Khát vọng xanh nơi tuyến lửa: Dựa vào nội lực

Một phần của tài liệu 04062018-Ban-tin-Quang-Binh (Trang 39 - 41)

(Người Lao Động 4/6, tr8+9, Lương Duy Cường)

Hôm gặp chúng tôi ở thị trấn Hoàn Lão (huyện Bố Trạch), ông Phan Văn Gòn - Bí thư Huyện ủy huyện Bố Trạch - nói trong giai đoạn 2015-2020, huyện phải quyết thu ngân sách ở mức 230 tỉ đồng để có thu nhập bình quân đầu người đạt 48 triệu đồng/năm.

Bố Trạch là một trong những trọng điểm ác liệt bậc nhất của tuyến lửa Quảng Bình thời chiến tranh và bây giờ thì năm nào cũng phải chịu vài ba trận lụt bão nên để có thu nhập bình quân 48 triệu đồng/người/năm, tôi nghĩ là quá khó. Nhưng cách phân tích của ông Gòn rất thuyết phục. Đại để, ông nói như chuyện làm du lịch thì bây giờ phải nghĩ khác, không ngồi đợi các nhà đầu tư nữa mà phải dựa trước hết vào nội lực, vào sự cần cù chịu khó của chính nông dân huyện nhà. Chẳng hạn cả vùng các xã dọc theo đường 20 Quyết Thắng ấy nếu nói về nông nghiệp thì quanh đi quẩn lại vẫn chỉ bắp, mì, đậu phộng khó mà khá được. Vùng đồi mênh mông hàng trăm hecta đấy rốt cuộc vẫn chỉ phủ xanh bằng bạch đàn, cao su. Bởi thế, huyện đã bằng mọi cách để tạo ra một tiền đề rất quan trọng, ấy là việc đưa những ruộng vườn ấy tham gia vào du lịch, rồi chính nông dân vùng này phải trực tiếp làm du lịch.

Đêm ở Chày Lập Farmstay, chính các "thủ lĩnh trẻ" ở đây đã chứng minh điều ông Gòn nói không phải giáo điều. Ngay cái thôn Chày Lập vốn heo hút thế, nghèo khó thế mà bây giờ dân chúng đã thay đổi hẳn về cả cách nghĩ lẫn cách

làm. Vườn, nhà, ruộng rẫy vẫn cho sản phẩm như xưa nhưng được gắn kết vào du lịch để du khách đến muốn homestay có homestay, muốn trải nghiệm có trải nghiệm.

Công việc đào tạo, huấn luyện cho dân các xã dọc đường 20 Quyết Thắng làm du lịch bây giờ không chỉ là việc riêng của doanh nghiệp mà là sự cộng hưởng từ chính quyền nhiều cấp và trở thành một chiến lược có sự đầu tư hẳn hoi. Hợp tác xã du lịch cộng đồng Chày Lập cũng ra đời trong chiến lược ấy với sự hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Chỉ riêng Chày Lập Farmstay, chuyên gia Steven Schipani của ADB từng ghi nhận: "Với thu nhập ít nhất 166 USD/tháng/người và sử dụng khoảng 60% thực phẩm có nguồn gốc từ địa phương, Chày Lập Farmstay đã chi trả khoảng 800.000 USD tiền lương hằng năm cho người lao động và 18.000 USD cho các sản phẩm nông nghiệp của địa phương".

Dân nghèo nơi đây từng chỉ biết mỗi năm làm một vụ ruộng rồi vào rừng kiếm sống thì nay chính họ đang bằng mọi giá để trồng và giữ thảm rừng xanh ít nhất là 82% như quyết tâm của huyện. Vườn, rừng không xanh thì du khách không lưu trú. Mà ngay trong cái khu Chày Lập Farmstay rất sang trọng kia, du khách chỉ cần nhón chân đã thừa cơ hội để trải nghiệm với việc chăm sóc vườn cà, vườn ớt, hái sim mua hay thả hồn trong đêm để thưởng thức khúc nhạc giao hòa thôn dã đồng vọng bởi ếch nhái, giun dế hứng khởi hoan ca.

Từ Chày Lập quay ngược về chừng gần chục cây số là sân bay Khe Gát - sân bay dã chiến duy nhất trên đỉnh Trường Sơn, là một huyền thoại của Không quân Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ.

Lịch sử hàng không quân sự còn ghi rõ lúc bấy giờ, thi công đến đâu phải ngụy trang kín đến đó. Khi bình minh ló dạng, tất cả con người lẫn phương tiện đều phải rút hết vào hang núi. Ngày 19-4-1972, 2 chiếc MIG-17 từ sân bay này đã cất cánh và 4 quả bom đã được thả xuống chính xác khiến Hạm đội 7 của Mỹ trong nhiều tháng sau đó đã không dám vào gần bờ biển Quảng Bình. Đó cũng là lần đầu tiên không quân Việt Nam sử dụng máy bay tiêm kích đánh tàu khu trục hạm của Mỹ trên biển Đông.

Giờ thì trước mặt chúng tôi, dưới tán rừng trồng đang lấp dần dấu tích thời bom đạn ấy chính là diện tích mà ông Bí thư Huyện ủy Bố Trạch say mê với kế hoạch phát triển dược liệu. Nhiều thứ cây dược liệu sẽ được đưa vào kế hoạch khuyến nông để vừa tăng độ che phủ cho rừng vừa phục vụ du lịch vừa để dân có thêm thu nhập. Nhưng bây giờ, cả vùng này đang như một vườn hoa ngũ sắc với màu tím biền biệt của hoa sim, màu tím tha thiết của hoa mua xen lẫn những chùm muồng non xanh. Giữa vườn hoa ấy là sắc trắng tinh khôi của lá cây bướm bạc, trái chín đen sậm của vằng… đều là những dược liệu đặc trưng của miền đất sỏi đá.

Từ sân bay Khe Gát ngược tiếp 19 km theo đường Hồ Chí Minh là đến đèo Đá Đẽo - trọng điểm đánh phá ác liệt bậc nhất của không quân Mỹ trong những năm 1965-1972 để nhằm cắt đường vận chuyển từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam. Đây chính là nơi có trận địa pháo mà trước lúc hy sinh, thiếu úy pháo cao xạ Nguyễn Viết Xuân từng có câu nói ấn tượng: "Nhằm thẳng quân thù mà bắn". Hôm hàn huyên với chúng tôi, Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa là ông Bùi Anh Tuấn khoe huyện này đã có 1 tỉ đồng thu ngân sách từ du lịch. Một tỉ đồng với nơi khác có khi chỉ là doanh thu của một nhà hàng nhưng với huyện chỉ có tổng thu ngân sách trên dưới 24 tỉ đồng/năm như Minh Hóa này thì lại rất ý nghĩa. Ông Tuấn nói huyện này cũng như Bố Trạch đang quyết liệt với việc trồng rừng và giữ rừng để mãi còn những động Tú Làn, thác Mơ, đèo Mụ Giạ, núi Giăng Màn... mà thiên nhiên ban tặng. Du khách sau việc thám hiểm hang động, nếu đến các bản làng của 16 dân tộc đang định cư ở đây thì còn được nghe những điệu Hôi Lên đằm thắm, thưởng thức những đặc sản như cơm pồi và ốc đực... Nếu may mắn đúng dịp rằm tháng 3 thì còn được đắm chìm trong lễ hội văn hóa các dân tộc đặc sắc đến độ dân gian lưu truyền câu ca: "Thà rằng đau ốm mà nằm. Chớ ai lại bỏ hội rằm tháng ba". Về đầu trang

https://nld.com.vn/thoi-su/khat-vong-xanh-noi-tuyen-lua-dua-vao-noi-luc- 20180603211427372.htm

Một phần của tài liệu 04062018-Ban-tin-Quang-Binh (Trang 39 - 41)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(51 trang)
w