độ bồi lắng, làm diện tích khu vực ĐBSCL giảm khoảng 300ha/năm, trong đó chủ yếu khu vực bờ biển thuộc hai tỉnh Cà Mau và Kiên Giang.
Tại ĐBSCL, tình hình sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển đã và đang diễn biến rất phức tạp và có xu hướng gia tăng cả về phạm vi và quy mô. Hiện có 562 vị trí bờ sông, bờ biển bị sạt lở, với tổng chiều dài 786km, trong đó có 42 vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm với tổng chiều dài 149km (bờ sông 26 vị trí, tổng chiều dài 65 km; bờ biển 16 vị trí, tổng chiều dài 84km) cần phải xử lý cấp bách để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân. Tổng số kinh phí cần đầu tư cho dự án này khoảng 6.990 tỷ đồng.
Các chuyên gia cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng sạt lở bờ biển, bờ sông, trong đó có biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa nhất vẫn là sự tác động tiêu cực của con người vào môi trường tự nhiên như khai thác cát quá mức, xây dựng các công trình “xâm phạm” quá mức vào tự nhiên... Để giải quyết tình trạng sạt lở, cần phải có biện pháp tổng hợp, thuận tự nhiên, kết hợp các giải pháp xây dựng kè, đê biển với các giải pháp phi công trình như trồng rừng giữ đất... Đồng thời, phải quy hoạch lại dân cư, tái định cư và quy hoạch lại sản xuất. Bộ NN&PTNT đề xuất xây dựng Đề án "Điều tra, đánh giá hiện trạng, đề xuất giải pháp tổng thể phòng chống sạt lở cấp bách bảo vệ bờ sông, bờ biển ĐBSCL" để có giải pháp căn cơ, tổng thể bảo đảm an toàn dân sinh, cơ sở hạ tầng trong khu vực ven sông, kênh rạch, đồng thời hạn chế xói lở bờ biển đang diễn biến hết sức phức tạp với tốc độ gần 300ha/năm.
Được biết, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý hỗ trợ 1.500 tỷ đồng cho các tỉnh vùng ĐBSCL để xử lý các khu vực sạt lở cấp bách ảnh hưởng trực tiếp đến khu dân cư tập trung, công trình hạ tầng thiết yếu. Về đầu trang
http://www.bienphong.com.vn/bat-an-vi-bien-noi-gian/